ách đây đúng 30 năm, vào năm 1989, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Đây là một bản Công ước về quyền con người cho đến hôm nay được coi là tiến bộ nhất và có đông quốc gia tham gia nhất với 196 thành viên.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về Trẻ em, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ: Việt Nam tự hào là quốc gia đầu tiên ở Châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này vào ngày 20/02/1990. Với nỗ lực cao nhất dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, Việt Nam đã không ngừng hài hòa pháp luật quốc gia gắn với Công ước về quyền trẻ em.
Điều này thể hiện tại khoản 1, Điều 37 Hiến pháp năm 2013: "Trẻ em được Nhà nước, gia dình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em"
Trong suốt 30 năm qua, cùng với Luật Trẻ em – đạo luật cơ bản về quyền trẻ em, các bộ luật, luật khác cũng luôn cập nhật, đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn các thông lệ và chuẩn mực quốc tế có liên quan đến quyền trẻ em... Các nguyên tắc và yêu cầu về bảo vệ người chưa thành niên, một hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên đã dần định hình.
Quyền trẻ em cũng được xây dựng theo chiều hướng ngày càng tiến bộ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án được Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện để đảm bảo các quyền của trẻ em được đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn và giải quyết các vấn đề trẻ em phát sinh.
Trong suốt ba thập kỷ qua, những cam kết chính trị cũng như sự lãnh đạo mạnh mẽ của Nhà nước trong việc cải thiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống cho hàng triệu trẻ em trên đất nước. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm 3/4; hơn 7 triệu trẻ em được tiêm chủng và tỷ lệ tiêm chủng chiếm tỷ lệ cao đã giúp thanh toán bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh và kiểm soát được bệnh sởi. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi giảm một nửa. Các lĩnh vực như nước sạch và vệ sinh môi trường cho trẻ em cũng đạt được nhiều tiến bộ đáng kể.
"Điều này cho thấy Việt Nam nhất quán đặt trẻ em vào trọng tâm ưu tiên của đầu tư cho xã hội, đầu tư cho trẻ em là phát triển bền vững và tương lai" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về Trẻ em Đào Ngọc Dung cho biết, kỷ niệm 30 năm Công ước quyền trẻ em cũng vào thời điểm chúng ta đang tích cực chuẩn bị cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Chính phủ cũng đã ban hành kế hoạch hành động để thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc, trong đó có 13 mục tiêu và 40 chỉ tiêu về hoặc liên quan đến trẻ em.
Vì thế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn ngay từ bây giờ, Trung ương và các địa phương, bộ, ngành, cần phân tích, dự báo và có ngay giải pháp đối với việc bảo vệ và thực thi có hiệu quả các vấn đề về trẻ em.
Cụ thể là, đô thị hóa và di cư dẫn đến tình trạng trẻ em nông thôn di cư thiếu sự chăm sóc, bảo vệ của cha mẹ. Khi trẻ em cùng cha mẹ đến đô thị, khu công nghiệp khó tiếp cận dịch vụ cơ bản có chất lượng; giáo dục, đặc biệt giáo dục mầm non thiếu và không đảm bảo tiêu chuẩn; không được khai sinh; không tiếp cận được bảo hiểm y tế; gia tăng tai nạn thương tích do thiếu giám sát của gia đình... Trong khi đó, trẻ em ở đô thị cũng chịu áp lực do thiếu hạ tầng dịch vụ giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, môi trường sống thiếu an toàn.
Cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển internet, mạng xã hội một mặt tạo môi trường để trẻ em phát triển trí tuệ, giao tiếp xã hội nhanh hơn. Nhưng cũng đồng thời làm gia tăng các nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu, độc, thiếu chuẩn mực; bị bạo lực, xâm hại trên và thông qua môi trường mạng.
Trẻ em là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên và chịu sự ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, thiên tai, môi trường khắc nghiệt, suy giảm nguồn tài nguyên; bị mất và hạn chế việc đảm bảo các quyền từ nhiều góc độ về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ.
Kỷ niệm 30 năm Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng hơn bao giờ hết, chúng ta cần biết tất cả cam kết thành hành động khẩn trương, mạnh mẽ, cụ thể ngay từ bây giờ vì mỗi trẻ em bị bỏ lại phía sau thì nguy cơ bị tụt hậu của quốc gia sẽ lại càng lớn hơn.
"Với thông điệp của chiến dịch toàn cầu kỷ niệm 30 năm Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em là "Thắp sáng nụ cười, thắp sáng ước mơ cho mỗi trẻ em toàn thế giới" chúng ta cùng chung tay hành động thiết thực để mọi trẻ em đều được hạnh phúc" – Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về Trẻ em Đào Ngọc Dung kêu gọi.
Sau buổi lễ, các hoạt động kỷ niệm diễn ra trên phố đi bộ ở Hồ Hoàn Kiếm trong 2 ngày 16 và 17/11 bao gồm triển lãm ảnh Thắp sáng nụ cười Việt Nam, các sân chơi tìm hiểu về Công ước về Quyền trẻ em. Đặc biệt, Tháp Bút và cầu Thê Húc, những biểu tượng của Hà Nội được thắp sáng với màu xanh thể hiện hy vọng cũng như cơ hội cho trẻ em và cho tất cả mọi người.