1000 ngày đầu đời (từ khi thụ thai đến hai tuổi) có vai trò rất quan trọng trong cuộc đời một đứa trẻ. Đầu tư vào dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn này chính là sự đầu tư tốt nhất cho sự phát triển cả đời của trẻ.
Phóng viên Vì trẻ em đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ dinh dưỡng Lê Thị Thu Hà, Trường ĐH Y tế Công cộng về vai trò của dinh dưỡng trong 1000 ngày vàng này.
Thưa Th.S Lê Thị Thu Hà, chị đánh giá như thế nào về thực trạng chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ trong 1000 ngày đầu đời?
Th.S Lê Thị Thu Hà: 1000 ngày đầu đời hay còn gọi là 1000 ngày vàng trong cuộc đời của một đứa trẻ là cơ hội để thiết lập nền tảng cho sự thành công trong học tập, sức khỏe và hạnh phúc nói chung của trẻ. Dinh dưỡng hợp lý trong 1000 ngày, từ lúc bà mẹ mang thai đến sinh nhật lần thứ 2 của trẻ là nền tảng giúp trẻ có thể lớn lên, phát triển và học hành tốt.
Rất nhiều người đã nhận thức được tầm quan trọng của dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, nhưng lại ít quan tâm đến dinh dưỡng cho bà mẹ sau sinh. Thời gian này, mọi người thường tập trung vào đứa trẻ, nhưng thực ra bà mẹ phải có đủ dinh dưỡng thì mới đủ sữa cho con bú. Khi bà mẹ đủ sữa, đủ chất trong sữa thì đứa trẻ sẽ phát triển tốt. Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ sử dụng sữa công thức có thể tăng cân và tăng chiều cao tốt, thế nhưng việc phòng bệnh sẽ không tốt bằng việc trẻ sử dụng sữa mẹ và có thể dễ mắc phải các bệnh tật sau này.
Vậy sau sinh, người mẹ cần được chăm sóc dinh dưỡng ra sao, thưa chị?
Th.S Lê Thị Thu Hà: Sau sinh, người mẹ hay bị thiếu canxi, vì trong giai đoạn mang bầu đã dồn canxi cho đứa trẻ, sau sinh lại dồn canxi cho sữa mẹ. Do đó, bà mẹ sau sinh thường bị thiếu canxi, thiếu máu, thiếu sắt. Họ cũng thường gặp các vấn đề về tâm lý vì dành quá nhiều thời gian cho con.
Chăm sóc 1000 ngày đầu đời cho trẻ không có nghĩa là chỉ chăm sóc sức khỏe cho riêng trẻ. Thực tế, cần phải chăm sóc cho cả mẹ và bé, mẹ khỏe thì con mới khỏe. Trong thời kỳ mang thai, chế độ ăn của người mẹ và các nguồn dự trữ trước khi mang thai là nguồn dinh dưỡng duy nhất cho thai nhi đang phát triển, cho thấy tầm quan trọng của việc mẹ ăn uống đầy đủ trong giai đoạn này. Ở giai đoạn sơ sinh, não bộ của trẻ đang học các chức năng bao gồm cân bằng, phối hợp và động tác đòi hỏi dinh dưỡng đầy đủ để phát triển bình thường. Sữa mẹ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, các yếu tố tăng trưởng và hormon khác nhau phù hợp với nhu cầu của trẻ và rất quan trọng cho sự phát triển trí não ban đầu. Do đó, trong giai đoạn thai kỳ cần bổ sung sắt/folic hoặc đa vi chất cho bà mẹ. Bổ sung canxi, muối iot, giảm ô nhiễm trong nhà và hút thuốc lá, tẩy giun, dự phòng sốt rét, dùng màn tẩm thuốc.
Ảnh minh họa
Sơ sinh: Bú sữa mẹ hoàn toàn, bổ sung vitamin A cho bà mẹ cho con bú.
Giai đoạn 0-6 tháng: Bú sữa mẹ hoàn toàn, thực hành rửa tay và vệ sinh. Hỗ trợ kinh tế (kết hợp giáo dục dinh dưỡng), dùng màn tẩm thuốc.
Giai đoạn 6-24 tháng: Tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung hợp lý, bổ sung kẽm dự phòng, bổ sung vitanmin A, muối iot, bột đa vi chất, thực hành rửa tay và vệ sinh. Trường hợp suy dinh dưỡng nặng cần được điều trị chuyên sâu...
Một số cha mẹ cho rằng, hiện tại việc ăn uống của trẻ đã đủ chất rồi nên không đưa con đi uống vitamin A liều cao nữa. Chị nhận định về quan điểm này như thế nào?
Th.S Lê Thị Thu Hà: Vitamin A đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Một trong những chức năng quan trọng của vitamin A chính là tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Trẻ dễ bị nhiễm trùng hoặc mắc các bệnh như sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp, viêm tai nếu thiếu vitamin A. Vitamin A tác động đến sức khỏe miễn dịch bằng cách kích thích các phản ứng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật và nhiễm trùng…
Ngoài việc bổ sung vitamin A qua nguồn thực phẩm, các bậc phụ huynh có thể cho trẻ bổ sung dưới dạng viên nang, nhất là trong 3 năm đầu đời trẻ cần được uống bổ sung vitamin A liều cao.
Việc nhiều người có quan niệm sai lầm không cho con uống Vitamin A hoặc không có thời gian đưa con đi uống vitamin A sẽ gây thiếu hụt chất dinh dưỡng này, làm giảm phản ứng và chức năng của hệ thống miễn dịch của trẻ.
Chị nói rằng, trong 1000 ngày đầu đời cần bổ sung đầy đủ sữa cho trẻ. Vậy vai trò của sữa đối với sự phát triển của trẻ như thế nào?
Th.S Lê Thị Thu Hà: Trong 1000 ngày đầu đời, cần bổ sung đầy đủ sữa cho trẻ. Với trẻ dưới 12 tháng, sữa là thức ăn chính. Sau 12 tháng, trẻ vẫn cần 500-600 ml sữa/ngày, thường trẻ thành phố sẽ vẫn được quan tâm, uống sữa đầy đủ. Nhưng cha mẹ nông thôn ít quan tâm đến lượng sữa của trẻ. Không đủ sữa sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao. Vì vậy, cha mẹ vẫn cần chú ý bổ sung sữa thường xuyên cho trẻ.
Như vậy, dinh dưỡng có vai trò quan trọng nhất đối với 1000 ngày đầu đời của trẻ?
Th.S Lê Thị Thu Hà: Dinh dưỡng tốt giúp phòng bệnh cho trẻ. Dinh dưỡng đóng vai trò chính giúp phát triển tăng trưởng chiều cao, cân nặng, giúp hoàn thiện trí não của đứa trẻ trong giai đoạn đó. Song, cũng cần phải chỉ ra rằng, dinh dưỡng chỉ là một yếu tố bên cạnh rất nhiều yếu tố khác nhau sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ trong suốt 1000 ngày đầu tiên.
1000 ngày đầu đời là giai đoạn bắt đầu hình thành thói quen, tính cách của đứa trẻ, vì vậy mà giáo dục gia đình cũng rất quan trọng. Những trải nghiệm đầu đời và môi trường từ khi trẻ sinh ra đến 2 tuổi rất quan trọng, trẻ học bằng cách khám phá môi trường xung quanh và thực hành các kỹ năng mới qua việc vui chơi và giao tiếp với những người chăm sóc mình. Mối quan hệ tình cảm gắn kết giữa trẻ và người chăm sóc trẻ chính sẽ đặt nền móng cho sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Do đó, ngoài nguồn dinh dưỡng, các hoạt động khuyến khích từ người chăm sóc trẻ cũng là một yếu tố thiết yếu cho sự phát triển của trẻ. Việc hỗ trợ trẻ phát triển có thể được người chăm sóc trẻ thực hiện ngay mọi lúc mọi nơi mọi thời điểm như mỉm cười, dỗ dành, nói chuyện, hát, giao tiếp với trẻ thông qua nét mặt, cử chỉ, lời nói…
Lợi ích lâu dài của dinh dưỡng tốt trong 1000 ngày đầu đời:
- Trẻ có khả năng phòng tránh được những căn bệnh chết người ở trẻ nhỏ gấp 10 lần.
- Trẻ có khả năng đi học nhiều hơn 4, 6 năm.
- Khi lớn, trẻ có khả năng thu nhập cao hơn 21%, có khả năng có một gia đình khỏe mạnh hơn.
Nguồn tham khảo:
https://vitreem.baodansinh.vn/1000-ngay-dau-doi-can-quan-tam-ca-me-va-be-20221216152455.htm
---
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn