• 111
  • lang
  • lang

3 nguyên nhân chính khiến việc phổ cập bơi không đạt hiệu quả

Bơi lội không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, thể chất mà còn là kỹ năng sinh tồn. Cứ đến hè, nhiều phụ huynh lại canh cánh nỗi lo, bởi đã xảy ra không ít vụ đuối nước thương tâm. Để phòng, chống đuối nước, trẻ em cần được học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Tuy nhiên, đến nay việc phổ cập bơi cho trẻ vẫn không ít khó khăn.

3 nguyên nhân chính khiến việc phổ cập bơi không đạt hiệu quả

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Mặc dù số trẻ đuối nước giảm những năm gần đây nhưng đây vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.

Các chuyên gia nhận định, những nguyên nhân đuối nước của trẻ vị thành niên thường do bản tính hiếu động, tò mò; đối với trẻ nhỏ là do thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình. 

 Việc dạy bơi cho học sinh trong nhà trường gặp không ít khó khăn.

Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2030 của Bộ VH-TT&DL đặt mục tiêu phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em; phấn đấu 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước vào năm 2025 và đạt 70% vào năm 2030; có 50% trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và nâng lên 60% vào năm 2030. Tuy nhiên, không ít địa phương, nhà trường đang dạy bơi trên giấy vì khó đủ bề.

Để tăng cường bảo vệ trẻ em khỏi những tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, trong đó phổ cập bơi cho học sinh được xem là giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, mục tiêu phổ cập bơi cho trẻ em vẫn còn nhiều trở ngại. 

Lý giải về những khó khăn này, ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) cho rằng, 3 nguyên nhân chính khiến việc phổ cập bơi cho trẻ không đạt hiệu quả.

Thứ nhất là về kinh phí và cơ sở vật chất. Trường có điều kiện về kinh phí thì không có mặt bằng; trường có mặt bằng nhưng lại không đủ kinh phí.

Thứ hai là về nhân lực, đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất còn thiếu, đặc biệt là cấp tiểu học. Bên cạnh đó, một lượng lớn đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất chưa được đào tạo huấn luyện, cấp chứng chỉ dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh.

Thứ ba là sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành về dạy bơi cho học sinh còn hạn chế.

Thực tế cho thấy, với những trường dù có bể bơi thì việc hàng tuần đưa học sinh xuống bể tập cũng là điều khó khăn do chương trình và thời lượng dành cho môn giáo dục thể chất quá ít.

Một khó khăn nữa cũng phải kể đến đó là khi các trường phối hợp với các trung tâm thể dục thể thao để tuyển sinh nếu chẳng may xảy ra tình huống không mong đợi thì các trường cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Đây là điều khiến các trường còn e dè trong việc phối hợp để dạy bơi cho trẻ.

Nâng cao trách nhiệm của gia đình và xã hội

Dưới góc độ là cơ quan chủ quản, ông Nguyễn Nho Huy cho rằng, có 3 việc mà các trường, cơ sở giáo dục cần làm ngay.

Thứ nhất là phải mở đợt cao điểm triển khai công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức cho học sinh, những quy định về an toàn phòng, chống đuối nước, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước đến từng lớp, từng trường trước khi các em bước vào kỳ nghỉ hè. 

Thứ hai, cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào dạy bơi và kỹ năng an toàn cho học sinh trong trường học. Thứ ba là cần sự phối hợp quản lý giữa nhà trường, gia đình, tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương để giám sát học sinh trong thời gian các em được nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, trẻ bị đuối nước là do thiếu các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, nhiều trẻ em chưa biết bơi. Trong khi đó, việc dạy bơi cho trẻ tại các địa phương gặp nhiều khó khăn do không có bể bơi, thiếu giáo viên dạy bơi…

Do đó, ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể, quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, giám sát từ chính gia đình, hướng con em hoạt động lành mạnh, bổ ích, bảo vệ trẻ em an toàn trước nguy cơ về tai nạn đuối nước có thể xảy ra. Gia đình và nhà trường cần trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em nhằm giảm thiểu tai nạn đáng tiếc.

Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không chỉ là trách nhiệm của cá nhân, còn là trách nhiệm của cả xã hội. Việc phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em đòi hỏi sự đồng lòng, nỗ lực từ tất cả các bên liên quan. Vậy nên chỉ khi có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa cộng đồng, các tổ chức và Chính phủ, mục tiêu bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho thế hệ tương lai mới có thể thành công.

Vân Khánh

Báo Lao động Xã hội số 80

Nguồn tham khảo:

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/pho-cap-boi-cho-tre-em-van-tren-giay-20240704092843994.htm

 

____


Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:   Tongdai111.vn

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.