Mỗi quốc gia đều có cách nuôi dạy trẻ riêng, phù hợp với văn hóa và giá trị xã hội. Các phương pháp giáo dục độc đáo giúp trẻ phát triển toàn diện trong môi trường an toàn và đầy yêu thương.
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2024 tiếp tục ghi nhận các quốc gia châu Âu chiếm ưu thế trong bảng xếp hạng hạnh phúc.
Phần Lan giữ vị trí số 1 trong 7 năm liên tiếp, cùng các quốc gia như Đan Mạch, Iceland và Thụy Điển nằm trong Top 5. Những quốc gia này không chỉ chú trọng đến chỉ số hạnh phúc mà còn nổi bật với cách nuôi dạy trẻ độc đáo.
Không tạo áp lực học tập
Trẻ em Phần Lan được vui chơi nhiều hơn ở trong và ngoài nhà trường so với trẻ em ở các nước khác vì người Phần Lan tin rằng trẻ em chơi càng nhiều thì càng học được nhiều.
Tại Phần Lan, trẻ em được sống đúng với tuổi thơ, ưu tiên vui chơi để phát triển kỹ năng xã hội và tự lập. Trẻ bắt đầu đi học từ năm 7 tuổi, chỉ học hơn 5 tiếng mỗi ngày và không có bài tập về nhà. Kỳ thi bắt buộc duy nhất diễn ra sau khi trẻ kết thúc lớp 12. Tuy học ít nhưng học sinh Phần Lan vẫn đạt thành tích cao nhờ hệ thống giáo dục linh hoạt và coi trọng sự sáng tạo.
Khuyến khích thể hiện bản thân
Ở Đan Mạch, trẻ em được khuyến khích làm những điều mình yêu thích mà không bị đánh giá hay phán xét. Dù là một cô bé thừa cân muốn học múa hay một cậu bé khiếm thính thích sáng tác nhạc, cả gia đình và giáo viên đều hỗ trợ để trẻ phát huy năng lực. Triết lý giáo dục tại Đan Mạch là tôn vinh sự tự do và hạnh phúc cá nhân.
Hạnh phúc là thành công
Hà Lan nổi tiếng với quan niệm: Hạnh phúc là thước đo thành công. Cách nuôi dạy trẻ ở Hà Lan là chú trọng tạo dựng một cuộc sống cân bằng, nơi trẻ cảm nhận niềm vui và sự thỏa mãn trong mọi khía cạnh.
Nói không với bạo lực
Luôn đặt quyền và lợi ích của trẻ ở mức cao nhất, Thuỵ Điển là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa quy định cấm mọi hình phạt thể xác trẻ em thành luật ngay từ năm 1979. Đến nay, đã có 60 quốc gia chính thức áp dụng luật cấm này.
Không áp đặt về giới
Tại Na Uy, sự trung lập về giới là điểm đặc biệt trong giáo dục trẻ nhỏ. Các bậc cha mẹ thường chọn đồ chơi và quần áo không phân biệt màu sắc hay vai trò giới. Một số trường mẫu giáo thậm chí áp dụng chương trình trung lập giới để khuyến khích trẻ tự khám phá bản thân mà không cảm thấy bị áp đặt.
Trao quyền và trách nhiệm cho trẻ
Trẻ em Mỹ luôn được chính phủ và người dân xem là tài sản quốc gia bất kể màu da, giới tính. Trẻ em ở Mỹ được giáo dục cách tự quyết định nhiều vấn đề liên quan đến bản thân và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Trẻ em ở Mỹ cũng được dạy để tuân thủ những quy tắc cơ bản bao gồm phép lịch sự nơi công cộng và các quan hệ xã hội.
Tinh tế và lịch thiệp
Trẻ em Pháp được dạy cách thưởng thức món ăn và sự tinh tế, lịch thiệp từ khi còn nhỏ. Việc chào hỏi không chỉ là biểu hiện của sự tôn trọng mà còn giúp trẻ xây dựng kết nối xã hội. Các bậc cha mẹ ở Pháp thường khuyến khích con tự khám phá và phát triển khả năng cá nhân trong môi trường tự do nhưng đầy tinh tế.
Rèn tính tự lập
Tuy không nằm trong Top 20 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2024, nhưng Nhật Bản vẫn nổi tiếng với phương pháp giáo dục chú trọng tính tự lập. Trẻ em Nhật Bản được khuyến khích tự thực hiện các công việc phù hợp với lứa tuổi, từ đó phát triển khả năng chịu trách nhiệm và hợp tác. Nhật Bản cũng cấm hoàn toàn các hình thức bạo lực, đảm bảo môi trường an toàn cho trẻ.
Tinh thần cộng đồng
Một số quốc gia châu Phi như Congo hay Kenya dù chưa có chỉ số hạnh phúc cao nhưng lại nổi bật với cách nuôi dạy trẻ dựa trên tinh thần cộng đồng. Việc các bà mẹ chia sẻ nguồn sữa và cùng chăm sóc cho con của người khác không phải chuyện lạ ở những quốc gia này… Việc chia sẻ sữa mẹ hay cùng chăm sóc trẻ đã giúp trẻ em gắn bó và tin cậy vào xã hội.
Hành trình của Việt Nam
Việt Nam xếp hạng 54/143 quốc gia trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2024, tăng 11 bậc so với năm trước. Đứng thứ 6 tại châu Á, Việt Nam được ghi nhận về những tiến bộ trong giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Hệ thống pháp luật và chính sách ngày càng hoàn thiện, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
Dù mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau, tất cả đều chung mục tiêu tạo dựng môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ phát triển toàn diện - nền tảng cho một tương lai hạnh phúc và bền vững.
____
Để được hỗ trợ trực tiếp, hãy liên hệ với: Văn phòng tư vấn và trị liệu tâm lý trẻ em - Tổng đài 111:
- Đánh giá,trị liệu miễn phí cho trẻ bị xâm nhập tình dục, trẻ bị bạo hành, mua bán trở về, trẻ bị ảnh hưởng của bạo lực gia đình.
- Đánh giá, phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ em Rối loạn phát triển: trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, tăng động giảm chú ý, chậm ngôn ngữ..
- Đánh giá, tham vấn, trị liệu trực tiếp và trực tuyến cho trẻ em và người lớn có nhiều phiền nhiễu tâm lý: lo âu, trầm cảm...
- Tổ chức lớp tiền tiểu học cho trẻ đặc biệt
- Tham vấn học đường
- Tư vấn hướng nghiệp
- Đào tạo kỹ năng sống
- Đào tạo kỹ năng làm cha mẹ
Địa chỉ: số 44 ngõ 84 Ngọc Khánh - Giảng Võ - Ba Đình - Hà Nội
Hotline: 111 hoặc 0243 7476 154. Ngoài giờ hành chính: 0979589390 (cô Hồng Nhung)