.png)
Trong thời gian qua tình hình trẻ em bị bạo lực và xâm hại vẫn là vấn đề xảy ra khá phổ biến trong đời sống xã hội. Theo số liệu báo cáo của Bộ công an, 11 tháng đầu năm 2023 cả nước phát hiện 2.063 vụ xâm hại trẻ em, với 2.192 trẻ em là nạn nhân, tăng 12,5% số vụ so với cùng kỳ năm 2022 trong đó xâm hại tình dục trẻ em là 1.677 vụ, với 1.747 trẻ em, chiếm 81,2%.
Tất cả trẻ em đều có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại. Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị xâm hại, bạo lực của trẻ em là: đặc điểm về thể chất, khuyết tật, ít có khả năng tự bảo vệ bản thân; Những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) không sống cùng cha mẹ, mồ côi hay cha mẹ thiếu quan tâm chăm sóc hoặc trong những gia đình có bạo lực, lạm dụng chất gây nghiện... Ngoài ra, các em chưa đủ kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ; nhận thức, ý thức được mối nguy hiểm với bản thân. Đặc biệt, phần lớn các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, bạo hành trẻ em thì đối tượng phạm tội đều là đối tượng có quan hệ quen biết, thậm chí thân thiết, là người thân, người nhà với nạn nhân có nhiều cơ hội tiếp xúc, tiếp cận với nạn nhân, tạo ảnh hưởng và điều kiện để thực hiện hành vi phạm tội. Đây là vấn đề xã hội cần được quan tâm hỗ trợ giải quyết từ cấp cơ sở - nơi gần với trẻ em nhất
Theo Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016: Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Theo Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em: Trẻ em có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi1. Trẻ em từ 16 đến 18 còn được gọi là người chưa thành niên.
Khái niệm Bảo vệ trẻ em
Điều 19 Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em: Bảo vệ trẻ em là bảo vệ trẻ khỏi tất cả các hình thức xâm hại, bạo lực xao nhãng và bóc lột.
Việc bảo vệ trẻ em được ghi trong Hiến pháp năm 2013, tại khoản 1, Điều 37: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm Quyền trẻ em”.
Theo khoản 1 Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016: Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Bảo vệ trẻ em được hiểu một cách chung nhất là trẻ em được nuôi dạy, chăm sóc trong môi trường an toàn để đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện và đảm bảo quyền trẻ em, quyền công dân của trẻ em, đảm bảo trẻ em được lớn lên trong môi trường an toàn, được bảo vệ an toàn khỏi những mối nguy hiểm tiềm ẩn thông qua sự quan tâm và những hành động đúng mực của người lớn giúp ngăn ngừa các mối nguy hiểm xảy ra.
Ngoài ra, Bảo vệ trẻ em còn là phòng ngừa các nguy cơ, theo đó người chăm sóc và/hoặc bản thân trẻ có thể nhận ra dấu hiệu trẻ có thể bị xâm hại và biết hành động để bảo vệ trẻ/tự bảo vệ mình hoặc liên lạc với người phụ trách công tác BVTE thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) để báo cáo về nguy cơ trẻ bị xâm hại kịp thời với các cơ quan chức năng.
Ngoài khái niệm chung về Bảo vệ trẻ em trong bối cảnh toàn cầu hóa và thời đại Internet, Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã bổ sung khái niệm Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng (hay còn gọi là “bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, “bảo vệ trẻ em trên môi trường trực tuyến”) là việc thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm bảo đảm cho trẻ em được an toàn khi sử dụng Internet và các dịch vụ trực tuyến, bao gồm các hoạt động giáo dục nhận thức; phòng ngừa, phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em trên không gian mạng và các nguy cơ khác gây tổn hại cho trẻ em trên không gian mạng.
Mọi trẻ em đều có quyền và nhu cầu được chăm sóc và phát triển
Nguồn tham khảo: ChildFund Việt Nam
Link tải tải liệu: Bảo vệ trẻ em
__
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:Các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo: Tổng đài 111
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111
+ Youtube: Tổng đài 111
Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.