• 111
  • lang
  • lang

Bảo vệ trẻ em trước sự tấn công của thuốc lá thế hệ mới

Thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tấn công vào cuộc sống giới trẻ. Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ trẻ em trước vấn nạn này?

Ảnh minh họa.

 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) hiện đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á.

Khảo sát ở hầu hết các quốc gia cho thấy, tỷ lệ trẻ em từ 13-15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cao. 

Còn theo báo cáo Thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong học sinh tại 11 tỉnh, thành phố năm 2023 ở Việt Nam, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7,0%. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023.  Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.

Với thành phần có chứa chất nicotine, thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới đã nhanh chóng gây nghiện trong giới trẻ. Nicotine có trong các sản phẩm thuốc lá làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên, gây nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập, suy hô hấp, thậm chí tử vong, ảnh hưởng đến giống nòi và nhiều lĩnh vực khác.

Nghiện thuốc lá và nhiều hóa chất khác gây nên gánh nặng khổng lồ về kinh tế, an ninh trật tự. 

Theo WHO, mỗi năm có hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu có nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng thuốc lá.

Còn tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng một năm.

Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, năm 2023, Việt Nam ghi nhận hơn 1.200 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó có nhiều trẻ vị thành niên.

Làm gì để bảo vệ trẻ em trước sự tấn công của thuốc lá thế hệ mới?

Thảo luận phòng chống tác hại của thuốc lá điện tử cho học sinh.

Thuốc lá thế hệ mới đang trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam. 

Với quyết tâm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030. Trong đó, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng.

Ngày 13/5/2024, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Công điện chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong việc tăng cường các biện pháp để kịp thời ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên toàn quốc.

Thời gian qua, Chính phủ và toàn xã hội đã rất nỗ lực trong việc ngăn chặn và phòng chống thuốc lá, đặc biệt là các loại thuốc lá thế hệ mới.

Cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, gia đình có thể bảo vệ con em tránh xa các loại hình thuốc lá thế hệ mới bằng một số biện pháp cụ thể như:

Giải thích cho trẻ hiểu các tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với sức khỏe như nguy cơ nghiện nicotine, tổn thương phổi, rối loạn tâm thần và các vấn đề sức khỏe khác.

Cung cấp các nghiên cứu và tin tức mới nhất về hậu quả của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Cùng con thảo luận về vấn đề này một cách dân chủ và cởi mở.

Cha mẹ quan tâm, để ý xem trẻ có gặp áp lực gì ở trường/ lớp không, vì một số trẻ có thể tìm đến các chất kích thích và gây nghiện khi căng thẳng hoặc lo lắng.

Nếu trẻ gặp phải áp lực học tập hoặc xã hội, hãy đảm bảo chúng luôn nhận được sự hỗ trợ và tư vấn từ gia đình.

Cha mẹ hãy tạo ra những khoảng thời gian chất lượng cùng con để trẻ cảm thấy được yêu thương và quan tâm. Khuyến khích con sống lành mạnh và tích cực, thường xuyên chơi thể thao, nghệ thuật; tham gia các hoạt động ngoại khóa (STEM, tình nguyện, bảo vệ môi trường...).

Bên cạnh những giải pháp trên, cha mẹ cũng nên hợp tác với nhà trường và cộng đồng để cùng chung tay đẩy lùi thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Thanh Huyền

Ấn phẩm Vì trẻ em số 12

Nguồn tham khảo:

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/bao-ve-tre-em-truoc-su-tan-cong-cua-thuoc-la-the-he-moi-20240627131231913.htm

____
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:       https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111       https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:     Tongdai111.vn

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.