.png)
Trong thời đại 4.0 hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng Internet đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với trẻ em. Xâm hại trẻ em trên không gian mạng ngày càng phức tạp, khó lường và gây hậu quả lâu dài, bởi thông tin về những vụ việc trẻ em bị xâm hại được phát tán và lưu trữ trên không gian mạng, gây ra những tổn thương dai dẳng cho trẻ em. Hằng năm, trong khoảng 2.000 vụ việc xâm hại trẻ em, số lượng vụ việc xâm hại trẻ em trên không gian mạng và thông qua không gian mạng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Theo đó, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đang được xác định là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.
Trong thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã được hình thành và liên tục được bổ sung, hoàn thiện. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định nào giải thích cụ thể thế nào là bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, các hình thức xâm hại trẻ em trên không gian mạng và các nội dung khác có liên quan
Từ thực tế đó, Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với tổ chức UNICEF, tổ chức Childfund xây dựng Bộ thuật ngữ về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng nhằm: (i) Tạo sự thống nhất trong nhận thức và thực thi pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; (ii) Đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, học tập của các cá nhân, tổ chức, đơn vị về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; (iii) Phục vụ công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng và hỗ trợ hoạt động hợp tác quốc tế.
Cấu trúc của Bộ thuật ngữ:
- Bộ thuật ngữ gồm 2 phần: Phần A. Thuật ngữ chung và Phần B. Thuật ngữ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
- Các thuật ngữ được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt của chữ cái đầu tiên trong thuật ngữ
- Đối với Phần B (các thuật ngữ về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng) tập trung vào một số thuật ngữ cơ bản gồm: bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, xâm hại trẻ em trên không gian mạng và các hình thức xâm hại phổ biến như: bóc lột, xâm hại tình dục, lừa đảo, bắt nạt, bạo lực, nội dung độc hại, nghiện trò chơi điện tử,... .
Các thuật ngữ được tập hợp và giải thích là những thuật ngữ cơ bản, hiện đang được sử dụng nhiều trong thực tế và trong công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Nội dung giải thích các thuật ngữ được trích dẫn, tham khảo từ một số văn kiện quốc tế, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam, tài liệu kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn của một số bộ, ngành của Việt Nam và một số tổ chức quốc tế.
Biên soạn bộ thuật ngữ là một công việc phức tạp, công phu. Phần lớn thuật ngữ về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là những thuật ngữ mới xuất hiện, một số thuật ngữ có nguồn gốc từ ngôn ngữ nước ngoài, hiện còn nhiều cách dịch và giải thích nội hàm, nội dung khác nhau. Bởi vậy, việc biên tập và giải thích các thuật ngữ khó tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm và đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và những người hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an toàn mạng, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Bộ thuật ngữ trong thời gian tới.
BAN BIÊN TẬP
Chịu trách nhiệm về nội dung: Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em
Nhóm biên tập:
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổ chức UNICEF
Ông Đỗ Dương Hiển, Tổ chức ChildFund
Bà Nguyễn Hải Anh, Chuyên gia độc lập
Bà Phạm Thị Thủy, Trưởng phòng Phát triển và Tham gia của trẻ em, Cục Trẻ em
Bà Nguyễn Thị Kiều Vân, Chuyên viên Cục Trẻ em
Trân trọng cảm ơn!
Xem và tài tài liệu chi tiết tại đây: Bộ thuật ngữ về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
__
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:Các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo: Tổng đài 111
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111
+ Youtube: Tổng đài 111
Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.