• 111
  • lang
  • lang

Cần hành động mạnh mẽ, triệt để, hiệu quả hơn để bảo vệ trẻ em

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em cần hành động mạnh mẽ, triệt để, hiệu quả hơn.

Sáng 11/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em chủ trì cuộc họp tổng kết nhiệm vụ năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung hành động quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, chính sách về công tác trẻ em, tạo chuyển biến thực sự.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, năm 2024, cần giải quyết những tồn tại trong công tác trẻ em, bảo đảm quyền trẻ em được phát triển toàn diện (Ảnh: VGP/Minh Khôi).

Gần 8.200 cuộc thanh, kiểm tra thực hiện chính sách, và phòng, chống xâm hại trẻ em

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, trong năm 2023, hệ thống văn bản pháp luật về trẻ em tiếp tục được bổ sung, sửa đổi, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch nhằm thực hiện tốt hơn nữa quyền trẻ em và giải quyết kịp thời các vấn đề trẻ em.

Các cơ quan, bộ, ngành đã triển khai quyết liệt, kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em như: Tập huấn, nâng cao năng lực bảo vệ trẻ em ở cơ sở; toà án đã giải quyết, xét xử 98,5% vụ án liên quan đến xâm hại người dưới 18 tuổi; nhiều trường hợp trẻ em bị mua bán, bạo lực được chăm sóc, trợ giúp, bảo vệ…

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hoà cho rằng, công tác truyền thông về trẻ em đã có nhiều đổi mới, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của gia đình, hướng dẫn cha mẹ cách ứng xử với con cái.

Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Công an, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em (đuối nước, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ).

Bộ Y tế từng bước triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ; tham gia xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về liên thông thủ tục hành chính về khai sinh, khai tử và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Đáng chú ý, năm 2023 có 31 tỉnh, thành phố tổ chức diễn đàn trẻ em cấp tỉnh (khoảng 4.700 lượt trẻ em tham gia), 212 diễn đàn trẻ em cấp huyện (hơn 32.000 lượt trẻ em tham gia), 673 diễn dàn trẻ em cấp xã (hơn 77.000 lượt trẻ em tham gia).

Đại diện các Bộ, ngành phát biểu ý kiến

Đặc biệt, phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ nhất đã được tổ chức, cùng với đó là 33 kỳ họp hội đồng trẻ em cấp tỉnh, 282 kỳ họp hội đồng trẻ em cấp huyện.

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khó khăn tiếp tục được quan tâm với hơn 6,4 triệu lượt trẻ em được hỗ trợ trên 1.646 tỷ đồng. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã trao học bổng, quà tặng cho gần 15.000 em với số tiền trị giá 1,15 tỷ đồng.

Tổ chức phối hợp liên ngành về công tác trẻ em được hình thành ở 3 cấp tỉnh, huyện xã, với hơn 15.000 người, phần lớn là kiêm nhiệm, cùng hơn 93.000 cộng tác viên cơ sở.

Toàn quốc đã thực hiện 8.145 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em (tăng 774 cuộc so với năm 2022).

Bộ TT&TT tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội (Facebook, TikTok…) để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi đăng tải hình ảnh, nội dung ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em hoặc xâm hại trẻ em.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thành Hưng cho biết, ngân sách Nhà nước, năm 2023, bố trí cho lĩnh vực trẻ em (chưa tính kinh phí mua BHYT trẻ em dưới 6 tuổi) là khoảng 295.000 tỷ đồng (cả đầu tư phát triển và chi thường xuyên).

Ngoài ra, ngân sách Trung ương bố trí khoảng 500 tỷ đồng để thực hiện một số chương trình, đề án liên quan đến lĩnh vực trẻ em. Các địa phương đều bố trí ngân sách cho công tác quản lý nhà nước về trẻ em.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cần tạo chuyển biến hơn nữa trong công tác trẻ em (Ảnh: VGP/Minh Khôi).

Bảo đảm quyền trẻ em được phát triển toàn diện

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần tạo chuyển biến thực sự đối với những vấn đề, tồn tại trong công tác trẻ em, như: Xâm hại, bạo lực học đường, tai nạn thương tích, an toàn trên không gian mạng, tư vấn tâm lý, tình trạng sử dụng chất kích thích…

Đây là những vấn đề ngày càng cấp bách, cần hành động mạnh mẽ, triệt để, hiệu quả hơn.

"Chúng ta có luật, có chính sách, có chương trình, kế hoạch khá đồng bộ nhưng vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống", Phó Thủ tướng đặt vấn đề và chỉ ra nguyên nhân là các chủ trương, chính sách chưa được các cấp, các ngành, xã hội quán triệt, nhận thức đúng đắn về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em như một nhiệm vụ chính trị trung tâm đối với tương lai của đất nước.

Phó Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá thực chất, đo đếm được khi thực hiện các mục tiêu đặt ra trong công tác trẻ em cấp vùng, địa phương, một số ngành, lĩnh vực quan trọng, nguồn lực đầu tư… từ đó đưa ra giải pháp đúng đắn, căn cơ, cụ thể.

Các cơ chế, chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em phải được rà soát, có mục tiêu rõ ràng, phân công trách nhiệm cho từng cấp, ngành kèm theo giải pháp, bố trí nguồn lực thực hiện, kiện toàn bộ máy tổ chức, chuẩn hoá nhân lực làm công tác trẻ em, nhất là cấp cơ sở.

Đồng thời phát huy vai trò, cách làm sáng tạo cả các tổ chức, đoàn thể trong lắng nghe, giám sát và trực tiếp chăm lo, bảo vệ trẻ em, có sự "đặt hàng" của Nhà nước.

Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật, chương trình, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia, địa phương cần đánh giá tác động đến trẻ em.

"Trong năm 2024 chúng ta phải khẩn trương triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động về chăm sóc, bảo vệ trẻ em một cách tổng thể, bài bản, khoa học, kèm theo giải pháp, bộ máy tổ chức, nguồn lực thực hiện cụ thể, khả thi, nhằm giải quyết cho được những tồn tại trong công tác trẻ em, bảo đảm quyền trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Sỹ Phúc

Nguồn tham khảo:

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/can-hanh-dong-manh-me-triet-de-hieu-qua-hon-de-bao-ve-tre-em-20240111152853000.htm

 

----

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:       https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111       https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:     Tongdai111.vn

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.