.png)
Công tác xã hội là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp nhằm trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội, đồng thời thúc đẩy môi trường xã hội về chính sách, nguồn lực và dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng giải quyết và phòng ngừa các vấn đề xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Công tác xã hội tham gia giải quyết vấn đề xã hội ở cả 3 cấp đó là: Cấp vi mô là giải quyết vấn đề của một cá nhân; Cấp trung mô là giải quyết vấn đề của một nhóm người; Cấp vĩ mô là giải quyết vấn đề của một cộng đồng.
Khái niệm Công tác xã hội với trẻ em
Công tác xã hội với trẻ em là một hoạt động chuyên nghiệp của nhân viên công tác xã hội (NVXH) trong việc vận dụng kiến thức, thái độ kỹ năng công tác xã hội nhằm trợ giúp trẻ em và gia đình nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu và tăng cường chức năng xã hội nhằm giúp trẻ em và gia đình phòng ngừa và giải tốt các vấn đề xã hội, đồng thời công tác xã hội với trẻ em thúc đẩy hệ thống về chính sách, nguồn lực và dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của trẻ em thông qua đó đảm bảo nền an sinh và quyền trẻ em.
Công tác xã hội với trẻ em gồm 3 hoạt động cơ bản đó là:
- Nâng cao năng lực cho trẻ em và gia đình trẻ để họ chủ động đối phó và giải quyết các vấn đề của họ
- Đáp ứng nhu cầu với nhóm trẻ em chưa đảm bảo được nhu cầu cơ bản để sống.
- Tăng cường chức năng xã hội với nhóm trẻ em bị suy giảm chức năng xã hội do các yếu tổ chủ quan, khách quan như trẻ em khuyết tật, trẻ em vi phạm pháp luật...
Công tác xã hội với trẻ em là các hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em nhằm đảm bảo cho các em được phát triển toàn trong môi trường an toàn và lành mạnh.
Các nguyên tắc cơ bản của công tác xã hội trong bảo vệ trẻ em
Để công tác bảo vệ trẻ em được thực hiện hiệu quả, người làm công tác BVTE cần thực hiện tốt các nguyên tắc sau:
- Lấy trẻ em làm trung tâm
- Không phân biệt đối xử với trẻ em
- Các nhu cầu về bảo vệ của trẻ em được đáp ứng kịp thời
- Bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn
- Bảo mật thông tin
- Các hoạt động hỗ trợ, can thiệp cần đồng bộ và liên tục
- Việc cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cần có sự tham gia của cả hệ thống bảo vệ trẻ em và bảo đảm tính liên tục
Một số dịch vụ công tác xã hội với trẻ em
Cấp độ phòng ngừa: Dịch vụ phòng ngừa (cấp độ 1) là các dịch vụ và hoạt động hướng đến tất cả các đối tượng dân cư nhằm tăng cường nhận thức, kỹ năng cũng như xây dựng năng lực cho cộng đồng và xã hội trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Các hoạt động chủ yếu là truyền thông, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức, kỹ năng hay các dịch vụ đóng góp vào việc bảo vệ trẻ em. Đối tượng tác động ở cấp độ phòng ngừa: Cha mẹ, người chăm sóc trẻ; Các thành viên trong cộng đồng, xã hội và trẻ em.
Cấp độ hỗ trợ: Các dịch vụ cấp độ hỗ trợ: Các dịch vụ vẫn mang tính phòng ngừa nhưng tập trung hơn vào những nhu cầu cụ thể để hỗ trợ nhóm đối tượng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Các dịch vụ chủ yếu thường là:
- Các chương trình hỗ trợ cho trẻ em bỏ học.
- Các dịch vụ công như: Đăng ký khai sinh cho trẻ em…
- Các chương trình hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
- Giáo dục kỹ năng sống cho nhóm trẻ có nguy cơ.
- Hỗ trợ cha mẹ có kỹ năng làm cha mẹ tốt.
- Hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho thanh thiếu niên có nhu cầu.
- Các chương trình hỗ trợ phát triển sinh kế nhằm giảm thiểu mức độ khó khăn về kinh tế của cộng đồng và các gia đình có trẻ em thông qua chương trình vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm.
- Các hoạt động tham vấn.
- Các chương trình phòng ngừa tội phạm vị thành niên.
- Thực hiện thu thập số liệu và đánh giá nguy cơ.
Cấp độ can thiệp: Các Dịch vụ can thiệp (cấp độ 3): Các dịch vụ hướng đến giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bóc lột và bỏ rơi đồng thời trợ giúp chính sách xã hội cho nhóm trẻ có HCĐB phục hồi và tạo cơ hội cho các em hoà nhập cộng đồng nhằm đảm bảo môi trường sống an toàn cho trẻ; chăm sóc y tế; hỗ trợ giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm cho trẻ và gia đình trẻ trên nguyên tắc “Tất cả vì lợi ích của trẻ em”.
Đây là loại hình dịch vụ quan trọng góp phần bảo vệ trực tiếp cho trẻ em. Luật Trẻ em năm 2016 (Khoản 2 Điều 94, Khoản 2 Điều 51 và Khoản 2 Điều 52) quy định nhóm thường trực bảo vệ trẻ em (BVTE) cấp xã bao gồm người làm công tác BVTE cấp xã (cán bộ BVTE) có trách nhiệm phối hợp, đôn đốc, điều hòa việc giải quyết các vấn đề trẻ em, thực hiện quyền trẻ em ở địa phương; tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em trong trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; xây dựng, triển khai kế hoạch hỗ trợ, can thiệp theo quy định của Luật Trẻ em. Đối tượng tác động: Trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt và Trẻ em đã bị tổn thương.
Ngoài ra còn có các dịch vụ hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Can thiệp hỗ trợ khẩn cấp: Trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp là trẻ em đang bị đe dọa hoặc bị gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm hoặc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em chính là người gây tổn hại cho trẻ em
Yêu cầu của can thiệp khẩn cấp: Trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp phải được thực hiện trong thời gian nhanh nhất có thể và không quá 12 giờ từ khi nhận được thông tin.
Mục đích của việc quy định về thời gian trong tình huống bảo vệ khẩn cấp: Đảm bảo tính kịp thời và ngăn chặn sự tổn hại cho trẻ em và hậu quả xấu có thể xảy ra
Các hoạt động chính của can thiệp khẩn cấp, người làm công tác BVTE cần:
- Kết nối với cơ quan công an để ngăn chặn các hành vi đe dọa hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của trẻ em.
- Kết nối và phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp.
- Lưu giữ đồ vật, tài liệu liên quan đến tổn hại của trẻ em để hỗ trợ việc điều tra, xử lý nhằm bảo vệ trẻ em.
- Tiếp tục đánh giá mức độ tổn hại và mức độ an toàn môi trường sống của trẻ em, đồng thời xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt và triển khai thực hiện.
Chăm sóc thay thế cho trẻ em
Chăm sóc thay thế là loại hình dịch vụ giành cho những trường hợp cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em chính là người đe dọa, gây tổn hại cho trẻ em, trong trường hợp cần thiết, cán bộ bảo vệ trẻ em cấp xã trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ra quyết định tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ; bố trí nơi tạm trú an toàn và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế.
Mục đích: Đảm bảo an toàn cho trẻ trong trường hợp trẻ bị lạm dụng, xâm hại bởi chính cha mẹ, người chăm sóc hoặc người giám hộ.
Việc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế được thực hiện đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp hoặc trẻ em bị xâm hại có nguy cơ tiếp tục bị xâm hại bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em cư trú có thẩm quyền ra quyết định tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và bố trí nơi tạm trú an đồng thời áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế trong vòng 12 giờ tính từ thời điểm tiếp nhận thông tin. Thời hạn tạm thời cách ly tối đa không quá 15 ngày trừ trường hợp phải tiếp tục cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Các địa chỉ chăm sóc thay thế hiện nay, như:
- Anh chị em, bà con trong họ hàng nội ngoại hai bên của trẻ
- Trong trường hợp họ hàng không nhận hoặc không có thì có thể giao người ngoài chăm sóc thay thế đảm bảo các tiêu chí trong Nghị định 20/2021/NĐ-CP.
- Các cơ sở Bảo trợ xã hội, các Trung tâm Công tác xã hội của ngành LĐTBXH.
Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111:
Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em là dịch vụ công đặc biệt thành lập theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016, chịu sự quản lý của Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Truyền Thông thuộc Cục Trẻ em, thực hiện các nhiệm vụ:
- Tiếp nhận và xử lý thông tin: Nhận các cuộc gọi, tin nhắn về các trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại, bỏ rơi.
- Tư vấn và hỗ trợ: Cung cấp tư vấn pháp lý, tâm lý và các dịch vụ hỗ trợ khác cho trẻ em và gia đình.
- Chuyển giao và phối hợp: Kết nối với các cơ quan chức năng và tổ chức liên quan để can thiệp và hỗ trợ kịp thời
- Tăng cường nhận thức: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền trẻ em và các biện pháp bảo vệ trẻ.
- Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoạt động 24 giờ tất cả các ngày, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động.
- Không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em
Nguồn tham khảo: ChildFund Việt Nam
Link tải tải liệu: Bảo vệ trẻ em
__
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:Các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo: Tổng đài 111
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111
+ Youtube: Tổng đài 111
Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.