Trong những năm gần đây, trong bối cảnh các vấn đề về xã hội được dấy lên trên phạm vi toàn cầu, ESG - 3 tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp đang được xem là động lực tăng trưởng bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp Việt; đồng thời là điều kiện bắt buộc trong hợp tác quốc tế.
Đặc biệt trong đó, mục tiêu hướng đến đầu tư cho trẻ em trong các hoạt động cộng đồng luôn nhận được sự quan tâm rất. Và các doanh nghiệp Việt đang tận dụng tối đa các trợ lực này để kiếm ''lời", biến thách thức thành cơ hội trên chặng hành trình phát triển bền vững.
Tấm vé thông hành tiếp cận các thị trường toàn cầu
Nhiều nhà đầu tư hiện nay cho biết thay vì các chỉ số tài chính truyền thống, họ sẽ ngày càng coi trọng xu hướng đầu tư dựa trên đánh giá tiêu chí ESG, đặc biệt là các doanh nghiệp hướng đến việc đầu tư cho trẻ em.
Bà Hà Đỗ, Trưởng Bộ phận Tư vấn Phát triển bền vững, của KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết trong khoảng 2 năm trở lại đây, KPMG nhận được yêu cầu kiểm tra nhà cung cấp từ nhiều công ty đa quốc gia. Theo đó, nhà cung cấp Việt Nam nào không đáp ứng được việc thực hành các nguyên tắc về quyền trẻ em trong hoạt động kinh doanh sẽ bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng. Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI từng đánh giá "Hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và bền vững là phải mang lại lợi ích cho mọi người, bao gồm cả trẻ em".
Diễn đàn Doanh nghiệp do VCCI phối hợp với UNICEF tổ chức với chủ đề Kinh doanh có trách nhiệm, gắn với quyền trẻ em
Nguồn ảnh: VCCI
"Lời" uy tín khi triển khai đồng hành cùng các tổ chức toàn cầu chuyên trách về trẻ em
Trước yêu cầu cần có hành động mạnh mẽ hơn nữa với các chương trình cộng đồng, xã hội liên quan đến trẻ em, các doanh nghiệp hiện nay khi xây dựng chiến lược kinh doanh có xu hướng tham vấn các cơ quan chuyên trách về trẻ em, phối hợp các chương trình dài hạn có chiều sâu và sự lan tỏa lớn… có thể kể đến như Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF).
Từ sứ mệnh, chức năng nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến trẻ em cũng như là một tổ chức uy tín toàn cầu, UNICEF hợp tác với các doanh nghiệp để huy động nguồn lực và phát huy ưu thế của mỗi bên trong việc triển khai các chương trình bền vững, lâu dài; góp phần nâng tầm uy tín thương hiệu doanh nghiệp.
Tổ chức này cũng đang thu hút cộng đồng doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng tôn trọng và thúc đẩy quyền trẻ em thông qua việc bổ sung kiến thức, tăng cường năng lực, thực hiện các cam kết được nêu trong "Quyền trẻ em và các Nguyên tắc Kinh doanh". Không dừng lại ở đó, hàng loạt các chương trình hành động cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp hướng về quyền trẻ em được tổ chức. Cụ thể như, việc hợp tác với Công ty Đa quốc gia Johnson & Johnson nhằm nâng cao sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh tại Việt Nam. SME đã ký kết thỏa thuận hợp tác với UNICEF trong việc tăng cường giáo dục âm nhạc cho trẻ em Châu Á nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho trẻ em; trong đó có hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy giáo dục âm nhạc cho trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật tại nhiều tỉnh thành trên cả nước cho đến năm 2025.
Hay gần đây nhất là việc hợp tác chiến lược dài hạn giữa UNICEF với Masterise Group nhằm triển khai dự án "Innovation for Children - Sáng kiến thay đổi tương lai". Dự án này hướng đến mục tiêu cải thiện môi trường sống, nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc giới thiệu và áp dụng các giải pháp công nghệ mới như Thư viện số toàn cầu hay Nhà vệ sinh không phát thải… cho trẻ em Việt Nam.
Cô giáo Thạch Thị Via hướng dẫn học sinh trải nghiệm Thư viện số toàn cầu, trong dự án “Sáng kiến thay đổi tương lai”
Nguồn ảnh: UNICEF Việt Nam
Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh: "Lồng ghép quyền trẻ em vào các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm không chỉ là điều nên làm mà còn là một công cụ hiệu quả cho quá trình ra quyết định cân nhắc đến các yếu tố về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) giúp các doanh nghiệp tạo ra một tương lai bền vững hơn cho tất cả mọi người".
Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam
Nguồn ảnh: UNICEF Việt Nam
Lợi ích kinh tế lâu dài cho chính doanh nghiệp và cho đất nước
"Đầu tư ESG có tốn nhiều chi phí không? Câu trả lời chắc chắn là "Có". Tuy nhiên, cần phải hiểu chi phí dành cho phát triển bền vững là một khoản đầu tư dài hạn, đặc biệt là khi đầu tư vào trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước. Ban đầu việc xây dựng quy trình, chuẩn mực, mô hình phục vụ cho chuyển đổi ESG có tốn kém, nhưng về lâu dài sẽ trở về cân bằng và dần dần lợi ích có thể vượt xa chi phí. Khi chi phí bỏ ra mang lại lợi ích lớn, đó là hiệu quả đầu tư.
Đây là câu chuyện đã được chứng minh khi nhiều nghiên cứu thực tế đã chỉ ra rằng có hơn 50% các khoản đầu tư liên quan đến ESG cho hiệu suất tốt hơn, các biến động thấp hơn và mang lại lợi nhuận đều đặn.
Quả thực, việc đầu tư này góp phần giúp cho doanh nghiệp thu hút được nguồn vốn đầu tư xanh - đang là xu hướng trên thế giới; đồng thời hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam liên quan đến trẻ em.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 167/2022 về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025 nhằm giúp doanh nghiệp tuân thủ các nguyên tắc về quyền trẻ em trong kinh doanh, đón đầu các cơ hội hút dòng vốn xanh từ thế giới.
Có thể nói, việc thực hành ESG hiệu quả với các tiêu chí liên quan đến trẻ em của các doanh nghiệp hiện đang có sự chung tay vào cuộc của Chính phủ, của xã hội cùng các tổ chức uy tín, có kinh nghiệm như UNICEF. Điều này,đang trở thành một chiến lược kinh doanh thông minh và mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, cho đất nước trong dài hạn.
Nguồn tham khảo:
https://thanhnien.vn/doanh-nghiep-huong-loi-nho-dau-tu-cong-tac-ho-tro-tre-em-185240620195558954.htm\
____
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.