• 111
  • lang
  • lang

Giải thích về chậm nói và khả năng hiểu cảm xúc của trẻ

1. CHẬM NÓI

Gần đây, các nhà khoa học tại Harvard đã nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngôn ngữ và làm chậm nói của trẻ.

Tại sao phát triển ngôn ngữ và chậm nói lại được quan tâm? Vì bằng chứng cho thấy trẻ chậm phát triển ngôn ngữ sẽ có khuynh hướng chậm phát triển nhận thức và tư duy, cũng như giảm khả năng học hỏi, giao tiếp xã hội ở độ tuổi lớn hơn.

Kết quả nghiên cứu từ Harvard đã chỉ ra rằng: nếu cha mẹ muốn con mình phát triển ngôn ngữ đúng độ tuổi và không gặp vấn đề về chậm nói, yếu tố quan trọng nhất là dành thời gian giao tiếp, trò chuyện tương tác qua lại 2 chiều với trẻ.

Cụ thể, nghiên cứu cho thấy: mỗi 100 lời nói mà cha mẹ phát ra mỗi giờ sẽ kích thích trẻ phát ra thêm 27 âm thanh hoặc từ ngữ. Điều này càng hiệu quả hơn khi trẻ lớn dần. Việc trao đổi, trò chuyện thường xuyên không chỉ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ mà còn là nền tảng để phát triển các kỹ năng xã hội và nhận thức sau này.

2. MỨC ĐỘ HIỂU CỦA TRẺ VỀ CẢM XÚC CỦA CHA MẸ

Các nghiên cứu từ Harvard và MIT đã tiết lộ rằng trẻ nhỏ có khả năng nhạy bén đáng kinh ngạc trong việc nhận biết và hiểu cảm xúc của cha mẹ, đặc biệt là tình cảm yêu thương và gắn bó. Ngay từ 8 tháng tuổi, trẻ đã có thể quan sát và đánh giá các biểu hiện tình cảm giữa cha mẹ, cũng như tình cảm dành cho bản thân mình. Thậm chí, trẻ có thể "đo lường" mức độ yêu thương thông qua những dấu hiệu tinh tế như ánh mắt, nụ cười hay cách cha mẹ tương tác với nhau.

Lời khuyên dành cho cha mẹ:

1. Biểu lộ tình yêu thương rõ ràng:

Những cử chỉ âu yếm, lời nói nhẹ nhàng hay ánh mắt trìu mến giữa cha mẹ không chỉ giúp gắn kết mối quan hệ gia đình mà còn tạo cho trẻ cảm giác an toàn và được yêu thương. Điều này sẽ góp phần xây dựng nền tảng tâm lý vững chắc cho sự phát triển của trẻ.

2. Thể hiện tình cảm qua hành động:

Trẻ không chỉ "nghe" mà còn "nhìn". Những hành động đơn giản như ôm nhau, cùng nhau ăn cơm hay đọc sách cũng là những thông điệp yêu thương mà trẻ có thể cảm nhận được.

3. Tránh cãi vã và nói xấu nhau trước mặt trẻ:

Trẻ rất nhạy cảm với căng thẳng trong gia đình. Những cuộc cãi vã hay lời nói tiêu cực không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ mà còn làm giảm cảm giác an toàn của trẻ đối với môi trường sống. Nếu có mâu thuẫn, hãy cố gắng giải quyết trong sự tôn trọng và kín đáo, tránh để trẻ phải chứng kiến.

4. Giữ tinh thần tích cực, tránh buồn bã kéo dài:

Trẻ em có khả năng "đọc" cảm xúc của cha mẹ rất rõ. Khi cha mẹ thường xuyên thể hiện sự buồn bã hoặc căng thẳng, trẻ sẽ cảm thấy lo lắng, bất an. Hãy cố gắng giữ tinh thần lạc quan, chia sẻ với nhau những niềm vui nhỏ để tạo không khí gia đình tích cực.

5. Lắng nghe và đáp lại cảm xúc của trẻ:

Khi trẻ bộc lộ cảm xúc, hãy lắng nghe và phản hồi một cách chân thành. Điều này không chỉ giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ và giao tiếp mà còn củng cố niềm tin và mối quan hệ gắn bó giữa cha mẹ và con cái.

6. Tạo môi trường gia đình ấm áp, yêu thương:

Không gian gia đình tràn đầy tình yêu thương và sự tôn trọng sẽ giúp trẻ phát triển về mặt cảm xúc và xã hội. Hãy biến những khoảnh khắc nhỏ như bữa cơm gia đình hay giờ chơi chung thành cơ hội để thể hiện sự quan tâm và kết nối.

Để kết tôi muốn nhắc lại câu nói rất nổi tiếng cách đây nhiều thập kỉ của Mẹ Teresa, cũng là người nhận giải Nobel Hòa Bình 1979 về giá trị của gia đình vẫn giữ nguyên đến tận bây giờ.

'Tình yêu bắt đầu ở nhà; tình yêu sống trong nhà, và đó là vì sao thế giới hôm nay lại nhiều khổ đau và bất hạnh đến như thế... Con người ngày nay dường như ai cũng quá vội vã, lo lắng muốn đạt được những bước tiến xa hơn và muốn của cải nhiều hơn, và đại loại như thế, đến nỗi con cái có quá ít thời gian với cha mẹ mình. Cha mẹ chúng có quá ít thời gian dành cho nhau, và hòa bình thế giới bị chia cắt bắt đầu từ mái ấm'

Notes

Bergelson E, Soderstrom M, Schwarz IC, et al. Everyday language input and production in 1,001 children from six continents. Proc Natl Acad Sci U S A. 2023;120(52):e2300671120.

Thomas AJ, Woo B, Nettle D, Spelke E, Saxe R. Early concepts of intimacy: Young humans use saliva sharing to infer close relationships. Science. 2022;375(6578):311-315.

Bác sĩ Anh Nguyễn

____

Để được hỗ trợ trực tiếp, hãy liên hệ với: Văn phòng tư vấn và trị liệu tâm lý trẻ em - Tổng đài 111:

- Đánh giá,trị liệu miễn phí cho trẻ bị xâm nhập tình dục, trẻ bị bạo hành, mua bán trở về, trẻ bị ảnh hưởng của bạo lực gia đình.

- Đánh giá, phát hiện, can thiệp sớm cho trẻ em Rối loạn phát triển: trẻ tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, tăng động giảm chú ý, chậm ngôn ngữ..

- Đánh giá, tham vấn, trị liệu trực tiếp và trực tuyến cho trẻ em và người lớn có nhiều phiền nhiễu tâm lý: lo âu, trầm cảm...

- Tổ chức lớp tiền tiểu học cho trẻ đặc biệt

- Tham vấn học đường

- Tư vấn hướng nghiệp

- Đào tạo kỹ năng sống

- Đào tạo kỹ năng làm cha mẹ

Địa chỉ: số 44 ngõ 84 Ngọc Khánh - Giảng Võ - Ba Đình - Hà Nội

Hotline: 111 hoặc 0243 7476 154. Ngoài giờ hành chính: 0979589390 (cô Hồng Nhung)