• 111
  • lang
  • lang

Hơn 60% phụ huynh đồng ý tiêm vaccine Covid cho trẻ 5-11 tuổi

Bộ Y tế sáng 9/2 công bố hơn 415.000 phụ huynh có con dưới 12 tuổi tham gia cuộc khảo sát về việc tiêm vaccine Covid-19 cho con, trong đó 60,6% đồng ý tiêm, 1,9% không đồng ý, 29,1% cân nhắc, 7,6% đồng ý nếu bắt buộc.

Khảo sát do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) thực hiện trực tuyến tại 63 tỉnh thành, kết quả công bố sáng nay. Bộ Y tế không công bố chi tiết về cuộc khảo sát.

Bộ Y tế cho biết đang hoàn thiện các thủ tục mua sắm, ký hợp đồng với hãng dược Pfizer để có nguồn vacine tiêm cho trẻ 5-11 tuổi trong quý I năm nay.

Trả lời VnExpress sáng cùng ngày, tiến sĩ Phạm Quang Thái (Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương), nhận định con số này cho thấy các bậc cha mẹ chưa tin tưởng vào thông tin khoa học, thông tin nhiễu hiện rất nhiều và gây cản trở công tác chống dịch.

Cùng ý kiến này, phó giáo sư Dương Thị Hồng (Phó viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương), cho rằng ngành y tế cần truyền thông đầy đủ hơn về tính an toàn, hiệu quả của vaccine Covid-19 cho trẻ em, công tác tổ chức tiêm chủng đảm bảo an toàn... để phụ huynh tin tưởng và đồng thuận, đưa con mình đi tiêm chủng.

Theo phó giáo sư Hồng, trẻ em 5-11 tuổi cần được miễn dịch cộng đồng, độ bao phủ vaccine cao tương tự như ở nhóm trẻ 12-17 tuổi (đã tiêm đạt 95%). "Từ kinh nghiệm tiêm chủng trong năm 2021, thời gian tới, Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch tiêm chủng chi tiết nhằm đạt độ bao phủ vaccine và đảm bảo an toàn tiêm chủng", bà Hồng nói.

Dự kiến, trước khi triển khai chiến dịch, nhân viên y tế một lần nữa được tập huấn về sử dụng vaccine cho trẻ em 5-11 tuổi, thực hành tiêm chủng, hướng dẫn xử trí các phản ứng bất thường có thể xảy ra sau tiêm. Cán bộ y tế cũng được tập huấn những nội dung tư vấn, hướng dẫn cha mẹ, thầy cô giáo, học sinh... theo dõi sức khỏe đúng cách cho trẻ nhóm tuổi này sau khi tiêm vaccine Covid-19. Họ sẽ cùng tham gia với nhân viên y tế nhằm đảm bảo an toàn tiêm chủng, phát hiện sớm nhất những biểu hiện bất thường sau tiêm để xử trí kịp thời, tránh xảy ra những rủi ro đáng tiếc.

Tương tự kế hoạch tiêm cho nhóm 12-17 tuổi, trẻ 5-11 tuổi sẽ được tiêm chủng tại trường học, trẻ không đi học tiêm tại trạm y tế xã/phường. Trẻ có bệnh lý mạn tính, bệnh nền, thể trạng béo phì... tiêm chủng tại các bệnh viện nhằm đảm bảo an toàn. Cũng từ kinh nghiệm trong năm 2021, tất cả điểm tiêm chủng trên toàn quốc sẵn sàng và duy trì liên tục để xử trí cấp cứu những tai biến nặng, ví dụ sốc phản vệ, theo bà Hồng.

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh THPT tại quận 1, TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn

Hiện Bộ Y tế chưa công bố thời gian và số lượng trẻ em 5-11 tuổi được tiêm vaccine Covid. Trước đó, Bộ đề xuất mua 21,9 triệu liều vaccine Pfizer để tiêm chủng. Hôm 4/2, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương mua, tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ nhỏ.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hôm 31/1 cho biết "không bắt buộc song khuyến cáo người dân tiêm chủng cho trẻ nhỏ, chiến dịch tiêm sẽ diễn ra thận trọng, an toàn". Đến nay, 37 quốc gia đã lên kế hoạch tiêm và triển khai tiêm, bao gồm một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan.

Từ ngày 6/1 đến nay VnExpress khảo sát ý kiến độc giả về việc tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi. Hơn 171.000 lượt bạn đọc nêu ý kiến, trong đó số người đồng tình 31% (tương đương 52.776 phiếu). Tỷ lệ không đồng ý tiêm chiếm cao nhất với 67% (tương đương 114.665 phiếu); ý kiến khác 2% (tương đương 3.867 phiếu).

Việt Nam đang thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa xuân nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vaccine. Khoảng 1,5 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm trong chiến dịch này, nâng tỷ lệ tiêm mũi hai cho người từ 12 tuổi trở lên đạt 95,5%, 25% người từ 18 tuổi đã tiêm mũi ba, tính đến hết ngày 6/2.

Tính đến 17h30 ngày 8/2, Việt Nam đã tiêm hơn 183 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó tiêm mũi một hơn 79 triệu liều, tiêm mũi hai hơn 74 triệu liều, tiêm mũi ba (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi ba liều cơ bản) là gần 30 triệu liều.

Chi Lê

-------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616