• 111
  • lang
  • lang

Hướng đi nào khi học sinh trượt lớp 10 công lập?

Nhiều tỉnh, thành phố đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập. Bên cạnh niềm vui của những học sinh đạt thứ hạng cao, không ít em buồn vì cánh cổng trường công đã khép lại với mình.

Lớp 10 công lập không phải là con đường duy nhất 

Sau khi biết được điểm thi vào lớp 10 THPT, Ngọc Anh (ở Bắc Ninh) khóc sưng cả mắt và trốn trong phòng không muốn ăn uống, trò chuyện với bất cứ ai. Mẹ cô bé đã xin nghỉ làm mấy ngày để ở nhà động viên, an ủi con gái.

Trượt lớp 10 công lập có lẽ là cú sốc đầu tiên trong cuộc đời một đứa trẻ. Nhưng một cánh cửa khép lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra và còn có rất nhiều lựa chọn đang chờ trẻ khám phá. 

Nỗi buồn của các sĩ tử khi thi trượt. (Ảnh minh họa)

Có rất nhiều lý do khiến cho trẻ bị trượt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập: đề thi quá khó so với khả năng của con, cha mẹ và trẻ đã chọn sai thứ tự nguyện vọng, số thí sinh dự thi vào ngôi trường con yêu thích năm nay bỗng tăng đột biến, sức khỏe khi con tham dự kỳ thi không được tốt… 

Không chỉ trẻ cảm thấy bị sốc khi trượt lớp 10 công lập, mà đôi khi chính những người làm cha, làm mẹ cũng sốc nặng khi con thi trượt. Tuy nhiên, dù buồn phiền, cha mẹ vẫn nên giữ bình tĩnh và động viên con vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cha mẹ không nên mắng mỏ hay trách móc con vì điều này chỉ càng khiến trẻ áp lực hơn. Ngược lại, hãy khuyến khích con chia sẻ cảm xúc và những lo lắng mà chúng đang gặp phải. Cha mẹ hãy giúp con hiểu rằng, thất bại là một phần của cuộc sống và là cơ hội để học hỏi và phát triển.

Nếu phụ huynh và học sinh đã có phương án thay thế khi trượt trường công lập từ trước, thì đây là lúc cha mẹ cùng con tìm hiểu về ngôi trường mới và chuẩn bị các thủ tục nhập học. Nếu trước đó chưa từng có phương án dự phòng, thì ngay sau khi biết điểm thi, gia đình cần khẩn trương tìm giải pháp thay thế phù hợp.

Phụ huynh cũng có thể trao đổi với giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên các bộ môn để nhận được lời khuyên và hướng dẫn cụ thể. Nếu cần, cha mẹ cũng có thể tìm đến các chuyên gia giáo dục để được tư vấn và hỗ trợ chuyên sâu hơn.

Để giúp trẻ ổn định cảm xúc, ngoài động viên, an ủi, cha mẹ nên khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể thao, nghệ thuật hoặc các hoạt động vì cộng đồng.

Bên cạnh đó, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ phát triển các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm và quản lý thời gian… để con có thể thích nghi nhanh chóng khi bước vào môi trường học tập mới.

Động viên, an ủi, khích lệ trẻ bằng những câu nói:

- Bố/mẹ hiểu con đang rất buồn và thất vọng. Bố/mẹ cũng cảm thấy như vậy, nhưng hãy cùng nhau tìm cách vượt qua nhé.

- Con có muốn chia sẻ với bố/mẹ cảm giác của con không? Bố/mẹ ở đây để lắng nghe con.

- Kết quả kỳ thi không định nghĩa được con là ai. Con vẫn là người con tuyệt vời và có nhiều tiềm năng.

- Ai cũng có lúc gặp khó khăn, quan trọng là chúng ta học được gì từ đó và tiến lên phía trước.

- Chúng ta có thể xem xét các lựa chọn khác nhau như chọn một trường khác, hoặc khám phá các ngành nghề khác mà con thích.

- Nhiều người thành công đã trải qua những lần thất bại. Điều quan trọng là họ không từ bỏ và tiếp tục cố gắng.

- Bố/mẹ sẵn sàng hỗ trợ con trong việc tìm hiểu các cơ hội khác.

- Bố/mẹ tin rằng con có thể vượt qua giai đoạn này và tìm ra con đường phù hợp nhất với mình.

- Dù con học trường nào, bố/mẹ vẫn luôn bên cạnh và ủng hộ con.

Lựa chọn giải pháp phù hợp

Thí sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 THPT. (Ảnh minh họa)

Lớp 10 THPT công lập không phải là con đường duy nhất dẫn trẻ bước tới thành công trong cuộc sống sau này. Trẻ không đỗ vào trường công lập thì có thể học trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề… 

Hiện nay, các trường THPT ngoài công lập (trường tư thục) thường có chương trình học tập linh hoạt với nhiều hoạt động ngoại khóa, đặc biệt rất chú trọng đào tạo ngoại ngữ và các kỹ năng sống.

Tuy nhiên, một số trường tư thục yêu cầu điểm học bạ và điểm thi khá cao nên không phải học sinh nào trượt lớp 10 công lập cũng đủ điều kiện trúng tuyển.

Nhiều thế hệ học sinh trước đây thường “dị ứng” khi nhắc tới các trung tâm giáo dục thường xuyên hay các trường học bổ túc văn hóa. Thực tế, các trung tâm giáo dục thường xuyên bây giờ đã đổi mới phương pháp dạy và học, cơ sở vật chất cũng được các địa phương chú trọng đầu tư hơn trước nhiều.

Các trung tâm này không đòi hỏi đầu vào cao, hầu như học sinh nào tốt nghiệp THCS cũng có thể đăng ký theo học, tuy nhiên, số học sinh tuyển sinh không nhiều nên các trung tâm sẽ ưu tiên những học sinh đăng ký nhập học sớm.

Hiện nay, bằng tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên có giá trị tương đương bằng tốt nghiệp các trường THPT hệ chính quy.

Ngoài các trường THPT tư thục và các trung tâm giáo dục thường xuyên thì học nghề cũng là lựa chọn của không ít học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.

Với học nghề, học sinh có vô số ngành học để lựa chọn, như: pha chế; đầu bếp; trang điểm; thiết kế đồ họa; sửa chữa ô tô, xe máy; sửa chữa điện thoại, máy tính;…

Những ngành nghề này đều rất thiết thực, nhu cầu tuyển dụng lao động cao, trẻ theo học không lo thiếu việc sau khi tốt nghiệp. Thu nhập của lao động có tay nghề cao thậm chí còn cao hơn một số cử nhân tốt nghiệp đại học. 

Tùy thuộc vào điểm số, mong muốn của trẻ và cả điều kiện kinh tế gia đình mà cha mẹ và trẻ đưa ra quyết định phù hợp nhất.

Nguồn tham khảo:

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/huong-di-nao-khi-hoc-sinh-truot-lop-10-cong-lap-20240627135931487.htm

____
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:       https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111       https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:     Tongdai111.vn

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.