• 111
  • lang
  • lang

Kỹ năng sinh tồn là “vaccine” an toàn cho trẻ em

Bên cạnh yếu tố may mắn, sự hiểu biết về thiên nhiên thì kỹ năng sinh tồn đã giúp nhiều trẻ em vượt qua những tình huống sinh tử trong cuộc sống.

Câu chuyện về bé gái 13 tuổi cùng 3 em trai (9 tuổi, 4 tuổi và 1 tuổi) người Colombia sống sót một cách kỳ diệu sau 40 ngày trong rừng Amazon vào tháng 5/2023, hay gần đây nhất là chuyện bé trai 6 tuổi ở tỉnh Yên Bái đã sống sót nhờ ăn lá cây, quả dại và uống nước suối trong 5 ngày là những minh chứng rõ nhất về việc cần thiết phải trang bị cho trẻ kỹ năng sinh tồn.

 Kỹ năng sinh tồn là những kỹ năng mà con người có thể sử dụng để duy trì sự sống trong bất kỳ môi trường nào. Cuộc sống luôn có nhiều điều bất ngờ xảy ra nên việc dạy trẻ em về kỹ năng sinh tồn cơ bản là rất quan trọng.

Kỹ năng sinh tồn có thể cứu trẻ trong những tình huống nguy cấp. Rèn luyện kỹ năng sinh tồn cho trẻ bao gồm giáo dục kiến thức và cho trẻ trải nghiệm thực tế. Cha mẹ, người chăm sóc hãy bắt đầu trang bị kỹ năng sinh tồn cho trẻ từ những việc nhỏ nhưng vô cùng quan trọng và cần thiết.

Xác định phương hướng.

Chuẩn bị cho các trường hợp bất trắc

Nếu hiểu biết những điều cơ bản về sự sống còn trong môi trường hoang dã, trẻ sẽ ít có khả năng hoảng sợ hơn và có thể vận dụng các kỹ năng để thoát nạn. Vì vậy, cho dù trẻ sống ở thành phố và khả năng tiếp cận các khu rừng ít thì cha mẹ vẫn cần đặt tình huống về những điều có thể xảy ra nếu trẻ bị lạc trong rừng.

Ví dụ: Khi cả nhà đi dạo trong công viên, cha mẹ hãy cùng thảo luận và để trẻ chỉ ra những mối nguy hiểm cũng như rủi ro xung quanh. Đồng thời, cha mẹ khuyến khích trẻ chia sẻ mình sẽ làm gì để thoát khỏi mối nguy đó. Thông qua trải nghiệm này, trẻ em có cơ hội nhận thức rõ hơn về kỹ năng sống của mình. 

Giữ bình tĩnh

Trong những tình huống ngặt nghèo, việc giữ bình tĩnh là rất khó khăn. Tuy nhiên,  đây là yếu tố sống còn nên trẻ cần được rèn luyện. Một trong những cách đơn giản nhất là cha mẹ yêu cầu trẻ tập hít sâu và thở ra chậm rãi nhiều lần. Kiểm soát được hơi thở sẽ kiểm soát được cảm xúc và sự bình tĩnh. Có bình tĩnh, trẻ mới nhớ được những kiến thức, kỹ năng đã học để vận dụng phù hợp với hoàn cảnh.

Lưu lại dấu vết

Khi bị lạc, tùy vào tình huống cụ thể, lứa tuổi và khả năng, trẻ có thể tiếp tục di chuyển để tìm sự giúp đỡ hoặc ở yên tại chỗ chờ đội cứu hộ. Trong trường hợp phải di chuyển, trẻ cần tạo ra những ký hiệu, biểu tượng nhằm hướng đến sự giúp đỡ. Đơn giản hơn, trẻ hãy thực hành lặp lại động tác ôm cây, tảng đá sau khi di chuyển khoảng vài chục mét. Điều này nhằm lưu lại mùi cơ thể, giúp chó cứu hộ nhận biết và tìm đến giải cứu.

Xây dựng nơi trú ẩn

Những túp lều lá đơn giản theo nguyên tắc mái dốc, dễ thực hiện và trẻ em có thể sử dụng nơi trú ẩn như một “pháo đài” để tránh mưa và lạnh. Để làm được điều này, trẻ cũng cần thực hành một số kỹ năng khác như học cách buộc dây, sử dụng cây chống, dựng hàng rào…

Xây dựng nơi trú ẩn kiểu túp lều lá đơn giản theo nguyên tắc mái dốc

 

Tạo ký hiệu cần giúp đỡ

Một trong những ký hiệu, biểu tượng cứu hộ, cứu nạn mang tính toàn cầu chính là dòng chữ SOS. Trong trường hợp cần thiết, trẻ có thể dùng gạch, đá, cành cây tạo ra ký hiệu này tại nơi đất trống để thu hút sự chú ý từ các nhân viên cứu hộ.

Giữ an toàn với động vật hoang dã

Đây lại là một kỹ năng sinh tồn cho trẻ khá quan trọng và cần thiết, vì là tình huống khó kiểm soát nếu trẻ bị lạc trong rừng. Mỗi loài động vật sẽ có những đặc điểm, cách xử lý khác nhau. Nếu thấy rắn, trẻ không đến gần hay cố gắng xua đuổi nó. Còn với các loài động vật khác, trẻ không nên trêu chọc hay cố gắng chạy, vì như vậy giống như đang kích thích, khiến chúng giận dữ, có thể tấn công bất cứ lúc nào.

Học cách sơ cứu

Cho dù được trang bị các kỹ năng và khả năng phán đoán tốt để giữ an toàn, nhưng thương tích vẫn có thể xảy ra trong quá trình trẻ khám phá môi trường. Do đó, trẻ cần được tìm hiểu về các chấn thương ngoài trời phổ biến như vết cắn của động vật, muỗi đốt, say nắng, vết cắt, vết bỏng… và cách điều trị các chấn thương này. 

Giữ đủ nước

Trong rừng có rất nhiều loại quả ăn được và loại quả có độc. Nếu không có kiến thức để phân biệt, tốt nhất không nên sử dụng tránh bị ngộ độc. Thay vào đó, hãy sử dụng nước để làm dịu cơn khát và đói. Hãy tìm nguồn nước ít ô nhiễm để sử dụng và duy trì nó một cách lâu nhất có thể. Trong trường hợp cần thiết, có thể dùng vải quần, áo, tất, để lọc nước. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể làm nước sạch hơn chứ không có tác dụng làm hết vi khuẩn có trong nước.

Không nên ẩn nấp

Bị lạc trong rừng là điều đáng sợ và trẻ em thường có xu hướng trốn khi cảm thấy sợ hãi hoặc để tránh xa những con vật hoang dã. Điều này có thể đúng nhưng việc ẩn nấp lại khiến các đội cứu hộ khó quan sát. Do đó, trẻ cần tìm cách tạo cho mình khả năng dễ được nhìn thấy. Thậm chí, trẻ có thể treo những vật phản quang, tạo tiếng động theo chu kỳ SOS xung quanh nơi dừng lại để chờ giúp đỡ. Nếu cần di chuyển, hãy ở những nơi thoáng đãng để mọi người dễ thấy. 

Trên đây là những hướng dẫn chung và có thể cần phải điều chỉnh dựa trên môi trường, tình huống cụ thể mà trẻ gặp phải.

Với kinh nghiệm nhiều năm thực hiện hoạt động cứu hộ, các chuyên gia của Hiệp hội Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Mỹ (NASAR) khuyến cáo, ngay khi trẻ nhận ra mình bị lạc, hành động tốt nhất thường là ở nguyên vị trí bởi công tác cứu hộ sẽ tìm kiếm đầu tiên ở nơi đứa trẻ được nhìn thấy lần cuối. Sự hoảng loạn và lang thang có thể khiến các đội tìm kiếm khó xác định vị trí của trẻ hơn.

Nếu có ít cây ở xung quanh thì hãy ôm nó. Điều này vừa khiến trẻ lấy lại bình tĩnh vừa giúp lưu lại mùi cơ thể được lâu hơn nhằm phục vụ cho việc đánh hơi, tìm kiếm dấu vết của cảnh khuyển. Phương pháp đơn giản này trên thực tế đã giúp tìm được rất nhiều trẻ bị lạc tại Mỹ từ năm 1981 đến nay và được phổ biến tại nhiều quốc gia.

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/ky-nang-sinh-ton-la-vaccine-an-toan-cho-tre-em-20240913214653763.htm

 

________

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:   Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111 

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.