Hành động quyết liệt và dành nguồn lực lớn hơn nữa cho trẻ em - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu như vậy tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 tại Tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 1/6, buổi lễ với sự tham gia của khoảng 600 đại biểu, trong đó hơn 300 trẻ em.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024. (Ảnh: BTC)
Lễ phát động do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề "Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em".
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng hơn 300 trẻ em đại diện cho hơn 25 triệu trẻ em cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh: BTC).
Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em
Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề: “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” nhằm vận động xã hội thực hiện phong trào "Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em", hỗ trợ mỗi xã có một công trình dành cho trẻ em được xây dựng hoặc nâng cấp;
Mỗi đoàn viên, hội viên của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có một hành động thiết thực vì trẻ em.
Phát biểu phát động tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, những năm qua, công tác chăm lo bảo vệ cho trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và dành nhiều nguồn lực để ưu tiên.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em năm 2024 (Ảnh: BTC).
Các chương trình vì trẻ em được phát động trên toàn quốc đã đem lại những hiệu quả tích cực và hiệu ứng lan tỏa rộng rãi.
Nhiều chủ trương, chính sách được ban hành với mục tiêu vì lợi ích tốt nhất cho sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần của trẻ em; hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được hình thành và hoạt động hiệu quả, các vụ việc vi phạm quyền trẻ em được giải quyết kịp thời.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, cùng với sự phát triển của đất nước, nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em, nhất là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, biển, đảo ngày càng được quan tâm nhiều hơn.
Các chương trình áo ấm cho em, cơm có thịt, xoá phòng học tạm, nuôi em… đang thu hút sự tham gia của hàng triệu người, giúp nâng bước chân đến trường để học những điều mới, nuôi dưỡng ước mơ đổi thay cuộc đời.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: BTC)
Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất. Mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em từ cơ sở có sự tham gia của rất nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể… với hình thức hoạt động hết sức phong phú để phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp nhằm bảo vệ trẻ em tránh khỏi bị bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích.
Bên cạnh đó, nhiều diễn đàn, hội nghị của trẻ em được tổ chức từ cấp địa phương đến quốc gia là cơ chế hữu hiệu để trẻ em nói lên tiếng nói của mình, để người lớn lắng nghe, thấu hiểu các em về những vấn đề liên quan trực tiếp đến trẻ em, cũng như những suy nghĩ, ước muốn với tinh thần trách nhiệm gánh vác tương lai đất nước.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành và địa phương tham dự lễ phát động. (Ảnh: BTC).
Hành động quyết liệt và dành nguồn lực lớn hơn nữa cho trẻ em
Tuy nhiên, dù đã nỗ lực hết sức, nhưng chúng ta không khỏi trăn trở, đau lòng mỗi khi biết thông tin về một em nhỏ nào đó đang phải chịu đựng đau đớn về thể xác, tinh thần do bị bạo lực, hay bị xâm hại, hoặc bị thương tích, đuối nước.
Trên cả nước, vẫn còn hàng triệu em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cần trợ giúp, bị ảnh hưởng của những nội dung độc hại trên môi trường mạng...
Thực tiễn trên, đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, mỗi người chúng ta phải hành động quyết liệt hơn nữa, ưu tiên cao hơn nữa, dành sự yêu thương, quan tâm và nguồn lực lớn hơn nữa cho trẻ em.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các đại biểu đến thăm các cháu thiếu nhi tại Làng Trẻ em SOS Huế (Ảnh: BTC).
Vì vậy, Phó Thủ tướng đánh giá rất cao chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 là "Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em" nhằm tạo môi trường sống an toàn, có cơ hội phát triển toàn diện cho mọi trẻ em Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Chính phủ sẽ luôn hết sức lắng nghe, ghi nhận ý kiến của các em để hành động quyết liệt hơn nữa, tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật;
Xây dựng, ban hành các kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực chăm lo, bảo vệ, tạo môi trường cho hơn 15 triệu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam phát triển ngày càng tốt đẹp, an toàn hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương thông tin tại buổi lễ, các đơn vị tài trợ đã thông qua sở LĐ-TB&XH đã gửi những phần quà đến trẻ em Thừa Thiên Huế với trị giá hơn 7 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các đại biểu tham dự cũng đã trao 50 phần quà và 30 xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh.
Dịp này, Phó Thủ tướng đã dự lễ cất nóc nhà đa chức năng, Trường Tiểu học Vỹ Dạ, thành phố Huế; thăm và tặng quà cho trẻ em tại Làng trẻ em SOS Huế.
Thông điệp tháng hành động vì trẻ em (Video: Truyền hình Vì trẻ em).
Thông điệp truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2024:
1. Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em
2. Ưu tiên nguồn lực cho trẻ em để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
3. Bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách đối với trẻ em
4. Bảo đảm quyền trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển đất nước
5. Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em
6. Tăng cường chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vì sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
7. Tổng đài 111 - tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi
8. Phòng ngừa và chấm dứt lao động trẻ em vì sự phát triển bền vững
9. Chăm sóc sức khỏe tâm thần để trẻ em phát triển toàn diện
10. Phòng, chống tai nạn, thương tích để bảo đảm quyền được sống của trẻ em
11. Gia đình, cộng đồng giám sát, trông giữ trẻ em để phòng, chống đuối nước
12. Lắng nghe trẻ em để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em
Nguồn tham khảo:
https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/hanh-dong-quyet-liet-va-danh-nguon-luc-lon-hon-nua-cho-tre-em-20240601103302134.htm
____
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.