Áp lực trước việc nuôi dạy con, một số bậc cha mẹ đăng ký các lớp học để trở thành cha mẹ thông thái giúp con cái thành tài.
Trước ma trận các khóa dạy làm cha mẹ, không ít người mất tiền oan vì trót tin theo quảng cáo.
Nhan nhản khóa học dạy làm cha mẹ
Việc lan tỏa kiến thức nuôi dạy con đến cộng đồng là điều rất cần thiết, giúp cho mọi người nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình trong việc giáo dục con cái. Tuy nhiên, phụ huynh cần tỉnh táo trong hành trình gom nhặt kiến thức nuôi dạy con, bởi có không ít “chuyên gia”, chương trình đào tạo hoàn toàn không có được sự thẩm định của cơ quan chuyên môn.
Bố mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện cùng con.
Có con tuổi mới lớn, chị Lan Anh (Hà Nội) được bạn tặng phiếu tham gia các khóa học làm cha mẹ. Khóa học trong 2 ngày cuối tuần, từ 8 - 23h với khoảng 30 phụ huynh và một người trẻ tuổi được giới thiệu là giảng viên. Các lý thuyết hay ví dụ tình huống thầy đưa ra đều chê cách dạy con theo kiểu truyền thống và khuyên học viên theo học các khóa dạy con hiện đại.
Giờ giải lao, thầy quảng cáo các khóa học khác, với các suất giảm cực sốc từ 30 triệu đồng còn 10 triệu đồng cho 10 người đăng ký sớm nhất. Đang “bốc hỏa” vì nói con không nghe lời, chị Lan Anh đăng ký khóa học trị giá 10 triệu đồng. Tuy nhiên, kết thúc khóa học, với những kiến thức đã được thầy truyền dạy, chị vẫn chưa định hình được cần phải thay đổi phương pháp dạy con ra sao để con nghe lời.
Chị Hoài Phương (Hà Nội) cũng đã tham gia nhiều khóa nuôi dạy con. Trong số những khóa học, có khóa học tốt, giúp chị thay đổi tư duy, áp dụng vào dạy con. Nhưng có những khóa kiểu "treo đầu dê bán thịt chó". Chị đã từng tham gia khóa học của một người tự xưng là "giảng viên NLP" (Neuro-Linguistic Programming - lập trình ngôn ngữ tư duy).
Ban đầu là miễn phí, chỉ khơi lên các vấn đề và nỗi đau, không cho giải pháp. Chị Hoài Phương đã đăng ký một khóa học NLP để được chữa lành và dạy con với chi phí 50 triệu đồng. Sau 3 tháng cần mẫn dậy từ 4h sáng để học, chị Hoài Phương thất vọng vì kết quả nhận được không như mong muốn, không như giới thiệu ban đầu.
Nhu cầu học để làm cha, làm mẹ thông thái là hoàn toàn chính đáng và số người có nhu cầu học ngày càng cao. Tuy nhiên, không ít trung tâm đã đánh đúng vào tâm lý của người học để bán khóa học kém chất lượng. Thậm chí, một số trung tâm có cách bán khóa học theo kiểu riêng một khóa hoặc giá hội viên, “với 3 ngày học có thể thay đổi cách dạy con mãi mãi”.
Nếu vấn đề giữa cha mẹ và con cái trầm trọng, có khóa coaching 1-1 (tư vấn, huấn luyện tâm trí) được giới thiệu với mức giá trên trang web trung tâm là 60 triệu đồng.
Nắm bắt tâm lý của rất nhiều bố mẹ luôn sính ngoại, muốn trở thành “bố mẹ toàn cầu”, các trung tâm mở lớp cũng như xây dựng các gói học online hướng dẫn bố mẹ dạy con theo kiểu Mỹ (phương pháp Glenn Doman), kiểu Ý (Montessori); kiểu Nhật (Shichida); kiểu Trung Quốc (Phương án 0 tuổi) và kiểu Do Thái với các phương pháp dạy học rất “kêu” như phương pháp zig zag; tháp học tập của Bloom,…
Nhiều bố mẹ sẵn sàng chi tiền để học làm cha mẹ.. thông thái nhưng hiệu quả thì lại không như mong đợi.
Nuôi dạy con là cả quá trình, kiến thức của chuyên gia chỉ gợi mở
Theo PGS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), các khóa học nuôi dạy con đang là một thị trường kinh doanh nhiều lợi nhuận. Có không ít người tham gia một khóa học, đọc một số cuốn sách đã tự xưng chuyên gia, mở lớp để dạy người khác.
Chưa kể họ tận dụng các khóa này để tận thu, khiến các bố mẹ này không dứt ra được dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình. Ở một khía cạnh nào đấy, nhiều vụ việc đã cấu thành hành vi lừa đảo, phạm pháp.
Theo các chuyên gia, có ba đặc điểm có thể nhận biết các khóa học "treo đầu dê bán thịt chó". Thứ nhất, các khóa này quảng cáo rất mạnh, xuất hiện dày đặc trên các mạng xã hội và có một đội ngũ nhân viên tư vấn đeo bám, mời chào.
Thứ hai, dù là khóa học "nuôi dạy con", "chữa lành" mà gom cả chục, cả trăm người học trong khi mỗi đứa trẻ, mỗi người có vết thương khác nhau, chắc chắn không hiệu quả.
Thứ ba, ban đầu mở lớp miễn phí nhưng sau đó dùng thủ thuật tâm lý để lôi kéo người học vào các khóa học mất nhiều tiền và nội dung học không chỉ còn về nuôi dạy con.
“Phụ huynh muốn đi học để dạy con cần phải tìm hiểu người dạy có chuyên môn liên quan đến nội dung dạy, có kinh nghiệm thực tiễn. Tiếp theo cần tìm hiểu thông tin khóa học có đúng không. Một số chương trình dạy áp dụng mô hình đa cấp nên có thể chính những người xung quanh là cò mồi, chân rết của nhóm này.
Nuôi dạy con là một quá trình, không có chuyện ăn xổi. Những cách trị cho con hết bướng, nghe lời răm rắp có thể chỉ là chiêu thức tạm thời, không giải quyết được vấn đề vốn cần kiến thức chuyên sâu về tâm lý trẻ, có trường hợp cần trị liệu tâm lý chuyên sâu chứ không thể giải quyết bằng vài bí quyết, lời khuyên chung chung cho mọi cha mẹ được.
Phụ huynh cần chú ý, những vấn đề dạy con mà các chuyên gia đưa ra chỉ mang tính chất gợi mở. Mỗi đứa trẻ có những sở thích, thế mạnh riêng nên không thể áp đặt.
Nếu bố mẹ nào kỳ công thì từ sự gợi mở đó sẽ tìm ra cách dạy con hợp lý, còn nếu không tìm tòi, suy nghĩ thêm thì chỉ dừng lại ở lý thuyết, không biết áp dụng với con mình hiệu quả”, một chuyên gia giáo dục khuyến cáo.
https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/ma-tran-cac-khoa-day-lam-cha-me-thong-thai-khong-it-nguoi-mat-tien-oan-20241031115232993.htm
________
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111
Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.