• 111
  • lang
  • lang

Nâng cao năng lực nhận diện, can thiệp và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại

Trước tình hình trẻ em bị xâm hại còn diễn biến phức tạp. Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức lớp Tập huấn về trợ giúp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại dựa trên sự hiểu biết về sang chấn.

Nhiều trẻ bị xâm hại chưa được tiếp cận với dịch vụ hỗ trợ tâm lý

Theo thống kê, năm 2023 cả nước có trên 25 triệu trẻ em (chiếm tỷ lệ 25,5% tổng dân số), trong đó theo số liệu Bộ Công an, tỷ lệ xâm hại trẻ em năm 2023 toàn quốc xảy ra 2.498 vụ xâm hại trẻ em (tăng 9,2% so với năm 2022), đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em chiếm 82%.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ các cơ quan chức năng và tổ chức xã hội, nhưng hệ thống hỗ trợ trẻ em bị xâm hại ở một số nơi còn chưa đầy đủ. Cơ sở vật chất, dịch vụ tư vấn tâm lý và các chương trình hỗ trợ tái hòa nhập xã hội cho trẻ em bị xâm hại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Một số trẻ bị xâm hại chưa được tiếp cận với dịch vụ hỗ trợ tâm lý hoặc bảo vệ về mặt pháp lý.

Một số trẻ bị xâm hại không được tiếp cận với dịch vụ hỗ trợ tâm lý hoặc bảo vệ về mặt pháp lý (Ảnh minh họa: CV).

Thực tế, xâm hại tình dục trẻ em có thể xảy ra trong các gia đình nghèo, trung lưu hay giàu có, có thể xảy ra bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, đối với trẻ em khỏe mạnh cũng như trẻ khuyết tật, có thể xảy ra với cả bé trai lẫn bé gái.

Đặc biệt, sự phát triển nhanh chóng của internet và các thiết bị thông minh đã tạo ra môi trường mới cho hành vi xâm hại trẻ em. Trẻ em dễ bị lôi kéo, đe dọa hoặc xâm hại qua mạng xã hội (quấy rối tình dục, lừa đảo tình cảm và phát tán hình ảnh, video nhạy cảm), trò chơi trực tuyến và các nền tảng kỹ thuật số đang là vấn đề đáng lo ngại.

Vì vậy, việc trợ giúp trẻ em bị xâm hại là vô cùng quan trọng vì nó không chỉ bảo vệ sự an toàn thể chất mà còn giúp trẻ hồi phục về mặt tâm lý và tinh thần.

Mặt khác, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại đòi hỏi sự hợp tác giữa gia đình, nhà trường, cơ quan chức năng và cộng đồng. Chỉ khi có sự quan tâm và hành động kịp thời, trẻ mới có thể được bảo vệ một cách tốt nhất và hồi phục sau tổn thương.

Lớp tập huấn về trợ giúp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại dựa trên sự hiểu biết về sang chấn với sự tham gia của hơn 400 đại biểu tham dự online (Ảnh: TH).

Hỗ trợ, can thiệp tốt nhất cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại

Nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng trong việc nhận diện, can thiệp và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại một cách hiệu quả, từ ngày 9 đến 11/10, Cục Trẻ em tổ chức lớp Tập huấn về trợ giúp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại dựa trên sự hiểu biết về sang chấn cho đội ngũ cán bộ hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cấp trung ương và cấp tỉnh.

Lớp tập huấn với sự tham dự online của hơn 400 đại biểu từ 267 điểm cầu của 63 tỉnh/thành phố và hơn 30 đại biểu tham dự trực tiếp tại Hà Nội.

Chia sẻ tại buổi tập huấn, Giảng viên Khoa Tâm lý, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Đoàn Thị Hương cho biết, theo quy định tại Điều 1 Luật trẻ em thì trẻ em là người dưới 16 tuổi. Xâm hại tình dục là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm với mọi hình thức (khoản 8 Điều 4 Luật trẻ em 2016).

Xâm hại tình dục bao gồm các hành vi động chạm như sờ mó; giao cấu (quan hệ tình dục); cũng như các hành vi không động chạm như quan sát các hành động tình dục, xem phim khiêu dâm, quay phim chụp ảnh khiêu dâm trẻ.

Các đối tượng có hành vi xâm hại tình dục nêu trên sẽ phạm vào các tội danh được quy định tại Bộ luật hình sự 2015 

 "Hiện nay, ngoài đường dây nóng 111 tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em do Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH quản lý thì người dân có thể gọi đến tổng đài 113 của Cơ quan Công an để hỗ trợ trong trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại", bà Đoàn Thị Hương thông tin.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam phát biểu tại buổi Tập huấn (Ảnh: TH).

Tại lớp tập huấn, báo cáo viên cũng hướng dẫn học viên thực hành các biểu mẫu của Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em.

 Từ đó, giúp cho cán bộ bảo vệ chăm sóc trẻ em ở cơ sở thực hiện tốt các bước trong quy trình hỗ trợ, can thiệp để xử lý các trường hợp trong thực tế được đầy đủ, đúng theo pháp luật và hỗ trợ, can thiệp tốt nhất cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi.

Bên cạnh đó, các đại biểu còn được cung cấp kiến thức về các loại hình sang chấn tâm lý phổ biến, những hệ quả, sang chấn và tổn thương thường gặp ở trẻ em bị xâm hại và gia đình; hướng dẫn về quy trình can thiệp theo quy định của pháp luật; sơ cứu tâm lý, can thiệp khủng hoảng sau khi trẻ bị xâm hại tình dục…

Nhiều câu chuyện, tình huống trẻ bị bạo lực, xâm hại được các đại biểu chia sẻ từ quá trình công tác của mình, từ đó thảo luận để rút ra kinh nghiệm, giúp cho cán bộ bảo vệ chăm sóc trẻ em thực hiện ngày càng tốt hơn quá trình đánh giá tổn thương tâm lý ở trẻ, đánh giá nguy cơ tự tử và tự hại, sơ cứu tâm lý, can thiệp sau khi trẻ bị xâm hại, giáo dục tâm lý cho trẻ em và gia đình…

________

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:   Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111 

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.