• 111
  • lang
  • lang

Ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc với trẻ em trên không gian mạng cần nhanh và hiệu quả hơn

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ngăn chặn, gỡ bỏ nhiều thông tin xấu độc trên các nền tảng mạng xã hội (MXH). Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc xử lý các thông tin này vẫn còn chậm so với tốc độ lan truyền nên tác hại của tin giả, xấu độc còn lớn.

Theo Bộ TT&TT, từ ngày 1-1 đến 30-6-2022, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 1.370 bài viết có nội dung thông tin xấu độc (tỷ lệ 91%). Đặc biệt, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh và nội dung độc hại với trẻ em như: Hội những người vỡ nợ thích làm liều, Hội những người muốn tự tử... Ngoài ra, Google đã gỡ 5.363 video vi phạm trên YouTube (tỷ lệ 95%); TikTok đã chặn, gỡ 182 video vi phạm (tỷ lệ 90%) và tự chủ động rà quét, ngăn chặn 800 video có nội dung xấu độc trên nền tảng của mình.

 Hình ảnh nữ streamer (người phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội) bị cơ quan chức năng xác minh, xử lý vì có lời nói thiếu chuẩn mực, xúc phạm đến một cá nhân. Ảnh chụp màn hình

Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ TT&TT đã cho sử dụng hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia để giám sát, rà quét liên tục 24/7 trên không gian mạng. Qua đó phát hiện và cảnh báo kịp thời cho 63 tỉnh, thành phố các tin giả, thông tin xấu độc liên quan đến từng địa phương để nhanh chóng xử lý. Bộ cũng giao các đơn vị chức năng tăng cường theo dõi giám sát, phát hiện, cảnh báo sớm những thông tin không đúng sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân trên mạng, đặc biệt là trên các nền tảng MXH, đồng thời tiến hành chủ động xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ và đấu tranh yêu cầu gỡ bỏ đối với các nền tảng xuyên biên giới. Nhiều trường hợp người dùng YouTube, Facebook vi phạm như: Kênh YouTube "Hoàng Anh-Timmy" tại TP Hồ Chí Minh; kênh "Hưng blog", "Hưng troll" tại Bắc Giang; kênh "Thơ Nguyễn" tại Bình Dương... đã được Bộ TT&TT phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xử lý.

Tuy nhiên, trước nguồn lợi lớn và dễ kiếm tiền từ các nền tảng MXH, nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng MXH vẫn sử dụng nhiều chiêu trò như ăn theo scandal (bê bối của người nổi tiếng), thông tin sai sự thật... nhằm tăng lượng theo dõi (follow), tương tác để thu hút quảng cáo. Đơn cử như T.A với hàng loạt trang MXH hàng triệu like (lượt thích). Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ một công ty có 4 người, vốn điều lệ 1 tỷ đồng, sau 7 năm, T.A đã tăng vốn lên 12,5 tỷ đồng với trụ sở hoành tráng cùng hàng trăm nhân sự hoạt động đa dạng lĩnh vực như quảng bá truyền thông cho sản phẩm, thương hiệu trên hệ thống fanpage, group Facebook, TikTok, YouTube, Instagram; quảng cáo qua người ảnh hưởng (KOLs), sản xuất video theo các trend (trào lưu, xu hướng) thịnh hành trên MXH. Tuy nhiên, việc lớn mạnh của T.A lại gắn liền với những scandal và sự bức xúc của dư luận.

Gần đây, nhiều nhà báo phản ánh T.A hoạt động như một trang tin điện tử tổng hợp, tờ báo và ngang nhiên khai thác tin, bài với chất xám, công sức, trí tuệ mà không ghi nguồn, dẫn nguồn. Như câu chuyện giữa một diễn viên và doanh nhân xảy ra mới đây, chỉ trong một buổi chiều, trang đã đăng hàng chục bài, hình ảnh đời tư của người khác mà không dẫn nguồn, không ai kiểm chứng... Khi bị phản ứng, T.A đã phải gỡ một số video liên quan đến sự việc. Trước đó, vào năm 2020, fanpage của T.A gây bức xúc dư luận khi đăng tải bài viết cợt nhả, xuyên tạc về vụ án người phụ nữ bị hiếp dâm ở An Giang bằng cách lồng ghép vào vụ án trên những thông tin sai lệch, nói về nạn nhân bằng giọng điệu cợt nhả và bêu riếu, ngược lại hoàn toàn so với thông tin được cung cấp từ cơ quan công an. Bài viết trên đã nhận về hàng chục nghìn tương tác với rất nhiều ý kiến chỉ trích, bất bình. Trước áp lực của dư luận, T.A lên tiếng nhận lỗi nhưng sau đó lại đăng tải hình ảnh ăn mừng fanpage cán mốc 5 triệu người theo dõi, đính kèm với dòng trạng thái đầy ẩn ý: “Mừng rớt nước mắt-cán mốc 5 triệu followers”.

Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), với các nền tảng MXH có thể kết nối hàng tỷ người trên toàn thế giới hiện nay như Facebook, YouTube, TikTok... thì tin giả, thông tin xấu độc ngay lập tức sẽ có hàng nghìn lượt xem, bình luận, chia sẻ... làm cho tin giả tăng theo cấp số nhân. Trong phút chốc, uy tín, danh dự của nhiều người bị bôi xấu, sụp đổ mà không thể giải thích, thanh minh; niềm tin xã hội bị xói mòn, người dân hoang mang, thiệt hại khó có thể đo đếm được.

Tuy thế, việc xử lý tin giả, thông tin xấu độc ở nước ta hiện nay gặp không ít khó khăn do: Đối tượng tán phát thông tin thường xuyên tận dụng những thay đổi, bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức tán phát thông tin; người dân trong nước ngày càng phụ thuộc vào các nền tảng MXH của nước ngoài; một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam vẫn tìm cách né tránh không thực hiện ngăn chặn thông tin xấu độc tại Việt Nam, điển hình là Facebook; việc ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trên Facebook, YouTube và Tik Tok chưa hiệu quả.

Theo PGS, TS Đỗ Chí Nghĩa, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, dù các cơ quan quản lý đã ngăn chặn, xử lý nhưng tin giả, thông tin xấu độc như thuốc độc, đã uống vào rồi mới giải độc thì vẫn có tác hại. Thông tin xấu độc lên mạng, một tiếng sau mới gỡ thì đã lan truyền rất xa, ảnh hưởng rất lớn. Vì thế phải tăng sức đề kháng của người dùng MXH để họ cảnh giác, không hấp thụ, chia sẻ thông tin xấu độc mới là cái gốc giải quyết vấn đề. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng và hiệu quả của báo chí để kịp thời định hướng dư luận. “Chúng ta phải tránh tâm lý sợ nhạy cảm, để trống trận địa cho thông tin độc hại trên MXH mặc sức hoành hành. Bởi suy cho cùng, mọi sự né tránh đều là bất lợi trong bối cảnh thông tin đa dạng, đa chiều hiện nay. Cần khuyến khích báo chí, nhất là báo điện tử vào cuộc, chủ động đề cập đến những vấn đề nóng bằng cách nhìn nhận từ góc độ nghiêm túc, xây dựng để nó không tạo tâm lý hiếu kỳ, bất lợi nữa”-PGS, TS Đỗ Chí Nghĩa chia sẻ.

NGUYỄN ĐỨC

--- 

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn