• 111
  • lang
  • lang

Những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Đuối nước là tình trạng rất thường gặp, xảy ra trong khi tham gia các hoạt động dưới nước. Đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ hè. 

Đuối nước có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, kể cả những người bơi thành thạo cũng có thể bị đuối nước. Nếu không được cấp cứu kịp thời, xử lý đúng cách có thể để lại các tổn thương nặng nề lên tim, phổi, thần kinh, thậm chí gây ngừng tim, ngừng thở và tử vong.

Trẻ em có thể bị đuối nước ở bất cứ đâu, tại nhà, tại trường học, khi theo bố mẹ đi nghỉ mát, trên đường đi học về... Nhưng phổ biến nhất là trẻ rủ nhau tắm, khi một cháu bị đuối nước, các cháu còn lại tìm cách cứu nhau hoặc bám giữ nhau dẫn đến có vụ nhiều cháu tử vong một lúc.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới những tai nạn đuối nước thương tâm là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ...

Mặt khác, tai nạn đuối nước còn do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi. Thực tế đã ghi nhận những trường hợp trẻ đã biết bơi nhưng khi gặp tai nạn vẫn không thể tự cứu mình…

Phải làm gì để không còn những cái chết thương tâm vì đuối nước? Muốn tránh được, giảm được tình trạng chết do đuối nước, theo các chuyên gia, trước hết phải dạy trẻ biết bơi. Cùng với việc học bơi, cần dạy kỹ năng an toàn cho trẻ.

Đó là dạy cho các em các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi. Hoặc giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh.

Khi trẻ có năng sống và kỹ năng ứng phó để tự cứu mình trong những tình huống nguy cấp thì nỗi lo của cha mẹ cũng vơi bớt đi phần nào.

Hơn thế nữa, cần trang bị cho các em những kỹ năng giúp người bị tai nạn đuối nước: cứu người đuối nước bằng cách gián tiếp, thông báo mọi người xung quanh được biết, ném các vật nổi cho nạn nhân, sử dụng các dụng cụ cứu hộ như phao cứu sinh, gậy, dây... để hỗ trợ.

Để phòng chống đuối nước với trẻ em, chuyên gia khuyến nghị, các địa phương cần rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ để chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão và mùa nước nổi.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm thi thể nạn nhân là trẻ em đuối nước. Ảnh: QA

Cụ thể, cần làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm... để nhắc nhở và cảnh báo trẻ em.

Các trường phổ thông cần đưa nội dung về phòng, chống đuối nước, thương tích ở trẻ em vào nhắc nhở thường xuyên trong các buổi sinh hoạt ở lớp, sinh hoạt chào cờ.

Về phía chuyên gia y tế, theo khuyến cáo của bác sĩ Trung, khi gặp nạn nhân bị đuối nước phải nhanh chóng đưa người bệnh lên bờ. Cần bình tĩnh đánh giá tình trạng của người bệnh.

Nếu người bệnh bất tỉnh, có ngừng tim, ngừng thở, cần áp dụng ngay các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn, kiên trì đến khi người bệnh có nhịp tim trở lại thì nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Trên đường đi vẫn phải cấp cứu cho người bệnh để bảo đảm hô hấp và tuần hoàn. Trong trường hợp người người bệnh khi được đưa lên bờ vẫn tỉnh táo, tự thở được, cần lau khô, ủ ấm, đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Sưu tầm

--- 

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616