Thời gian gần đây, nhiều trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước đã tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ đuối nước luôn rình rập, chực chờ.
Mới đây, ngày 28/6, 3 học sinh ở huyện miền núi Đồng Xuân, Phú Yên tử vong do đuối nước.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 9h sáng khi một nhóm 6 em nữ gồm: C.T.D (sinh năm 2014, nữ), C.T.H.D (sinh năm 2016, nữ), N.T.Th (sinh năm 2014, nữ), N.T.Tr (sinh năm 2012, nữ), C.M.K (sinh năm 2017, nam) và Đ.T.V (sinh năm 2015, nữ), cùng trú xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân đến một vực nước ở xã để tắm. Đến khoảng 10 giờ 40 phút cùng ngày, 3 em C.T.D, C.T.H.D và N.T.Th bị đuối nước. Các em còn lại chạy đi báo người dân địa phương và lực lượng Công an đến cứu giúp. Tuy nhiên, 3 em bị đuối nước đã tử vong...
Trước đó, chiều ngày 24/6, cháu B.Đ.T (4 tuổi) là cậu của cháu N.Đ.H (4 tuổi) ở cùng xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) xuống nhà cháu H. chơi.
Tại đây, hai cháu nhỏ rủ nhau ra ao chơi. Đến khoảng 18h30 cùng ngày, mẹ cháu H. không thấy nên lập tức hô hoán mọi người gần đó đi tìm. Quá trình tìm, phát hiện 2 em đã đuối nước tại bờ ao gần nhà.
Riêng tỉnh Thanh Hóa, theo số liệu thống kê từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ tai nạn, thương tích trẻ em, làm tử vong đối với 20 trẻ em. Gần nhất, vào ngày 22/6/2024, tại bãi biển xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa đã xảy ra 1 vụ đuối nước gây tử vong đối với 3 người (trong đó có 1 trẻ em).
Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm có gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước. Nguyên nhân gây ra nhiều vụ đuối nước ở Việt Nam là do môi trường tự nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, thương tích nhất là tai nạn đuối nước trẻ em.
Đuối nước cũng thường gặp vào các tháng mùa hè do thời tiết nắng nóng, đồng thời, thời điểm này trẻ em cũng được nghỉ hè, nhiều gia đình cho trẻ đi bơi tại các bể bơi, đi du lịch biển; trẻ em ở các vùng quê thường có thói quen tắm sông, suối, ao hồ cùng bạn. Hoặc cũng có thể gặp trong nhiều hoàn cảnh như: trẻ không biết bơi vô tình ngã xuống ao hồ, sông suối... thậm chí có thể gặp ở những trẻ bơi rất giỏi nhưng bị chuột rút khi bơi...
Để ngăn chặn đuối nước ở trẻ, Thủ tướng đã ký công điện số 60/CĐ-TTg ngày 22/6/2024 trong đó có việc tăng cường quản lý trẻ em, học sinh trong dịp hè. Theo đó, yêu cầu các cấp, ngành, tổ chức tạo điều kiện để trẻ em được vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh trong dịp hè; phối hợp với gia đình quản lý, giám sát trẻ trong thời gian không đến trường, bảo đảm an toàn, nhất là phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là phòng chống tai nạn đuối nước...
Mặc dù trong thời gian qua, công tác tuyên truyền về phòng ngừa đuối nước đã được đẩy mạnh; nhiều giải pháp phòng ngừa, kỹ năng tránh đuối nước đã được phổ biến để người dân nắm bắt và cảnh giác... nhưng tình trạng đuối nước vẫn xảy ra.
Từ thực tế cần nhận rõ thực trạng nhiều trẻ em còn đang thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối, chưa biết bơi an toàn. Chính điều này khiến các em không nhận biết được môi trường nước nguy hiểm vẫn xuống bơi, không biết cách cứu đuối gián tiếp mà nhảy xuống cứu đuối trực tiếp khi thấy bạn bị đuối nước và dẫn đến tử vong nhiều em cùng một lúc…
Từ đây cần đặt ra những giải pháp cấp bách để ngăn ngừa tình trạng đuối nước. Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), giải pháp ưu tiên hàng đầu là tạo lập môi trường sống an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em, phải có những biển báo, phải có cảnh giới ở khu vực trong cộng đồng mà đã từng xảy ra và có nguy cơ xảy ra đuối nước trẻ em. Cùng với đó là tạo ra môi trường sống an toàn ngay trong chính gia đình của mình. Tăng cường giám sát đối với trẻ em, đặc biệt là trong mùa hè, những ngày nghỉ tết, nghỉ lễ mà trùng với thời gian nắng nóng. Ngoài ra cần mở thêm các lớp giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, đặc biệt là dạy bơi.
Có thể thấy, câu chuyện phòng, chống đuối nước cho trẻ em nếu như không có được sự chung tay của cả cộng đồng thì mỗi dịp hè về sẽ tiếp tục là nỗi ám ảnh. Vì vậy, cấp thiết cần sự chung tay của gia đình, trường học, địa phương phải thực sự nghiêm túc trong việc đào tạo cho trẻ kỹ năng bơi và xử lý tình huống khẩn cấp, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình để mùa hè của con là một mùa tận hưởng.
Nguồn tham khảo:
https://baomoi.com/phong-chong-duoi-nuoc-o-tre-em-khong-the-lo-la-c49505998.epi
____
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.
Tích cực đẩy mạnh việc dạy trẻ kỹ năng bơi và xử lý tình huống dưới nước để phòng chống nguy cơ đuối nước luôn chực chờ.