Ngày 22.10, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức chương trình hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và trẻ em là con của sản phụ nhiễm Covid-19. Tham dự chương trình có bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM; ông Phạm Anh Thắng, Trưởng đại diện văn phòng Bộ LĐ-TB-XH tại TP.HCM; bà Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy Q.1...
Tại chương trình, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết ở đợt dịch Covid-19 thứ 4, TP.HCM đã có trên 415.000 người nhiễm bệnh và hơn 16.000 người tử vong do Covid-19, để lại gần 2.000 trẻ mồ côi cha, mẹ và gần 400 người cao tuổi sống neo đơn do mất con, mất người trực tiếp nuôi dưỡng.
Đồng thời, tính đến ngày 15.10, có 227 trẻ là con của sản phụ nhiễm Covid-19, 48 trẻ em mồ côi cả cha mẹ, người nuôi dưỡng và 1.805 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ (mồ côi một phía).
Chương trình trao hỗ trợ cho trẻ em mồ côi vì Covid-19 và trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 ngày 22.10
Ông Lê Minh Tấn cho hay, chương trình hôm nay (22.10) trao hỗ trợ đại diện cho 85 trẻ em mồ côi vì Covid-19 (hỗ trợ 5 triệu đồng/em) và trẻ em là con của sản phụ nhiễm Covid-19 (hỗ trợ 1 triệu đồng/em) trên địa bàn Q.1, Q.3. Từng quận, huyện và TP.Thủ Đức còn lại sẽ tổ chức trao cho các cháu tại địa phương mình. Kinh phí do Tập đoàn T&T Group và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tài trợ.
Bà Đặng Tố Loan, Giám đốc Ngân hàng SHB chi nhánh TP.HCM, bày tỏ hy vọng chương trình sẽ chung tay cùng cộng đồng, giúp các em vượt qua khó khăn, tiếp tục con đường học hành phía trước.
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, buổi trao hỗ trợ hôm nay (ngày 22.10) nằm trong khuôn khổ chương trình "Huy động nguồn lực chăm lo, hỗ trợ cho người cao tuổi neo đơn và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM”.
Chương trình này chăm lo bằng nhiều nguồn lực. Trong đó, TP.HCM sẽ hỗ trợ căn cứ theo Nghị định 20/2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; vận động các nguồn lực xã hội tham gia nhận phụng dưỡng người cao tuổi neo đơn đến cuối đời và đỡ đầu trẻ em mồ côi cha, mẹ có hoàn cảnh khó khăn đến 18 tuổi...
- Chăm sóc sức khỏe tinh thần, tư vấn tâm lý
- Sức khỏe thể chất, hỗ trợ sữa, dinh dưỡng, lương thực, thực phẩm
- Hỗ trợ ổn định nơi ở và đồ dùng cho sinh hoạt gia đình
- Giáo dục, đỡ đầu học tập đến 18 tuổi học xong phổ thông trung học, phương tiện máy móc thiết bị đồ dùng học tập
- Định hướng nghề nghiệp, học nghề
- Nâng cao kỹ năng sống, chấp nhận thực tế, hòa nhập cộng đồng, xã hội
- Bảo vệ pháp lý, thừa kế tài sản cho người cao tuổi, trẻ em về nhà, đất, xe, tài sản có giá trị khác
- Nhận phụng dưỡng người cao tuổi neo đơn: không còn người thân chăm sóc, nuôi dưỡng
- Thực hiện các hình thức chăm sóc thay thế bởi người thân; bởi cộng đồng nhận chăm sóc nuôi dưỡng; cho nhận nuôi con nuôi và đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.
Báo Thanh niên.