• 111
  • lang
  • lang

Thế nào là hệ thống bảo vệ trẻ em?

Hệ thống bảo vệ trẻ em: Hệ thống BVTE bao gồm tất cả các biện pháp và tổ chức phối hợp với nhau tại địa phương trong công tác bảo vệ trẻ em. Các tổ chức này có thể bao gồm những tổ chức đóng vai trò quan trọng trong phúc lợi xã hội, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cũng như các cơ quan thực thi pháp luật. Các thành phần gồm hệ thống pháp luật, chính sách; Hệ thống tổ chức, cán bộ và hệ thống cung cấp dịch vụ cho trẻ em nhằm hướng tới các can thiệp toàn diện, bền vững bảo đảm sự an toàn của trẻ em và thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, trong những điều kiện cụ thể.

Hệ thống bảo vệ trẻ em được cấu thành bởi ba hợp phần cơ bản gồm: Hệ thống pháp lý và các quy định về bảo vệ trẻ em; Hệ thống phúc lợi xã hội cho trẻ em và đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em:

Hệ thống pháp lý và các quy định về bảo vệ trẻ em: Luật pháp chính sách liên quan đến bảo vệ trẻ em ở Việt Nam, được thể hiện dưới 2 dạng cơ bản: Các văn bản luật: Hiến pháp, bộ luật, Luật (Luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Lao động, Luật Phòng chống bạo lực gia đình,…) và Các văn bản dưới luật: Nghị định, Quyết định, Chỉ thị, Thông tư hướng dẫn, các văn bản quy phạm pháp luật khác của ngành, địa phương quy định cụ thể các biện pháp thi hành luật, các quy trình, quy chuẩn BVTE...

Hệ thống phúc lợi xã hội cho trẻ em: Hệ thống phúc lợi xã hội bảo vệ trẻ em là một phần của hệ thống phúc lợi xã hội nói chung dành cho toàn bộ người dân, đảm bảo cung cấp các dịch vụ cho trẻ em và gia đình nhằm đáp ứng các nhu cầu an toàn, bảo vệ và phát triển cho mọi trẻ em, ưu tiên các nguồn lực cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Hệ thống phúc lợi xã hội cho trẻ em gồm các chính sách trợ giúp xã hội đối với trẻ em; các mô hình chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các dịch vụ xã hội cho trẻ em nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ trẻ em ở cả ba cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.

Cụ thể, các dịch vụ hỗ trợ chung và chuyên sâu gồm có:

- Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần can thiệp;

- Nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em;

- Hỗ trợ đoàn tụ gia đình, hòa nhập trường học, cộng đồng cho trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;

- Tư vấn, cung cấp kiến thức cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục hòa nhập cho trẻ em thuộc nhóm đối tượng này;

Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em: Theo quy định hiện hành có đội ngũ cán bộ làm về công tác BVTE ở trong các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em, được chia thành bốn cấp: Cấp trung ương (Ủy ban quốc gia về trẻ em), Cấp tỉnh (Ban chỉ đạo bảo vệ trẻ em cấp tỉnh), Cấp huyện (Ban chỉ đạo bảo vệ trẻ em cấp huyện), Cấp xã (Nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã). Trong đó, Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác trẻ em; Điều phối việc thực hiện quyền trẻ em; Bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; Các cơ quan, tổ chức khác có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Lao động - Thương binh và xã hội trong thực hiện hoạt động bảo vệ trẻ em.

Đội ngũ làm công tác bảo vệ trẻ em cần được đào tạo chuyên môn về Công tác xã hội và tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực làm việc với trẻ em, là người nắm chắc hệ thống luật pháp chính sách, mô hình, dịch vụ xã hội cho trẻ em đồng thời có kỹ năng thực hành trong việc trực tiếp can thiệp bảo vệ trẻ em hoặc tham mưu phối hợp với các cơ quan trong các hoạt động BVTE. Hiện nay đội ngũ làm về công tác BVTE còn nhiều bất cập, vừa thiếu vừa chưa được đào tạo về chuyên môn, đặc biệt là trong thực hiện bảo vệ trẻ em ở cấp xã/ phường thị trấn còn thiếu đội ngũ chuyên trách về BVTE

Nguồn tham khảo: ChildFund Việt Nam

Link tải tải liệu: Bảo vệ trẻ em

__

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:

- Gọi điện đến Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111

- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:Các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo: Tổng đài 111
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111 
+ Youtube: Tổng đài 111

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.