I. Dân số trẻ em
Dân số trẻ em là 24.776.733 em (chiếm 25,75% trên tổng dân số), trong đó trẻ em nam là 12.915.365 em (chiếm 52% trên tổng dân số trẻ em), trẻ em nữ là 11.861.368 (chiếm 48% trên tổng dân số trẻ em) (Nguồn: Tổng Cục Thống kê (theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 01/4/2019 -công bố ngày 19/12/2019)).
Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em có xu hướng giảm, đến cuối năm 2020 còn khoảng 7% (năm 2019 là 7,16%) (Báo cáo Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố năm 2020.)
II. Tình hình thực hiện quyền trẻ em
Năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, việc thực hiện quyền trẻ em đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và đã có những chuyển biến tích cực. Việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em theo đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước và các chuẩn mực quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng.
1. Về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng
Trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em dân tộc thiểu số tại địa bàn đặc biệt khó khăn được cấp hoặc hỗ trợ một phần kinh phí để mua thẻ bảo hiểm y tế, được khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe.
Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng theo tuổi) giảm còn 12,3% năm 2019 (năm 2018 là 13,2%) (Nguồn: Báo cáo của Bộ Y tế.).
Các chỉ tiêu cơ bản về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em phản ánh khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đều đạt độ bao phủ phổ cập và duy trì chất lượng dịch vụ. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống giảm từ 14,3 năm 2018 xuống 14,0 năm 2019. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống giảm từ 21,4 năm 2018 xuống 21,0 năm 2019 (Nguồn: Báo cáo của Bộ Y tế.)
Số trẻ em tử vong do đuối nước giảm qua các năm, tuy nhiên vẫn còn ở mức độ cao, theo tổng hợp từ báo cáo của Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố, số trẻ em tử vong do đuối nước năm 2020 và giai đoạn 2016-2020 như sau:
Tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi tăng từ dưới 30% trong năm 2016 lên khoảng 35% trong năm 2019 (Nguồn: Bộ VHTTDL năm 2019). Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2020 đã được triển khai trên toàn quốc, tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số lượng trẻ em học bơi và các lớp dạy bơi giảm so cùng kỳ với năm 2019 (Nguồn: Bộ VHTTDL năm 2020.).
2. Về giáo dục
Năm 2020 các chỉ tiêu về giáo dục cho trẻ em đạt được một số kết quả quan trọng:
Về giáo dục mầm non: Tổng số học sinh trên 5 triệu trẻ em (tăng 2,2% so với năm 2019), trong đó có trên 4 triệu trẻ em trường công lập (giảm 1.2% so với năm 2019) và trên 900 nghìn trẻ em trường ngoài công lập (tăng 18,5% so với năm 2019). 100% các tỉnh, thành phố đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi.
Về giáo dục tiểu học: Tổng số học sinh trên 8,7 triệu trẻ em (tăng 2,6% so với năm 2019), trong đó có trên 8,6 triệu trẻ em trường công lập (tăng 2,4% so với năm 2019) và trên 121 nghìn trẻ em trường ngoài công lập (tăng 16,3% so với năm 2019).
Về giáo dục trung học cơ sở: Tổng số học sinh trên 5,6 triệu trẻ em (tăng 3,4% so với năm 2019), trong đó trên 5,5 triệu trẻ em trường công lập (tăng 3,2% so với năm 2019) và trên 77 nghìn trẻ em trường ngoài công lập (tăng 23,2% so với năm 2019).
Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên cả nước có nhiều chuyển biến tích cực; số trẻ em độ tuổi đi học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều tăng so với năm học 2018-2019, góp phần quan trọng trong việc tiếp cận giáo dục, bảo đảm quyền được giáo dục và học tập của trẻ em.
Một số vấn đề trong môi trường học đường được dư luận quan tâm trong năm 2020 và giai đoạn 2016-2020: Tình trạng bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em trong trường học trong đó có những vụ việc nghiêm trọng gây bức xúc và lo lắng trong xã hội; tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo; việc đưa đón, học sinh của một số trường tư thục còn lỏng lẻo, bỏ quên học sinh trên phương tiện giao thông dẫn đến tử vong hoặc một số trường hợp phương tiện cũ nát không bảo đảm an toàn.
3. Về văn hóa, vui chơi giải trí
Luật Thư viện đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8, trong đó có những nội dung cụ thể quy định về quyền sử dụng thư viện của trẻ em, góp phần để trẻ em được tiếp cận thông tin, sử dụng thư viện và tham gia các hoạt động, dịch vụ thư viện phù hợp lứa tuổi. Hiện nay, hệ thống thư viện phục vụ trẻ em dần được kiện toàn, phát triển rộng khắp, bao gồm các thư viện thiếu nhi; phòng đọc phục vụ thiếu nhi trong các thư viện công cộng cấp tỉnh, huyện; thư viện thuộc các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông; thư viện tư nhân; thư viện trong các cung văn hóa, nhà văn hóa.
Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở các cấp được quan tâm và cơ bản thực hiện tốt vai trò, chức năng hoạt động (67 thiết chế văn hoá cấp tỉnh; 683 Trung tâm Văn hoá, Thể thao cấp huyện đạt tỷ lệ 95%; 7.194 Trung tâm Văn hoá, Thể thao cấp xã, đạt tỷ lệ 65,7% và có 75.327Nhà văn hoá cấp thôn, bản đạt tỷ lệ 74% (Nguồn: Bộ VHTTDL năm 2020).), đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, nhu cầu vui chơi giải trí của các tầng lớp nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng đến đối tượng là trẻ em.
Đối với các vùng dân tộc thiếu số, miền núi hạ tầng kỹ thuật phát thanh truyền hình, thông tin liên lạc được quan tâm đầu tư, đến nay đã phủ sóng phát thanh được trên 90% và sóng truyền hình đạt gần 80%; 98.7% số xã có bưu điện văn hóa xã (Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch)
4. Về bảo vệ trẻ em
Năm 2020, thống kê toàn quốc phát hiện 2.209 đối tượng xâm hại trẻ em (giảm 110 đối tượng so với năm 2019), xâm hại 2.008 em (giảm 109 em so với năm 2019); trong đó xâm hại tình dục trẻ em là 1.583 đối tượng, xâm hại 1.576 em; trẻ em bị xâm hại dưới các hình thức khác là 626 đối tượng xâm hại 432 trẻ em (Báo cáo số 1159/BC-BCNDA4 ngày 15/12/2020 của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an.).
Theo kết quả khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2018 (công bố tháng 12 năm 2020) tổng số lao động trẻ em từ 5 đến 17 tuổi là 1.031.944 em, chiếm tỷ lệ 5,36% trẻ em trong độ tuổi 5-17, giảm 4,24% so với kết quả khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em có xu hướng giảm, dự kiến đến cuối năm 2020 còn khoảng 7% (năm 2019 là 7,16%). Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp tăng hằng năm, ước thực hiện đến cuối năm 2020 đạt 72% (năm 2019 là 70%).
Nâng cao tỷ trẻ em được đăng ký khai sinh đúng hạn, hạn chế mức thấp nhất trẻ em không được đăng ký khai sinh, bảo đảm quyền được xác định cha, mẹ, xác định người giám hộ theo quy định của pháp luật. Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em được hình thành và phát triển.
5. Về quyền tham gia của trẻ em
Các bộ, ngành và một số địa phương quan tâm tạo điều kiện để trẻ em có nhiều cơ hội bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình về các vấn đề của trẻ em tại các Diễn đàn trẻ em các cấp (Từ năm 2017-2020 có 17.511 Diễn đàn trẻ em các cấp (trong đó Trung ương: 02; cấp tỉnh: 232; cấp huyện: 4.647; cấp xã: 12.630) với 1.767.875 lượt trẻ em tham gia(Nguồn: Cục Trẻ em - Bộ LĐTBXH).). Việc thăm dò ý kiến trẻ em (Hệ thống Đoàn, Đội trong cả nước đã tổ chức 5.632 hoạt động lấy ý kiến trẻ em, tiếp nhận 93.163 lượt ý kiến của trẻ em (Nguồn: TW Đoàn TNCS HCM năm 2020). Một số tỉnh đã tổ chức các cuộc gặp mặt giữa đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và trẻ em: Trà Vinh (2018), Long An (2018-2019), Cà Mau (2019), Quảng Trị (2019), HưngYên (2019), riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức đại diện Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhândân gặp mặt, đối thoại với trẻ em hằng năm (Nguồn: - Cục Trẻ em - Bộ LĐTBXH năm 2020).), Hội đồng trẻ em (14 tỉnh, thành phố đã thành lập mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh gồm: Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Kon Tum, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, An Giang, Đồng Nai; 05 tỉnh, thành phố đã thành lập được 12 Hội đồng trẻ em cấp huyện gồm: Thành phố Lạng Sơn, huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn); thành phố Tam Kỳ, huyện Điện Bàn, huyện Nông Sơn, huyện Đại Lộc, huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam); huyện Mèo Vạc, huyện Xín Mần (Hà Giang); thành phố Bến Tre, huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre), quận 10 (Thành phố Hồ Chí Minh) (Nguồn: Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh)), các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng được thí điểm thực hiện và mở rộng. Các câu lạc bộ quyền trẻ em (Có 35.118 Câu lạc bộ quyền trẻ em (Nguồn: Cục Trẻ em - Bộ LĐTBXH)), nhóm trẻ em nòng cốt được duy trì ở nhiều nơi. Sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em đã tác động tích cực đến quá trình xây dựng pháp luật, chính sách của một số cơ quan trung ương, chính quyền địa phương. Quyền tham gia của trẻ em đã được lồng ghép trong các hoạt động tuyên truyền nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.