• 111
  • lang
  • lang

Toạ đàm trực tuyến “SNET – Online chuẩn, Mùa hè vui”.

Hà Nội, ngày 06.6.2021 – Cục Trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em (CRG) thực hiện toạ đàm trực tuyến “SNET – Online chuẩn, Mùa hè vui” với sự hỗ trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế (Save the Children). Sự kiện nằm trong khuôn khổ Tháng Hành động Vì trẻ em năm 2021 với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em – Bảo vệ trẻ trong thiên tai, dịch bệnh”.

 

Các diễn giả tham gia diễn đàn

Trước tác động của đại dịch COVID-19, trẻ em đã và đang trải qua một mùa hè đặc biệt: không du lịch, không vui chơi ngoài trời, không gặp gỡ bạn bè,… mà chỉ có thể ở trong nhà. Khi ở nhà nhiều và thiếu sự tương tác trực tiếp, trẻ em có xu hướng sử dụng internet nhiều hơn so với thời gian trong năm học. Bên cạnh những mặt tích cực, việc sử dụng Internet quá nhiều cũng ảnh hướng xấu tới sức khoẻ thể chất và tinh thần của trẻ em. Trẻ cũng gặp những nguy cơ mất an toàn trên Internet như: bị lừa đảo, bị đánh cắp mật khẩu, thông tin cá nhân, bị quấy rối, xâm hại, bắt nạt trên mạng,… trẻ em chưa có cái nhìn cũng như kiến thức đầy đủ về Internet, sẽ rất khó để các em có thể tự nhận biết những rủi ro, nguy hiểm để tự phòng tránh.

Toạ đàm “SNET – Online chuẩn, Mùa hè vui” được phát sóng vào lúc 15 giờ trên các Fanpage: MSD Vietnam, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em và Lan toả yêu thương nhằm chia sẻ cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ các kiến thức và cách thức bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên không gian mạng. Toạ đàm có sự tham gia của các diễn giả:
– Bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
– Ông Hoàng Minh Tiến – Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông
– Bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng MSD, Chuyên gia Giáo dục kĩ năng số
– Anh Lê Xuân Đức – Chủ Facebook Bố Con Sâu

Dưới sự điều phối của bà Trần Vân Anh – Giám đốc Chương trình Viện MSD, các diễn giả đã chia sẻ những hoạt động, nỗ lực của các bên liên quan để xây dựng môi trường mạng lành mạnh cho trẻ em, cũng như những cách thức để các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ đồng hành cùng trẻ sử dụng Internet an toàn và hiệu quả.
Chương trình quốc gia bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng – Để thực hiện được cần sự chung tay của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là gia đình

 

Ông Hoàng Minh Tiến – Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin

(tham dự trực tuyến)

Vào ngày 01.6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Chia sẻ thêm về Chương trình, ông Hoàng Minh Tiến cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng ta có một chương trình hành động quốc gia để bảo vệ trẻ em trên môi trường Internet. Chương trình có một số điểm đặc biệt: đầu tiên đó là chương trình liên ngành, đa ngành với sự tham gia của tất cả các bên liên quan tới trẻ em từ chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường, v.v. , có thể nói đây là nỗ lực chung tay của cả hệ thống để hỗ trợ và bảo vệ trẻ em. Thứ hai, chương trình chú trọng lấy trẻ em làm trung tâm, chúng tôi mong muốn có thể cung cấp cho trẻ em bộ kỹ năng số – một bộ miễn dịch số giúp trẻ em có thể tương tác lành mạnh và được bảo vệ trên môi trường mạng.”

Về vấn đề nhiều nội dung độc hại đang tràn lan trên Internet hiện nay, ông Tiến chia sẻ: “Chúng tôi ước tính đến 99% các nội dung đều được kiểm duyệt trước khi đưa lên các kênh mạng. Tuy nhiên, việc kiểm duyệt nội dung còn là sự phối hợp giữa nền tảng và các cơ quan chức năng. Ngoài ra, chúng ta cũng có trách nhiệm nâng cao nhận thức và đạo đức cho người sử dụng và trẻ em trên môi trường mạng. Người sản xuất nội dung phải chú ý nội dung phải phù hợp với tâm sinh lý của trẻ, phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Điều trên hết tôi cũng nhấn mạnh, đó là vai trò của gia đình làm lá chắn cho trẻ.”

 

Bà Nguyễn Thị Nga – Cục trưởng Cục Trẻ em 

Chia sẻ về việc áp dụng chương trình quốc gia trong thực tiễn bảo vệ trẻ em, bà Nguyễn Thị Nga cho biết: “Nội dung bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là một trong những chương trình mà Cục Trẻ em quan tâm. Trong thực tiễn, gần đây Cục trẻ em đã nhận được khá nhiều các thắc mắc, đặc biệt trong riêng tháng 5 có tới 40 cuộc gọi liên quan tới vẫn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, đồng thời cũng đã có hơn 30 cuộc gọi để phản ánh về những kênh, các clip có nội dung không phù hợp với trẻ em trên mạng. Những thông tin này đã nhanh chóng được Tổng đài 111 chuyển đến các cơ quan chức năng để ngay lập tức xử lý. Với việc Chương trình quốc gia được phê duyệt, chắc chắn sự phối hợp giữa các bên liên quan, đặc biệt của một Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ hiệu quả, nhanh chóng, quyết liệt hơn, không chỉ dựa vào nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn cả các tổ chức xã hội, trung tâm công tác xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình và nhà trường. Rất nhiều kênh, tổ chức và cá nhân khác nhau, dù chưa có tên trong mạng lưới, nếu có những kiến nghị hay bắt gặp những nội dung không phù hợp, thì đều có trách nhiệm báo cáo, phản ánh để góp phần nỗ lực chung tay bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.”

 

Anh Lê Xuân Đức (bên phải)

Bình luận về việc thành lập mạng lưới, anh Lê Xuân Đức, Facebook Bố con Sâu cho biết “Là một phụ huynh, biết tới thông tin về chương trình quốc gia và mạng lưới, tôi thực sự ấn tượng vì cách tiếp cận là tôn trọng quyền của trẻ và có các chương trình hỗ trợ cha mẹ đồng hành cùng con cái. Đồng thời, cũng là người sáng tạo nội dung, tôi thấy mình và những người sáng tạo nội dung cần có trách nhiệm trong việc trau dồi kiến thức, hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia xây dựng các chương trình có tính giáo dục, thẩm mỹ tích cực, hướng thiện cho thế hệ trẻ, con em mình được thụ hưởng."

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD chia sẻ: “Để chương trình quốc gia có thể thành công, vai trò của trẻ em và gia đình là rất lớn. Trước hết, phụ huynh cần biết tôn trọng quyền sử dụng internet của trẻ. Đúng theo tinh thần của Chương trình quốc gia, gia đình đóng vai trò đồng hành cùng trẻ để trẻ em có thể tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng. Thay vì việc chỉ trông chờ các cơ quan quản lý nhà nước “thanh lọc” môi trường mạng, trẻ em và gia đình có thể chủ động trong việc học hỏi và xây dựng các kiến thức, kỹ năng, tạo sức đề kháng cho bản thân trước các thông tin xấu độc, chương trình không phù hợp, sai lệch hay các lừa đảo trên mạng. Ngoài ra, gia đình có thể sử dụng quyền lực mềm của mình để báo cáo các kênh, chương trình không phù hợp để đào thải các chương trình này, không có cầu ắt sẽ giảm cung.”

Thêm vào đó, bà Linh cũng chia sẻ thêm thông tin hữu ích cho gia đình “Nếu ta muốn loại bỏ những chương trình không phù hợp, thay vì ồ ạt chỉ trích, sẽ dẫn đến việc các phần mềm AI – trí tuệ nhân tạo của các nền tảng nhầm là chúng ta quan tâm chủ đề này và sẽ hiện thị nhiều hơn, thì chúng ta nên nói nhiều đến những thứ tốt đẹp, tích cực trên môi trường mạng, giúp nội dung này được ưa chuộng – đó là cách “thanh lọc” tự nhiên của người dùng.”

 

Đồng hành cùng con “Online chuẩn, mùa hè vui” không thể hời hợt

Trong toạ đàm, các diễn giả cũng chia sẻ và trả lời các câu hỏi của khán giả xem Livestream về các phương pháp, cách thức đồng hành với con trên môi trường mạng.
Anh Lê Xuân Đức chia sẻ “Cá nhân tôi không cấm con xem Internet, xem Youtube, tuy nhiên sẽ đồng hành cùng con bằng cách cho con xem trong 1 khoảng thời gian nhất định và cân nhắc về những kênh con sẽ được xem. Thực ra hiện nay các nền tảng, thiết bị công nghệ đều cho phép người dùng cài đặt, thiết lập các tính năng để quản lý hoạt động sử dụng Internet của các con. Ngoài ra, bố mẹ nên trò chuyện với con về Internet nhiều hơn, chỉ cho con biết những rủi ro con có thể sẽ gặp phải trên mạng Internet, con nên làm gì khi rơi vào tình huống đó, để nếu không may con gặp phải thì sẽ không bị lúng túng, hoang mang.”

Bố Sâu cũng kể chuyện về một trải nghiệm của bé Sâu khi xem một chương trình không phù hợp khiến con sợ hãi, sau đó bố con đã cùng nói chuyện để con giải toả nỗi sợ và phân biệt các chương trình nên xem và không nên xem. Với chia sẻ này của bố Sâu, rất nhiều các khán giả cũng đồng tình với việc họ lúng túng không biết xử lý thế nào với việc phát hiện con xem các chương trình không phù hợp.

Đồng tình với phương pháp của bố Sâu và có lời khuyên với các khán giả, chuyên gia Nguyễn Phương Linh chia sẻ “Việc đồng hành với trẻ là vô cùng quan trọng và không thể hời hợt, mỗi độ tuổi, bố mẹ cần tìm hiểu cách đồng hành với con. Cấm đoán không bao giờ là giải pháp để bảo vệ con vì trẻ em sinh ra trong thời đại công nghệ số. Cấm đoán thường có tác dụng ngược khiến trẻ có thể tò mò mà lén lút, tự tìm hiểu càng dễ gặp rủi ro, và nếu gặp rủi ro lại không dám nói với bố mẹ vì sợ bị mắng, mắc lỗi. Do đó, điều tiên quyết là cha mẹ nên tôn trọng con, cùng con tìm hiểu các lợi ích và rủi ro trên môi trường mạng, cùng con phân tích lợi hại, cách xử lý tình huống để tăng tư duy phản biện của con.”

Tư vấn cho phụ huynh khi bắt gặp con xem chương trình không phù hợp, bà Linh khuyên “Phụ huynh không nên ngay lập tức nóng giận, phản ứng thái quá, mắng mỏ trẻ hoặc tịch thu thiết bị công nghệ, điều cần thiết là bình tĩnh nói chuyện, hỏi con xem lý do con xem các chương trình không phù hợp, vào nhóm chat kín, cũng như cảm xúc của con khi thực hiện điều này, v.v. Phụ huynh hãy cùng con phân tích và hướng dẫn để tự con đưa ra các giải pháp phù hợp, chính con là người giải quyết vấn đề mới có tác dụng lâu dài. Đương nhiên, nếu vấn đề đã nghiêm trọng cần các cơ quan chức năng vào cuộc thì phải báo ngay với các cơ quan chức năng.”

Đồng hành cùng con “Online chuẩn, mùa hè vui” không thể hời hợt

Trong toạ đàm, các diễn giả cũng chia sẻ và trả lời các câu hỏi của khán giả xem Livestream về các phương pháp, cách thức đồng hành với con trên môi trường mạng.
Anh Lê Xuân Đức chia sẻ “Cá nhân tôi không cấm con xem Internet, xem Youtube, tuy nhiên sẽ đồng hành cùng con bằng cách cho con xem trong 1 khoảng thời gian nhất định và cân nhắc về những kênh con sẽ được xem. Thực ra hiện nay các nền tảng, thiết bị công nghệ đều cho phép người dùng cài đặt, thiết lập các tính năng để quản lý hoạt động sử dụng Internet của các con. Ngoài ra, bố mẹ nên trò chuyện với con về Internet nhiều hơn, chỉ cho con biết những rủi ro con có thể sẽ gặp phải trên mạng Internet, con nên làm gì khi rơi vào tình huống đó, để nếu không may con gặp phải thì sẽ không bị lúng túng, hoang mang.”
Bố Sâu cũng kể chuyện về một trải nghiệm của bé Sâu khi xem một chương trình không phù hợp khiến con sợ hãi, sau đó bố con đã cùng nói chuyện để con giải toả nỗi sợ và phân biệt các chương trình nên xem và không nên xem. Với chia sẻ này của bố Sâu, rất nhiều các khán giả cũng đồng tình với việc họ lúng túng không biết xử lý thế nào với việc phát hiện con xem các chương trình không phù hợp.

Đồng tình với phương pháp của bố Sâu và có lời khuyên với các khán giả, chuyên gia Nguyễn Phương Linh chia sẻ “Việc đồng hành với trẻ là vô cùng quan trọng và không thể hời hợt, mỗi độ tuổi, bố mẹ cần tìm hiểu cách đồng hành với con. Cấm đoán không bao giờ là giải pháp để bảo vệ con vì trẻ em sinh ra trong thời đại công nghệ số. Cấm đoán thường có tác dụng ngược khiến trẻ có thể tò mò mà lén lút, tự tìm hiểu càng dễ gặp rủi ro, và nếu gặp rủi ro lại không dám nói với bố mẹ vì sợ bị mắng, mắc lỗi. Do đó, điều tiên quyết là cha mẹ nên tôn trọng con, cùng con tìm hiểu các lợi ích và rủi ro trên môi trường mạng, cùng con phân tích lợi hại, cách xử lý tình huống để tăng tư duy phản biện của con.”

Tư vấn cho phụ huynh khi bắt gặp con xem chương trình không phù hợp, bà Linh khuyên “Phụ huynh không nên ngay lập tức nóng giận, phản ứng thái quá, mắng mỏ trẻ hoặc tịch thu thiết bị công nghệ, điều cần thiết là bình tĩnh nói chuyện, hỏi con xem lý do con xem các chương trình không phù hợp, vào nhóm chat kín, cũng như cảm xúc của con khi thực hiện điều này, v.v. Phụ huynh hãy cùng con phân tích và hướng dẫn để tự con đưa ra các giải pháp phù hợp, chính con là người giải quyết vấn đề mới có tác dụng lâu dài. Đương nhiên, nếu vấn đề đã nghiêm trọng cần các cơ quan chức năng vào cuộc thì phải báo ngay với các cơ quan chức năng.”

 

Giải đáp các thắc mắc của phụ huynh về việc không biết học kỹ năng cho cha mẹ thời đại số ở đâu, bà Nga cho biết “Trong thời gian đại dịch khó có các lớp học trực tiếp, nhưng cha mẹ thời đại số cũng cần tự trang bị những kiến thức cho mình. Cục Trẻ em và các tổ chức xã hội cũng đã nỗ lực để biên soạn rất nhiều các tài liệu mẫu, cẩm nang, clip hướng dẫn cha mẹ có thể tìm hiểu và đọc từ các nguồn chính thống, đặc biệt trên Website và Facebook Page của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Truyền hình vì trẻ em hay các page của MSD, Lan toả yêu thương, v.v. Ngoài ra, nếu có bất kỳ khúc mắc gì, cha mẹ có thể gọi điện đến Tổng đài quốc gia 111 miễn phí 24/7, ngoài ra có ứng dụng 111 cũng có thể tải về, tin nhắn trên Facebook Page của Tổng đài quốc gai 111 hay Zalo 111. Rất nhiều kênh để cha mẹ có thể tìm hiểu, học hỏi, nhờ tư vấn và báo cáo để hỗ trợ bảo vệ con em mình.”

Ngoài ra, các diễn giả cũng chia sẻ rất nhiều các công cụ và phương pháp cha mẹ có thể cùng đồng hành với con trong kỳ nghỉ hè hữu ích như: nói chuyện hỏi han con hàng ngày, cho con thực hiện thử thách tự sử dụng công nghệ tìm hiểu và lợi ích và rủi ro trên môi trường mạng, đặt ra các tình huống chơi trò sắm vai hoặc xử lý tình huống có thể gặp phải trên môi trường mạng, lập 1 hợp đồng an toàn mạng cho cả gia đình, v.v. Tẩt cả diễn giả đều thống nhất, cả trẻ em và gia đình cần học hỏi các kiến thức và kỹ năng số thiết yếu. Những quy định về hành vi, chuẩn mực trong cuộc sống thật cũng nên được áp dụng cho môi trường ảo để các em có thể trở thành những công dân số chuẩn, có trách nhiệm.

Khép lại toạ đàm, Bà Trần Vân Anh – Giám đốc Chương trình Viện MSD đã chia sẻ thông điệp: Trẻ em chính là những công dân số làm chủ công nghệ. Để có 1 mùa hè an toàn, lành mạnh “Online chuẩn, mùa hè vui", các gia đình hãy áp dụng công thức SNET bao gồm: SAFE (an toàn): Sử dụng mạng xã hội an toàn – SMART (thông minh): Sử dụng mạng xã hội thông minh – SUPERB (tuyệt vời): Cùng xây dựng mạng xã hội tuyệt vời để bất cứ ai cũng có thể ghi nhớ và chung tay kiến tạo mạng Internet an toàn, lành mạnh.

Xem lại chương trình tại đây:

https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org/videos/307967284245601

 

Bà Trần Vân Anh Giám đốc chương trình MSD (bên trái)

Tháng Hành động Vì trẻ em năm 2021 bao gồm các hoạt động truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông mạng xã hội. Xuyên suốt Tháng Hành động, Cục Trẻ em phối hợp với MSD và Mạng lưới CRG sẽ thường xuyên chia sẻ những bài viết, hình ảnh, video, toạ đàm trực tuyến với chuyên gia,… nhằm cung cấp cho các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, người chăm sóc trẻ những thông tin hữu ích xoay quanh các chủ đề như: Chăm sóc trẻ em trong khu cách ly, Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em, Đồng hành cùng trẻ sử dụng Internet an toàn và hiệu quả, Giáo dục tích cực và Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong gia đình,… nhằm hướng tới mục tiêu mang lại một mùa hè an toàn và vui vẻ trong thời gian dịch bệnh cho trẻ em. Các thông tin sẽ được đăng tải trên Fanpage Lan toả yêu thương, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em và nhóm Chuyện nhà mình – Hành trình cùng con khôn lớn.

Về Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, MSD nỗ lực hành động vì một môi trường phát triển thuận lợi cho sự phát triển của khối các tổ chức xã hội và thúc đẩy việc thực hiện quyền của các nhóm cộng đồng bị lề hoá và dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật. Hiện nay, MSD được công nhận là một tổ chức đi đầu trong việc phối hợp, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ nâng cao năng lực, đào tạo và tham vấn cho các tổ chức xã hội tại Việt Nam. Thêm vào đó, MSD cũng là một tổ chức chuyên nghiệp đáp ứng hiệu quả nhu cầu và bảo vệ quyền của các cộng đồng yếu thế, bao gồm thúc đẩy bình đẳng giới, thông qua các chương trình, dự án và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, người nhập cư và người khuyết tật, v.v… tại Việt Nam.

Xem thêm: 10 thông điệp truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2021.

Các tọa đàm trực tuyến nằm trong chuỗi sự kiện Tháng hành động Vì trẻ em năm 2021:

Tọa đàm trực tuyến “Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid – 19”

Toạ đàm trực tuyến “Nghỉ hè vui và an toàn cho mọi trẻ em”

Toạ đàm trực tuyến “Ước mơ của con - Kỳ vọng của cha mẹ” 

---

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061