Kiếm tiền sớm, trẻ có thể học được tính tự lập, kỹ năng quản lý tài chính, khả năng giao tiếp và giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, các em cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Trẻ em kiếm tiền dễ hay khó?
Ngày nay, không hiếm trường hợp học sinh trung học hoặc nhỏ tuổi hơn đã có thu nhập từ việc làm thêm. Một số em kiếm tiền từ các công việc như làm mẫu ảnh, biểu diễn nghệ thuật, bán hàng trực tuyến, làm gia sư hoặc hỗ trợ việc nhà...
Nhiều phụ huynh ủng hộ trẻ kiếm tiền sớm để tăng tính tự lập, tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với những thách thức về cân bằng cuộc sống và bảo vệ con trước những mối nguy tiềm ẩn từ xã hội.
Trẻ em dễ bị lừa đảo qua mạng. Ảnh minh họa: Thu Hằng
Phương Anh (15 tuổi, sống tại TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) bắt đầu biết kiếm tiền từ năm 10 tuổi. Nhận thấy các bạn thích sưu tầm card (thẻ ảnh) các ca sĩ và diễn viên Kpop, em đã mượn tài khoản trên sàn thương mại điện tử của mẹ để săn sale các card này vào những dịp đặc biệt.
Phương Anh mua với số lượng lớn để được giảm giá sâu và miễn phí ship, sau đó tách lẻ bán cho các bạn. Mỗi tấm card, em có thể lãi 1.000 - 2.000 đồng.
Sau đó, em còn nhập các loại bút, giấy ghi nhớ, sổ tay mini, đồ lưu niệm về bán. Giá bán của em luôn thấp hơn một chút so với các cửa hàng xung quanh trường học.
Công việc kinh doanh khá thuận lợi cho đến khi Phương Anh bị lừa. Phương Anh chuyển tiền trước nhưng không nhận được hàng. Người bán là một học sinh ở Hà Nội và cả hai chưa từng gặp nhau ngoài đời thực.
Không chỉ Phương Anh, rất nhiều trẻ khác cũng bị người bán hàng này lừa. Cả nhóm đã phải nhờ đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để được hỗ trợ về pháp lý.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã hướng dẫn các em viết đơn trình báo công an với chữ ký của người giám hộ (là cha mẹ hoặc người thân).
Tuy nhiên, chỉ có vài em viết đơn, vì một số em sợ bố mẹ mắng hoặc một số em bố mẹ biết sự việc nhưng họ cho rằng việc kiện cáo rất mệt mỏi và mất thời gian nên không tham gia. Cuối cùng, Phương Anh cũng đòi lại được tiền của mình với sự trợ giúp của luật sư và bố mẹ.
Ít tuổi, thiếu kinh nghiệm sống, thiếu sự hiểu biết về pháp luật, không ít trẻ em khi kiếm tiền sớm đã bị mắc bẫy lừa đảo và bị kẻ xấu lợi dụng.
Trường hợp của Tuấn Kiệt (16 tuổi ở Long Biên, Hà Nội) là một ví dụ. Tuần Kiệt làm việc bán thời gian cho một cửa hàng quần áo thông qua thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội. Công việc của em là bán hàng cả trực tiếp và trực tuyến.
Theo thỏa thuận miệng, chủ shop hứa nếu một tháng em bán được trên 50 sản phẩm thì lương là 3 triệu đồng; từ 30-50 sản phẩm, lương là 2 triệu đồng; 20-30 sản phẩm, lương là 1 triệu đồng; dưới 20 sản phẩm thì chỉ được hỗ trợ 200.000 đồng.
Tháng đầu tiên, Kiệt bán được 23 sản phẩm. Tuy nhiên, chủ shop cho rằng trong số đó có 5 sản phẩm là do bạn của anh ta mua ủng hộ nên em chỉ được hỗ trợ 200.000 đồng.
Mặc dù tháng đó không trả lương cho Kiệt, nhưng chủ shop hứa nếu tháng sau em bán được nhiều hơn sẽ được nhận lương và còn thưởng thêm. Nhờ tài ăn nói và thái độ lễ phép với khách hàng, tháng thứ hai Kiệt bán được 54 sản phẩm.
Thế nhưng, chủ shop lấy đủ lý do nào em để thất lạc sản phẩm, nhiều khách hoàn lại hàng... để trừ lương Kiệt. Kết quả, tháng đó Kiệt chỉ được chủ cửa hàng trả 1 triệu đồng. Vậy là trong 2 tháng làm việc chăm chỉ, Kiệt bán được 77 sản phẩm nhưng chỉ được nhận 1,2 triệu đồng. Cuối cùng, Kiệt đã xin nghỉ việc.
Còn em Ng.D.Th (15 tuổi, ở TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) do mâu thuẫn với gia đình nên đã lên mạng xã hội tìm việc làm và bị lừa bán sang Campuchia. Th. bị giữ tại casino K. (cách cửa khẩu quốc tế Hà Tiên khoảng 2km, thuộc xã Xây Sọc Tây, huyện Kampông Trách, tỉnh Kampốt, Campuchia).
Ngày 30/1/2024, Cục Điều tra phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ tư lệnh Biên phòng Việt Nam đã phối hợp cùng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Bộ đội biên phòng Kiên Giang và lực lượng chức năng Campuchia giải cứu Th. thành công và đưa về Việt Nam.
Trẻ em tham gia kiếm tiền - Cha mẹ cần lưu ý điều gì?
Cha mẹ cần cung cấp cho trẻ các kỹ năng cần thiết khi kiếm tiền. Ảnh minh họa
Kiếm tiền là cơ hội tốt để trẻ học cách quản lý tiền bạc thông minh, bao gồm việc tiết kiệm, chi tiêu hợp lý và trân trọng sức lao động; đồng thời giúp trẻ cải thiện khả năng giao tiếp và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, cha mẹ cần nói để trẻ hiểu, việc kiếm tiền là trải nghiệm giúp trẻ trưởng thành, không phải là áp lực hay thước đo giá trị bản thân. Trẻ cũng cần hiểu rõ về quyền lợi lao động, như sự công bằng, an toàn lao động và các quyền lợi khác để không bị lợi dụng.
Nếu trẻ tha thiết muốn được kiếm tiền, cha mẹ không nên cấm đoán trẻ. Tuy nhiên trẻ cần cân bằng giữa học tập, vui chơi và làm việc. Cha mẹ cần giám sát, tư vấn, và đồng hành để đảm bảo trẻ được an toàn, không bị kẻ xấu lừa đảo hay lợi dụng. Ví dụ, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tạo tài khoản và giám sát quản lý tài chính; dạy trẻ cách nhận diện kẻ lừa đảo, nhất là lừa đảo trực tuyến; sẵn sàng tư vấn, đưa ra những lời khuyên khi trẻ cần.
Cha mẹ chỉ nên cho trẻ làm những công việc phù hợp với độ tuổi, không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hay tinh thần.
Với những lưu ý này, trẻ có thể kiếm tiền một cách tích cực, giúp phát triển các kỹ năng và ý thức trách nhiệm mà không ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện và cân bằng cuộc sống.
Còn nếu trẻ chẳng may bị lừa đảo về công việc và tiền bạc, cha mẹ cần nhắc con ngừng ngay giao dịch với kẻ lừa đảo. Cha mẹ hãy cùng trẻ thu thập các bằng chứng để gửi các cơ quan chức năng hoặc tổ chức liên quan (trường học, các tổ chức bảo vệ trẻ em, công an…) hoặc liên hệ các chuyên gia tư vấn pháp lý để được hỗ trợ kịp thời
Để bảo vệ quyền lợi và sự phát triển lành mạnh của trẻ, gia đình, nhà trường và xã hội cần phối hợp, cung cấp cho trẻ các kỹ năng cần thiết và hỗ trợ để trẻ tham gia thị trường lao động một cách an toàn. Đặc biệt, việc trẻ em kiếm tiền sớm cần có sự giám sát và định hướng từ người lớn để vừa đảm bảo an toàn vừa mang lại những giá trị tích cực.
https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/tre-em-kiem-tien-som-nhung-cau-chuyen-canh-tinh-cho-cha-me-20241030101127845.htm
___
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:Các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo: Tổng đài 111
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111
+ Youtube: Tổng đài 111
Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.