• 111
  • lang
  • lang

Trẻ em là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển

Nhiều điểm sáng tích cực trong công tác trẻ em

Tại Hội nghị Tổng kết công tác trẻ em năm 2024, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025 và các năm tiếp theo trong lĩnh vực trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định: “Năm 2024, hệ thống pháp luật, chính sách về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển”. 

Cụ thể, trong năm 2024, công tác bảo vệ và phát triển quyền trẻ em tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác chăm sóc trẻ em dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Tết Trung thu và chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi bão lũ cũng được chú trọng.

Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, đã có 1.657 công trình được xây mới và nâng cấp; trên 2,2 triệu trẻ em được tặng quà với tổng kinh phí trên 190 tỷ đồng; trên 58 nghìn trẻ em được cấp học bổng với tổng kinh phí trên 42 tỷ đồng; 28 nghìn trẻ em được khám chữa bệnh miễn phí với tổng kinh phí trên 19 tỷ đồng.

Ngân sách dành cho Tháng hành động vì trẻ em tại các địa phương là gần 369 tỷ đồng.

Hiện nay, ước tính dân số trẻ em là trên 25 triệu trẻ (tỷ lệ trên 25,5% trên tổng dân số), trong đó số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên 1,7 triệu trẻ em (tỷ lệ 6,7% trên tổng dân số trẻ em).

Công tác phòng, chống xâm hại trẻ em có nhiều chuyển biến rõ nét, tích cực. Công an 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng, quản lý và sử dụng mô hình Phòng điều tra thân thiện khi thụ lý các vụ án xâm hại trẻ em và các vụ án có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng...

Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác đấu tranh, áp dụng biện pháp ngăn chặn truy cập từ trong nước đối với hơn 50.000 trang mạng đặt máy chủ tại nước ngoài có nội dung không phù hợp với trẻ em.

Xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em

 

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng thì công tác trẻ em năm 2024 vẫn còn những trăn trở. Đó là các vụ việc trẻ em bị xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng vẫn xảy ra; bạo lực học đường tiếp tục diễn biến phức tạp, một số vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, tiềm ẩn gây mất an ninh, an toàn và bức xúc dư luận xã hội.

Hạnh phúc trẻ thơ (Ảnh: GB).

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 11 tháng 2024, toàn quốc xảy ra 2.057 vụ, xâm hại 2.245 trẻ em (giảm 73 vụ so với cùng kỳ năm 2023, đây là lần đầu tiên giảm sau 4 năm 2020-2023).

Lực lượng Công an đã chủ động nghiên cứu, đánh giá, nhận diện phương thức, thủ đoạn phạm tội mới của các loại tội phạm và quyết liệt triển khai ở cơ sở, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa xã hội gắn với phòng ngừa nghiệp vụ do vậy trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Tội phạm xâm hại trẻ em giảm 5,5%, tuy nhiên lại xảy ra các vụ bạo hành trẻ em do người thân, người giúp việc, bảo mẫu thực hiện, gây hậu quả nghiêm trọng, bức xúc dư luận... Trẻ em (dưới 18 tuổi) vi phạm pháp luật xảy ra 5.228 vụ với 13.904 đối tượng, giảm 10% so với cùng kỳ 2023, nhưng các vụ việc phức tạp, phương thức, thủ đoạn liều lĩnh, manh động.

Năm 2025 là cột mốc quan trọng để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Mặc dù đạt nhiều tiến bộ nhưng Việt Nam vẫn đối mặt với các thách thức như già hóa dân số, bất bình đẳng, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em như xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích.

Vì vậy, mục tiêu chính công tác trẻ em năm 2025 vẫn là xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, giảm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ bị xâm hại… Các chỉ tiêu cơ bản trong công tác trẻ em trong năm 2025 là: Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống 6,5%, duy trì 65% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.

Các giải pháp trọng tâm bao gồm tăng cường nguồn lực, hợp tác quốc tế, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, cải thiện hệ thống dữ liệu trẻ em, và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ và phát triển trẻ em. Những nỗ lực này nhằm đảm bảo trẻ em được phát triển toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.

Nguồn tham khảo: 

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/tre-em-la-trung-tam-cua-chinh-sach-chien-luoc-phat-trien-20250115100358340.htm

__

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:

- Gọi điện đến Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111

- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:Các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo: Tổng đài 111
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111 
+ Youtube: Tổng đài 111

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.