.png)
Đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân, phần lớn là của công nhân và người lao động có thu nhập thấp, một số cô giáo hoặc người lớn tuổi đã nhận chăm sóc trẻ nhỏ tại nhà.
Gần đây, các vụ trẻ tử vong, mất tích, bị bạo hành tại các cơ sở này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn.
Những câu chuyện buồn
Mấy ngày qua, dư luận dậy sóng khi một bé 5 tháng tuổi tử vong tại cơ sở nhận chăm sóc trẻ tự phát. Theo đó, do bận việc nên khoảng 17h ngày 15/2, chị N.A.T. (Hà Nội) gửi con N.D.C. (SN 2024) đến nhà chị N.T.N. (ở tổ 14, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội) với giá 250.000 đồng/ngày đêm.
Đến 11h ngày 16/2, chị N. thông báo với chị T. là cháu C. đang cấp cứu tại Bệnh viện Tâm Anh. Khi chị T. đến bệnh viện, bác sĩ cho biết cháu C. đã tử vong.
Làm việc với cơ quan công an, chị N. khai nhận, khoảng 22h ngày 15/2, chị cho cháu C. lên tầng 3 và ngủ cùng cháu. Đến 7h ngày 16/2, chị dậy và thấy cháu đang ngủ nên xuống tầng 1, để cháu nằm lại một mình cùng con gấu bông dài khoảng 1m chặn dưới chân tránh lăn ngã.
Khoảng 10h cùng ngày, chị lên phòng thì phát hiện cháu nằm úp mặt vào gối, con gấu bông chèn lên người và đầu. Thấy cháu C. tím tái, hơi thở thoi thóp, chị N. hô hấp cho cháu nhưng thấy không chuyển biến nên gọi xe cấp cứu đưa đến Bệnh viện Tâm Anh.
Sau khi thăm khám, bác sĩ thông báo cháu C. đã tử vong. Cơ quan công an tiến hành khám nghiệm tử thi, trên cơ thể cháu C. không có thương tích do ngoại lực tác động. Về nguyên nhân tử vong, cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ.
Trước đó, một vụ việc đau lòng khác xảy ra tại huyện Phú Lộc, (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ngày cuối tuần, con được nghỉ học, người mẹ phải đi làm nên gửi con là Lê Phước N. (6 tuổi) ở nhà giữ trẻ của cô Nguyễn Thị Kim Chi, giáo viên Trường Mầm non Mai Khôi.
Cô Chi bị ốm nên đi khám và nhờ cô Dương Thị Phương Truyền (nhân viên Trường Mầm non Mai Khôi) giữ giúp. Đến khoảng 15h35 cùng ngày, không nhìn thấy cháu N. cô Truyền báo tin cho gia đình và lực lượng chức năng tìm kiếm nhưng chỉ phát hiện dép của cháu ở khu vực bãi biển.
Sau 8 ngày mất tích, người dân phát hiện thi thể cháu N. tại khu vực bãi biển làng Vân thuộc phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) - cách nơi mất tích khoảng 15km đường biển.
Cũng trong thời gian này xảy ra vụ cháu bé 7 tháng tuổi ở tỉnh Bình Định tử vong tại bệnh viện sau khi được gia đình đưa đến từ điểm giữ trẻ. Được biết, chị Nguyễn Thị Trúc L. gửi con gái là V.A.N. (7 tháng tuổi) tại cơ sở giữ trẻ ở phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn).
Đến 10h cùng ngày, chị L. nhận được điện thoại báo cháu N. liên tục nôn ói trong lúc uống sữa và đến đưa cháu vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện bệnh nhi này bị sưng ở vùng đầu. Kết quả chụp CT cho thấy, cháu N. có dấu hiệu nứt sọ và được bác sĩ tiến hành phẫu thuật, tuy nhiên cháu N. đã không qua khỏi.
Cần mạnh tay xử lý các điểm trông trẻ không phép
Theo lãnh đạo một số chính quyền địa phương, cái khó của rất nhiều gia đình có con nhỏ là bố, mẹ phải đi làm trong khi không có thể nhờ được ai trông hoặc không thể tìm được cơ sở gửi trẻ phù hợp. Đau lòng nhất là nhiều gia đình công nhân, người lao động với đồng lương thấp nên đành gửi con ở những nơi trông trẻ tự phát, giá rẻ không có giấy phép.
PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, các địa phương cần chỉ đạo quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non tại khu đô thị, khu công nghiệp, khu đông dân cư; cần có đủ trường mầm non công lập trên các địa bàn dân cư, nhất là các khu đô thị mới để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân.
Phát triển cơ sở giáo dục mầm non tại khu đô thị, khu công nghiệp, khu đông dân cư để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh.
Xu hướng phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập là cần thiết và cần được khuyến khích, tạo điều kiện. Tuy nhiên, đi cùng với đó là việc thanh, kiểm tra thường xuyên liên tục, đảm bảo các điều kiện hoạt động về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình… để mỗi ngày đến lớp của trẻ là một ngày vui. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý cơ sở hoạt động không phép.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ có nhiều năm kinh nghiệm tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em bị xâm hại, bạo hành tại TPHCM cho rằng, nguyên nhân chính là do bảo mẫu thiếu chuyên môn nghiệp vụ sư phạm về chăm sóc trẻ. Đây là mối nguy rất lớn từ những điểm trông giữ trẻ tự phát.
Trẻ nhỏ thường có tâm lý tò mò, thích khám phá, hiếu động, đặc biệt là thích được yêu thương, chiều chuộng nên đôi khi sẽ khiến người trông trẻ cảm thấy phiền. Giữ trẻ nhỏ rất khó.
Một bảo mẫu ở điểm giữ trẻ "chui" có thể nhận trông rất nhiều trẻ trong khi không có chuyên môn thì dễ gây ra những sự việc đau lòng. Do đó, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ khuyên cha mẹ không nên gửi con tại những điểm trông giữ trẻ tự phát, cân nhắc khi thuê bảo mẫu trông trẻ tại nhà.
https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/tre-tu-vong-tai-diem-trong-tu-phat-canh-bao-nguy-co-mat-an-toan-20250222135142450.htm
__
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:Các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo: Tổng đài 111
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111
+ Youtube: Tổng đài 111
Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.