Trong thông cáo báo chí, bà Rana Flowers khẳng định UNICEF cùng với Chính phủ, nhân dân Việt Nam bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và mong muốn được hỗ trợ nhiều nhất cho hơn 1.500 trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh bị mất cha, mẹ do COVID-19. Con số này dự kiến sẽ nhiều hơn khi có thêm thông tin từ các tỉnh, thành phố khác.
"Tấm lòng hảo tâm và sự mong muốn được giúp đỡ các em của các cá nhân và các doanh nghiệp thật đáng trân trọng. Tuy nhiên, UNICEF kêu gọi sự cẩn trọng để đảm bảo rằng những giải pháp đưa ra trong thời điểm căng thẳng và đầy thách thức này được lựa chọn vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, được xây dựng để duy trì sự kết nối của trẻ em với cộng đồng, để trẻ em được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình nơi các em có thể phát triển đầy đủ nhất”, bà Rana Flowers chia sẻ.
Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam. Ảnh tư liệu: Công Thử/TTXVN
Theo Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, bên cạnh việc tìm một nơi trú ngụ cho trẻ em mồ côi thì điều quan trọng hơn cả là cần phải nhanh chóng tìm được môi trường “gia đình” cho các em.
Do đó, UNICEF đánh giá cao việc ngày 23/9, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đã ký Công văn số 3234/LĐTBXH-TE gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai kịp thời các biện pháp chăm sóc trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19.
Công văn nêu rõ, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các địa phương bùng phát dịch lần thứ tư. Tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố đã có hơn một nghìn trẻ em rơi vào tình trạng mồ côi. Để kịp thời chăm sóc, nuôi dưỡng, giảm nhẹ nỗi đau thương, mất mát của các em, Ủy ban quốc gia về trẻ em và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện việc chăm sóc thay thế cho các em theo quy định của Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em được chăm sóc thay thế bởi người thân, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc để trẻ em được sống trong môi trường gia đình và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Việc trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các tỉnh, thành phố ban hành chính sách, kế hoạch của địa phương về hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trước mắt và lâu dài đối với nhóm trẻ em này tại các tỉnh, thành phố có số lượng lớn trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19; chỉ đạo việc trợ giúp pháp lý cho các em theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em không bị xâm hại do các em không có sự giám hộ của cha, mẹ.
“Đây là quyết định kịp thời để đảm bảo rằng trẻ em mất đi sự chăm sóc của cha, mẹ do COVID-19 sẽ nhận được những hỗ trợ cần thiết để vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn và đầy thử thách này, giúp các em có được tình yêu thương và được quan tâm, cho dù không phải từ cha, mẹ yêu quý của mình. Và với sự quan tâm chăm sóc đầy yêu thương này, các em có thể mạnh khỏe và phát triển hết tiềm năng của mình”, bà Rana Flowers nhấn mạnh.
Cũng theo bà Rana Flowers, các cơ sở nuôi dưỡng tập trung không phải là lựa chọn tốt nhất cho trẻ em mồ côi, thiếu người chăm sóc, mà thay vào đó, chính phủ cần phát triển một hệ thống bảo vệ trẻ em, đảm bảo có thể tìm kiếm và giám sát chặt chẽ các gia đình thay thế; cung cấp trợ cấp để trẻ em có thể ở trong môi trường gia đình, cộng đồng của chính mình, được kết nối với những gì các em đã biết, có thể tiếp tục học ở mái trường quen thuộc, với những người bạn đã quen biết và nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng.
Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: Trẻ em trong các cơ sở nuôi dưỡng tập trung thường bị tách khỏi họ hàng người thân và cộng đồng địa phương. Không còn được cha mẹ chăm sóc, các em thường phải chịu đựng những tổn hại về thể chất, tâm lý, cảm xúc và xã hội, để lại những hậu quả suốt đời. Những trẻ em này cũng có nhiều nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, sao nhãng và bóc lột.
Để ngăn chặn và ứng phó với cuộc khủng hoảng về trẻ em này, trước mắt và lâu dài, điều quan trọng là các chính phủ phải có những hỗ trợ thiết thực cần thiết về tình cảm, tài chính cho các gia đình họ hàng nhận nuôi trẻ. Trong trường hợp không tìm được các gia đình họ hàng thích hợp, chính phủ cần tìm cho trẻ các gia đình mong muốn nhận nuôi, sẵn sàng yêu thương, giúp đỡ các em và chính phủ cần hỗ trợ, giám sát trẻ em trong quá trình trưởng thành.
"Khi COVID-19 tiếp tục tàn phá các gia đình và cộng đồng, chúng ta phải bảo vệ quyền được sống và lớn lên của mọi trẻ em trong một môi trường giúp các em phát triển thể chất, tâm lý, xã hội và cảm xúc. Lời kêu gọi hành động đảm bảo trẻ em có thể phát triển trong môi trường dựa vào gia đình và cộng đồng chứ không phải ở các cơ sở tập trung giờ đây quan trọng hơn bao giờ hết, khi cộng đồng chung tay giải quyết những thách thức chưa từng có do COVID 19 gây ra”, bà Rana Flowers nhấn mạnh.
Việt Đức (TTXVN)
-------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061