Tiếp tục chương trình làm việc tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ngày 25.8, Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Văn Hạ làm Trưởng đoàn đã khảo sát và làm việc với UBND tỉnh An Giang về chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em”.
Là tỉnh đầu nguồn khu vực đồng bằng sông Cửu Long với dân số hơn 2,1 triệu người, trong đó có hơn 435 nghìn trẻ em từ 0 đến dưới 16 tuổi, chiếm 22,8% dân số, là vùng thường xuyên ngập lũ với vị trí địa lý có nhiều ao hồ, sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, nên hiểm họa và nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước cho trẻ em không biết bơi, đặc biệt là mùa lũ hàng năm, diễn ra khá phức tạp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Tạ Văn Hạ phát biểu tại buổi làm việc
Thực hiện Quyết định số 234/QĐ-TTg, ngày 5.2.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh An Giang ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, đề án về tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn đuối nước. Toàn bộ 11 huyện, thị xã, thành phố đều có kế hoạch, chương trình và văn bản chỉ phù hợp với điều kiện của từng địa bàn. Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục có điều kiện đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể dục và Thể thao áp dụng dạy tự chọn môn bơi lội, tổ chức tuyên truyền trên báo, đài, lồng ghép trong chương trình giảng dạy trên lớp và các hoạt động ngoại khóa… Xây dựng các mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng” “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Mỗi năm tỉnh triển khai khoảng 40 điểm giữ trẻ mùa lũ tại các vùng ngập sâu, mỗi điểm trung 15 - 40 cháu với kinh phí hỗ trợ 1 tỷ đồng/năm.
UBND tỉnh An Giang cũng nêu rõ, một trong những nguyên nhân dẫn đến các trường hợp đuối nước là do ở một số địa phương lãnh đạo chưa thật sự quan tâm đến công tác này, công tác kiểm tra giám sát chưa sâu sát. Kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích nói chung, phòng chống đuối nước nói riêng rất khiêm tốn so với các nhiệm vụ đặt ra. Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 140 trẻ em tử vong do đuối nước...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ thay mặt Đoàn công tác trao tặng 100 phần quà trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của huyện Chợ mới
Thay mặt Đoàn công tác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ đề nghị An Giang cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu sát tới tận thôn ấp, ngoài việc dạy bơi cần quan tâm dạy kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố dưới nước, kỹ năng cứu đuối, sơ cứu, cấp cứu cho nạn nhân bị đuối nước. Quan tâm đến nguồn lực cho phòng, chống đuối nước, nhất là công tác xã hội hóa cùng chung tay phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Tại An Giang, Đoàn đã khảo sát tại 2 điểm trường thuộc xã An Thạnh Trung, Mỹ An và mô hình tuyên truyền tại nơi các em thường xuống tắm, chơi đùa thuộc thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới; tặng 100 phần quà trung thu và 5 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của huyện Chợ Mới.
Tin và ảnh: Vũ Châu
---
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn