• 111
  • lang
  • lang

Nỗ lực của tổng đài 111 trong cuộc chiến bảo vệ trẻ em và phòng chống mua bán người

1. Lịch sử ra đời và phát triển của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111

Hoạt động từ 2004, Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 từng bước trở thành người bạn đáng tin cậy của trẻ em và gia đình Việt Nam với các chức năng chia sẻ tâm tình, giải đáp những vướng mắc trong cuộc sống, trong gia đình, học tập hoặc quan hệ bạn bè của các em. Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em miễn phí tại Việt Nam là thành viên thứ 52 của Tổ chức Điện thoại tư vấn hỗ trợ trẻ em quốc tế (CHI). Khi các cuộc gọi yêu cầu tư vấn ngày càng đa dạng và phức tạp, các chuyên gia và cố vấn cũng đồng thời được mở trên nhiều lĩnh vực như tâm lý, giáo dục, sức khỏe, pháp luật, chính sách.  Đến năm 2010, Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 chính thức hoạt động 24/24, mỗi ngày, tiếp nhận thông tin từ trẻ em và người dân. Tính đến năm 2017, đã có hơn 2.5 triệu cuộc gọi trên phạm vi cả nước, kết nối trợ giúp và can thiệp cho hơn 2000 trẻ em với các dịch vụ khẩn cấp.  

Nguồn: Truyền hình Vì trẻ em

Nguồn: Truyền hình Vì trẻ em

Nguồn: Truyền hình Vì trẻ em 

Đến năm 2016, sau khi Luật Trẻ em chính thức được Quốc hội thông qua, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 đã được thành lập. Tháng 12/2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung và lãnh đạo các bộ ngành đã chính thức bấm nút khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em. Tổng đài có đầu số 111 được nâng cấp từ Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 do Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH quản lý và khai thác. Đầu số mới, ngắn, dễ nhớ giúp mọi trẻ em và người dân dễ dàng tiếp cận. Tổng đài tiếp nhận cuộc gọi 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần kể cả ngày lễ, tết và hoàn toàn miễn các loại phí.

Nguồn: tongdai111.vn

Lễ khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em - 111

 

2. Sự ra đời Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người 111

Năm 2013, Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã thành lập Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhận mua bán người trên cơ sở nền tảng, hạ tầng kỹ thuật của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em. 

Từ tháng 7/2012, với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện Dự án “Thành lập Đường dây nóng phòng, chống mua bán người ở Việt Nam”, sử dụng đầu số 18001567. Dự án với mục tiêu giúp Đường dây Tư vấn và Hỗ trợ trẻ em mở rộng thêm chức năng về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân bị mua bán. Với kinh nghiệm gần 10 năm tư vấn và hỗ trợ trẻ em và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu, Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ triển khai dự án Đường dây phòng chống mua bán người. Đây là nơi tiếp nhận và kết nối thông tin từ người dân đến các cơ quan chức năng về phòng chống mua bán người, giải cứu nạn nhân. Đây cũng là nền tảng quan trọng để hình thành một mạng lưới đường dây nóng phòng chống mua bán người từ cấp trung ương đến các địa phương. Đường dây đã đưa vào vận hành các tổng đài phòng chống mua bán người tại 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, An Giang và Hà Giang. Bình quân mỗi tháng 3 tổng đài tiếp nhận hơn 250 cuộc gọi về phòng chống mua bán người. Tính đến tháng 12/2019, Đường dây phòng chống mua bán người đã tiếp nhận hơn 16.000 cuộc gọi. Đường dây cũng đã góp phần giải cứu hơn 350 trường hợp nạn nhân bị mua bán, đưa qua biên giới trở về với gia đình. Khu vực miền núi phía bắc chiếm đến 32,7% cuộc gọi đến Tổng đài (cao nhất trên cả nước). 

Nguồn: laodongxahoi.net

Nguồn: laodongxahoi.net

 

Sau bốn năm hoạt động, đến 2017, Ðường dây nóng tư vấn về phòng, chống mua bán người (PCMBN) được rút ngắn, dùng chung số 111, duy trì hoạt động 24 giờ và hoàn toàn miễn phí, tăng cường tư vấn, giải đáp tiếp nhận các thông tin về nạn nhân mua bán người và chuyển tuyến tới các cơ quan hữu quan để hỗ trợ, can thiệp. Chỉ sáu tháng đầu năm 2020, Ðường dây nóng phòng, chống mua bán người 111 đã  tiếp nhận 1.290 cuộc gọi, tăng 526 cuộc so cùng kỳ năm 2019. Sự ra đời của Đường dây phòng chống mua bán người đã góp phần hạn chế tình trạng mua bán người, mang lại những niềm vui đoàn tụ cho gia đình nạn nhân. 

Số lượng cuộc gọi về đường dây nóng 111 phòng mua bán người năm 2019. Ảnh: tongdai111.vn

Ảnh: tongdai111.vn

Các tư vấn viên làm việc tại Tổng đài quốc gia 111

Các tư vấn viên làm việc tại Tổng đài quốc gia 111

Các tư vấn viên làm việc tại Tổng đài quốc gia 111

 

3. Nỗ lực trong thời đại số: ra mắt Ứng dụng Tổng đài 111 và tài khoản Zalo chính thức của Tổng đài 111

Ngày càng có nhiều hơn nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ hoặc bị xâm hại được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ trẻ em do Tổng đài 111 cung cấp. Trong khi đó số lượng người dễ bị tổn thương được tiếp cận với sự hỗ trợ của đường dây nóng 111 phòng chống mua bán người cũng ngày càng tăng. Mạng lưới kết nối từ Tổng đài đến các cơ quan, tổ chức và dịch vụ trong hệ thống bảo ngày càng được mở rộng. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng xã hội đã đem đến chúng ta, đặc biệt là trẻ em, nhiều cơ hội nhưng cũng kèm theo những nguy hiểm tiềm tàng trên môi trường mạng. Trước nhu cầu cấp thiết về giáo dục kỹ năng an toàn thông tin và bảo vệ bản thân trẻ trên môi trường mạng, Tổng đài 111 đã phối hợp với Microsoft và tổ chức Childfund xây dựng và cho ra đời ứng dụng Tổng đài 111. Bên cạnh đó, tài khoản Zalo chính thức của tổng đài 111 cũng mong muốn trở thành kênh thông tin hữu ích, chính xác, kịp thời, góp phần nâng cao ý thức cộng động về bảo vệ trẻ em và phòng chống mua bán người.

 

Lễ ra mắt Ứng dụng Tổng đài 111 tháng 12/2019

Mã QR code của tài khoản Zalo chính thức của Tổng đài 111

 

4. "Đấu tranh chống Mua bán người và Nô lệ thời hiện đại" - một trong những nỗ lực hợp tác của nhiều bên

Trong phòng chống mua bán người, các đối tượng bị buôn bán đa số là phụ nữ và trẻ em thuộc những hộ nghèo, không có việc làm ổn định, thu nhập thấp, không đủ trang trải mức sống, nhận thức còn hạn chế nên họ rất dễ bị dụ dỗ, lừa gạt bởi bọn tội phạm đầy mánh khóe và thủ đoạn tinh vi. Những trường hợp này thường xảy ra tại vùng sâu vùng xa hoặc khu vực gần biên giới, chính quyền khó kiểm soát, vô tình tạo điều kiện cho bọn buôn người hoạt động.

Bên cạnh đó, phải kể đến các trường hợp người dân tự nguyện nộp tiền để đi con đường xuất khẩu lao động chui sang các nước Nhật, Hàn, Đài Loan và gần đây đặc biệt nổi lên phong trào đi các nước phát triển như Anh, Úc, Pháp… Những đường dây môi giới chui này thường xuyên có sự góp mặt của bọn tội phạm nước ngoài liên kết với cò mồi trong nước, đa số là những người đã từng đi lao động chui trở về. Chúng đánh vào giấc mơ đổi đời làm giàu, kiếm hàng chục triệu hàng tháng mà không yêu cầu học vấn hoặc kỹ năng từ những người muốn đi. Ban Kinh tế - Xã hội của Liên Hiệp Quốc cho hay, đã có khoảng 18.000 người Việt Nam cố gắng di cư lậu đến châu Âu thông qua các hoạt động môi giới khá “tích cực” cũng từ cộng đồng người Việt trong 2017. Bộ Nội vụ Anh cho biết, chỉ riêng trong năm 2019, số lượng người Việt Nam có nguy cơ là nạn nhân của nô lệ thời hiện đại cao thứ Ba tại Anh, với 887 trường hợp được chuyển tuyến. 

Factsheet Dự án "Đấu tranh chống Mua bán người và Nô lệ thời hiện đại" - TMSV. Ảnh: TMSV

Có nhiều trường hợp nạn nhân trở về bị tổn thương tâm sinh lý sau khi bị lạm dụng, bóc lột sức lao động kèm theo khoản nợ khổng lồ, đang rất cần sự hỗ trợ của các ban ngành, tổ chức để có thể vượt qua quá khứ. Đau đớn hơn, không ít người vẫn nghĩ đó chính là các cơ hội vàng, không ý thức được họ từng bị lạm dụng, bị bóc lột, bị xem như nô lệ. Những nạn nhân này sẽ là mục tiêu tư vấn và hỗ trợ trong khuôn khổ Dự án “Đấu tranh chống Mua bán người và Nô lệ thời hiện đại: Tiếp cận liên ngành nhằm thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân” (TMSV) do Bộ Nội vụ Vương quốc Anh tài trợ, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công An là chủ Dự án, phối hợp với đối tác chính phủ để thực hiện các hoạt động can thiệp tại 5 tỉnh/thành phố bao gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Các đại biểu tham gia hội thảo: Giới thiệu và bàn giải pháp thực hiện hiệu quả của dự án: Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại 10/2019. Ảnh: thoidai.com.vn

Việc ra nước ngoài làm việc luôn là một quyết định lớn. Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) thông qua trang thông tin "Nghĩ trước bước sau” cung cấp cho bạn thông tin để tìm hiểu thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Xem các tập phim của series “Nghĩ trước bước sau” nằm trong chiến dịch “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” để cập nhật kiến thức, theo dõi tin tức chính thống về lao động và việc làm ở nước ngoài cho người Việt Nam.  

Facebook Nghĩ trước bước sau: https://www.facebook.com/nghitruocbuocsau

Xem phim Nghĩ trước bước sau: https://www.shorturl.at/bJOVW

Tổng đài quốc gia 111 về BVTE và MBN: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte

Tài khoản Zalo chính thức của tổng đài: Tổng Đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616

Tải ứng dụng Tổng đài 111 trên Google Play: https://play.google.com/store/apps/details?id=nts.swipesafe&hl=en_US

Tải ứng dụng Tổng đài 111 trên Apple Store: https://apps.apple.com/us/app/t%E1%BB%95ng-%C4%91%C3%A0i-111/id1475656369

 

Nguồn tham khảo:

1. Nỗ lực phòng chống mua bán người qua đường dây nóng 111 - molisa.gov.vn 4/12/2019

2. Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống mua bán người và Đường dây nóng 111 - Tạp chí lao động & xã hội online, 4/7/2019

3. Giới thiệu về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em - tongdai111.vn 

4. Kết quả hoạt động của đường dây nóng phòng, chống mua bán người 111 năm 2019 - tongdai111.vn