• 111
  • lang
  • lang

Chính sách và pháp luật về Lao động trẻ em (bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng)

Theo pháp luật Việt Nam, lao động trẻ em được hiểu là trẻ em và người chưa thành niên làm các công việc trái quy định pháp luật về lao động, cản trở hoặc tác động tiêu cực đến sự phát triển thể chất, trí tuệ, nhân cách và sự phát triển toàn diện của các em.

Chính sách và pháp luật về Lao động trẻ em (bao gồm bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng)

I. Hiến pháp và chính sách chung

Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946 đã quy định: “Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng” (Điều 14). Quy định này được tái khẳng định và cụ thể hoá trong tất cả các bản Hiến pháp về sau (1959, 1980, 1992, 2013). Vào năm 1991, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc.

Nằm trong chính sách chung về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, vấn đề phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em đã được đề cập từ lâu và trong những năm gần đây được Nhà nước ngày quan tâm nhiều hơn. Điều đó thể hiện ở việc sau khi ký kết Công ước về quyền trẻ em, Nhà nước Việt Nam tiếp tục tham gia hai Nghị định thư bổ sung Công ước về quyền trẻ em (về cấm sử dụng trẻ em trong xung đột vũ trang và về cấm buôn bán, mại dâm trẻ em và sản xuất văn hoá phẩm khiêu dâm có trẻ em), Công ước số 138 và Công ước số 182. Đây hiện là tập hợp những điều ước quốc tế chủ chốt về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Đặc biệt, lần đầu tiên Hiến pháp 2013 (Điều 37) nêu rõ:“Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

II. Bộ luật Lao động 2019

Bộ Luật Lao động 2019 dành riêng 1 chương XI quy định về lao động chưa thành niên và một số lao động khác, trong đó quy định thế nào là lao động chưa thành niên, nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên, sử dụng, thời gian làm việc, công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi.

Bộ Luật đưa ra nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên trong đó nhấn mạnh chỉ được sử dụng lao động chưa thành niên làm các công việc phù hợp với sức khỏe để đảm bảo sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách. Khi sử dụng lao động chuaw thành niên phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ và tuân thủ các quy trình chặt chẽ và phải quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện để lao động chưa thành niên được học tập văn hóa và học nghề.

Bộ luật cũng quy định các điều kiện cụ thể về sử dụng lao động chưa thành niên như độ tuổi, công việc, nơi làm việc đã được giới thiệu ở phần trên.

Một số quy định được cụ thể hóa trong Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên, trong đó quy định rõ các nội dung về:

1. Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc theo quy định tại khoản 4 Điều 145

2. Danh mục công việc nhẹ người tử đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm theo quy định tại khoản 3 Điều 143

3. Danh mục nghề, công việc người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm theo quy định tại khoản 2 Điều 146

4. Danh mục công việc, nơi làm việc gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên theo quy định tại khoản 3 Điều 147

Mặc dù Bộ luật Lao động và các văn bản dưới luật có liên quan đã quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động chưa thành niên, đã quy định chi tiết và khá đầy đủ các nội dung liên quan đến lao động chưa thành niên, các điều kiện lao động và quy trình thủ tục cần tuân thủ khi tuyển dụng lao động chưa thành niên. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, bất cập nhất định trong các quy định của pháp luật về lao động trẻ em, cụ thể:

- Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ vẫn chưa quy định một số ngành nghề trong lĩnh vực ngư nghiệp và nông nghiệp được đánh giá là nguy hiểm do sử dụng thiết bị, máy móc thiếu tiêu chuẩn về an toàn lao động, bao gồm các yếu tố nặng nhọc, độc hại như cày, bừa… trong lĩnh vực nông nghiệp (mới có quy định về cấm lái máy kéo nông nghiệp)

- Mục 35 Phụ lục III Thông tư số 09/2020 quy định về các công việc trên tàu đi biển không cụ thể về phạm vi công việc. Điều này có thể tạo điều kiện cho người sử dụng lao động lợi dụng sự không rõ ràng trong quy định để bóc lột lao động chưa thành niên

- Pháp luật Việt Nam cho phép Lao động chưa thành niên từ đủ 15 đến 18 tuổi được làm thêm giờ và làm việc ban đêm một số công việc theo quy định pháp luật (khoản 2 Điều 146) và được cụ thể hóa ở phụ lục V, Thông tư số 09/2020 . Tuy nhiên, Khuyến nghị số 146 của ILO về tuổi tối thiểu được nhận vào làm việc cấm làm thêm giờ đối với lao động trẻ em để đủ thời gian cho việc giáo dục, nghỉ ngơi và các hoạt động khác (Đoạn 13). Như vậy, pháp luật Việt Nam chưa tương thích với công ước quốc tế về quy định này.

- Về thời giờ nghỉ ngơi, hiện nay vẫn chưa có quy định riêng cho lao động chưa thành niên, mà vẫn theo quy định về thời giờ nghỉ ngơi của người lao động nói chung (từ Điều 109 - 116 BLLĐ năm 2019)

III. Luật trẻ em 2016

Luật trẻ em (2016) quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi (Điều 1) và xác định rõ:
“Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em”

Điều 6 Luật Trẻ em cũng nghiêm cấm một loạt hành vi trong đó có những hành vi gắn liền với vấn đề lao động trẻ em, bao gồm:

- Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

- Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.

- Tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.

- Sử dụng, rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

- Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình.

- Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền

- Kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc Điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em.

- Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.

- Cung cấp dịch vụ Internet và các dịch vụ khác; sản xuất, sao chép, lưu hành, vận hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh xuất bản phẩm, đồ chơi, trò chơi và những sản phẩm khác phục vụ đối tượng trẻ em nhưng có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

- Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

- Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi.

- Từ chối, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời việc hỗ trợ, can thiệp, điều trị trẻ em có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm, bị tổn hại thân thể, danh dự, nhân phẩm.

Bên cạnh đó, Luật Trẻ em quy định 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có bổ sung các nhóm mới như:

- Trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở

- Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bạo lực

- Trẻ em bị bóc lột, trẻ em bị xâm hại tình dục

- Trẻ em bị mua bán

- Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo. Trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.

Đây là những nhóm trẻ em thuộc về hoặc có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh lao động trẻ em. Luật cũng quy định 25 nhóm quyền của trẻ em, trong đó có những quyền có tác dụng trực tiếp với việc bảo vệ trẻ em khỏi bị rơi vào hoàn cảnh lao động trẻ em như:

- Quyền được sống chung với cha, mẹ;

- Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi;

- Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột sức lao động, không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, không bị mua, bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạn;

- Quyền được đảm bảo an sinh xã hội;

- Quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn…

Đặc biệt, Luật Trẻ em 2016 quy định cụ thể các nội dung về các cấp độ bảo vệ trẻ em (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp) và trách nhiệm thực hiện; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; chăm sóc thay thế; các biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng. Những quy định này cũng có ý nghĩa quan trọng với việc phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ trẻ em lao động.

IV. Bộ luật Hình sự 2015

Đối với phòng chống lao động trẻ em, Bộ Luật Hình sự 2015 đã quy định một số tội danh có liên quan gồm:

- Điều 296 BLHS 2015 về tội Vi phạn quy định về sử dụng lao động dưới 16 tuổi

- Điều 297 BLHS 2015 về tội Cưỡng bức lao động

- Điều 150 BLHS 2015 về tội Mua bán người và Điều 151 BLHS 2015 về tội Mua bán người dưới 16 tuổi,

- Một số tội danh khác: Tội hành hạ người khác (Điều 140), các tội liên quan đến xâm hại tình dục và khiêu dâm trẻ em (Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147), tội hiếp dâm (Điều 141), tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), tội cưỡng dâm (Điều 143), tội cưỡng dâm người từ đủ 13-16 tuổi (Điều 144), tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145), tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146)

Đối với phòng chống bóc lột tình dục trẻ em trên môi trường mạng, hiện nay chưa có điều luật cụ thể, dành riêng, tuy nhiên BLHS có quy định một số tội danh có liên quan như:

- Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147)

Mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151) (đặc biệt các trường hợp mua bán người vì mục đích bóc lột tình dục),

- Tội hiếp dâm (Điều 141),

- Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142),

- Tội cưỡng dâm (Điều 143),

- Tội cưỡng dâm người từ đủ 13-16 tuổi (Điều 144),

- Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145),

- Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146)

Các nội dung cụ thể về phần quy định của pháp luật hình sự sẽ được trình bày rõ hơn ở phần sau của tài liệu.

V. Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định củpháp luật giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 782/QĐ-TTG ngày 27/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 782/QĐ-TTG ngày 27/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ) được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Chương trình đặt mục tiêu phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em. Phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9%; 100% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi; trên 90% trẻ em có nguy cơ, lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.

Trong công tác truyền thông về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, mục tiêu đặt ra là 90% cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, 70% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. 70% trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. 90% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Định hướng đến năm 2030, phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,5%; giảm tối đa tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số lao động trẻ em và người chưa thành niên.

6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện Chương trình

Để thực hiện các mục tiêu trên, Chương trình đặt ra các nhiệm vụ cụ thể như sau:

  • Thứ nhất, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xác định lao động trẻ em, bảo vệ trẻ em; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

  • Thứ hai, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Trong đó chú trọng ghiên cứu, xây dựng, phát triển các chương trình, sản phẩm, tài liệu truyền thông, đa dạng các phương thức thông tin tuyên truyền phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, giáo dục hỗ trợ quyền trẻ em phù hợp với từng địa phương, cộng đồng, dân tộc.

  • Thứ ba, nâng cao năng lực của chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là người sử dụng lao động về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Xây dựng tài liệu và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng cho giảng viên nguồn các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương về việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

  • Thứ tư, tăng cường phòng ngừa, phát hiện và hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em . Phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động. Xây dựng và triển khai quy trình, mạng lưới phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em gắn với hệ thống bảo vệ trẻ em. Hỗ trợ lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em và gia đình tiếp cận chính sách, chương trình, dịch vụ giảm nghèo, an sinh xã hội, giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.

  • Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em nhằm trao đổi kinh nghiệm, vận động nguồn lực trong nước và quốc tế. Huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân trong phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

  • Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng ngừa lao động trẻ em. Xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sử dụng lao động trẻ em. Xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi, đánh giá việc thực hiện Chương trình, định kỳ khảo sát quốc gia về lao động trẻ em.

VI. Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021)

Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ) trong đó nêu rõ phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9% vào năm 2025 và xuống 4,5% vào năm 2030 với các nhiệm vụ-giải pháp trọng tâm được nêu ra

- Tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương đối với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình;

- Hoàn thiện pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em;

- Phát triển hệ thống dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em có sự lồng ghép và phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội, ưu tiên hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em

- Tăng cường truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em, vận động xã hội thực hiện các mục tiêu về trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em

- Bảo đảm nguồn lực thực hiện quyền trẻ em và các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em, ưu tiên bố trí nguồn lực về bảo vệ trẻ em

- Chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế về quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em mang tính toàn cầu và khu vực

- Vận động nguồn lực và sự tham gia của xã hội

- Tăng cườn công tác kiểm tra, thanh tra, xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi đánh giá việc thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình, mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em.

VII. Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 9/2/2020)

Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 9/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ) trong đó hướng đến 06 mục tiêu về truyền thông nâng cao nhận thức về phòng chống mua bán người, tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người; công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác phòng chống mua bán người, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân và trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người; xây dựng dữ liệu thống kê về công tác phòng, chống mua bán người.

Chương trình đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện Chương trình như: Truyền thông về phòng, chống mua bán người; đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người; truy tố và xét xử tội phạm mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu và bảo vệ nạn nhân; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; hoàn thiện chính sách, pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người; tăng cường công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; xây dựng dữ liệu thống kê về công tác phòng, chống mua bán người; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác liên quan đến phòng, chống mua bán người. 

VIII. Một số nghị định

- Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em, tron đó bao gồm các quy định về các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chính sách hỗ trợ, hỗ trợ can thiệp đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, việc chăm sóc thay thế cho trẻ em, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc bảo đảm để các em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em.

- Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.

MỘT SỐ KHÓ KHĂN VƯỚNG MẮC TRONG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN LAO ĐỘNG TRẺ EM

- Sự khác biệt trong quy định độ tuổi trẻ em giữa PLVN (trẻ em là người dưới 16 tuổi) và pháp luật quốc tế (trẻ em là người dưới 18 tuổi)

- Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH chưa quy định một số ngành nghề trong lĩnh vực ngư nghiệp và nông nghiệp được đánh giá là nguy hiểm do sử dụng thiết bị, máy móc thiếu tiêu chuẩn về an toàn lao động, bao gồm các yếu tố nặng nhọc, độc hại như cày, bừa…

- Mục 35 Phụ lục III Thông tư số 09/2020 quy định về các công việc trên tàu đi biển không cụ thể về phạm vi công việc

- Pháp luật Việt Nam cho phép Lao động chưa thành niên từ đủ 15 đến 18 tuổi được làm thêm giờ và làm việc ban đêm một số công việc theo quy định pháp luật. Khuyến nghị số 146 của ILO về tuổi tối thiểu được nhận vào làm việc cấm làm thêm giờ đối với lao động trẻ em để đủ thời gian cho việc giáo dục, nghỉ ngơi và các hoạt động khác (Đoạn 13).

- Về thời giờ nghỉ ngơi, hiện nay vẫn chưa có quy định riêng cho lao động chưa thành niên, mà vẫn theo quy định về thời giờ nghỉ ngơi của người lao động nói chung (từ Điều 109 - 116 BLLĐ năm 2019)

Nguồn tham khảo:

Tài liệu do World Vision International tại Việt Nam thực hiện trong khuôn khổ Dự án ACE.

_________

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo OA: Tổng đài 111 
+ Website Tổng đài 111:   Tongdai111.vn

+ Tiktok: Tổng đài 111

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.