• 111
  • lang
  • lang

Gia tăng F0 là trẻ em nhập viện, có cả ca nặng phải thở máy, lọc máu.

Số bệnh nhi F0 cần nhập viện điều trị đã tăng gấp hơn 4 lần so với thời điểm giữa tháng 10 vừa qua.

Việc trì hoãn cho trẻ mầm non và lớp 1 đến trường là có cơ sở. Bởi dù tỷ lệ chuyển nặng thấp hơn người lớn nhưng tại TP Hồ Chí Minh những ngày qua, số trẻ F0 nhập viện đang có xu hướng gia tăng, trong đó đã có những ca bệnh nặng, phải thở máy, lọc máu.

Mỗi ngày, khu khám sàng lọc của Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhi đến khám do nghi ngờ nhiễm COVID-19 với các triệu chứng sốt, ho hay có người nhà là F0.

Ảnh minh họa: BSCC.

 

Không phải toàn bộ các ca dương tính đều phải nhập viện điều trị nhưng hiện hơn 200 giường điều trị nội trú tại khoa COVID-19 của bệnh viện này cũng đã kín bệnh nhân.

Một cô bé ở Phường 6 (Q. Gò Vấp) lây nhiễm từ ba và chỉ sốt nhẹ nên được cách ly theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, vẫn có những lo lắng khi mà đã có những trường hợp trẻ chuyển nặng nhưng nhập viện trễ dẫn đến tử vong.

Số ca nhiễm mới COVID-19 tại TP hồ Chí Minh liên tục ở mức trên 1.000 trong suốt 2 tuần qua, vì vậy mà số trẻ F0 gia tăng cũng là điều dễ hiểu. Đa phần trẻ F0 được theo dõi cách ly và điều trị tại nhà. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần theo dõi thường xuyên, phát hiện sớm những triệu chứng báo hiệu bệnh có thể chuyển nặng.

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải -Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP Hồ Chí Minh cho biết khi các bé là F0 điều trị tại nhà, bố mẹ cần theo dõi biểu hiện như sốt, khó thở, đau ngực, đau họng, chỉ số SP02 giảm dưới 96% thì phải đưa bé vào khám trở lại.

Mặc dù trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa, trẻ dễ bị ho, sốt do cảm thường, triệu chứng rất giống với nhiễm COVID-19 và dễ khiến cha mẹ trẻ chủ quan. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, trong bối cảnh hiện nay, nếu trẻ đang khoẻ mạnh bình thường mà bỗng nhiên thấy sốt, ho, đau họng hoặc cảm thấy khó chịu thì tốt nhất là cho trẻ đi khám bệnh, không chủ quan để tầm soát phát hiện sớm, kịp thời điều trị cũng như tránh lây nhiễm cộng đồng.

Theo VTV.VN

 

-------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616