Phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú sẽ được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19. Thai phụ từ 13 tuần trở lên phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng trong tiêm chủng.
Bộ Y tế vừa có Công văn khẩn số 6866/BYT-BMTE về việc ưu tiên tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19
Công văn nêu rõ: Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virus SARS-CoV-2 (COVID-19) với những biến chủng mới nguy hiểm đang diễn biến rất phức tạp. Hiện tại có trên 40/63 tỉnh, thành phố đã có ca nhiễm COVID-19, trong đó có nhiều phụ nữ mang thai, sản phụ cũng bị nhiễm COVID-19.
Nhằm tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an toàn cho phụ nữ mang thai, bà mẹ và trẻ sơ sinh trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có cung cấp dịch vụ quản lý thai, khám thai, đỡ đẻ, chăm sóc trẻ sơ sinh; Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng; Cục Y tế, Bộ Công an; Y tế các bộ, ngành tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt các hoạt động phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế, bảo đảm cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sản khoa và trẻ sơ sinh an toàn, liên tục, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ.
Các đơn vị trên chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có cung cấp dịch vụ sản khoa và chăm sóc trẻ sơ sinh nghiêm túc tuân thủ và thực hiện Quyết định số 3982/QĐ- BYT ngày 18/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Hướng dẫn tạm thời dự phòng và xử trí COVID-19 do chủng virus SARS-CoV-2 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cơ sở y tế.
Đồng thời, báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh/thành phố, bộ/ngành căn cứ vào tình hình dịch bệnh của địa phương cũng như khả năng cung ứng vaccine, xem xét ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đối tượng phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú trên địa bàn, đơn vị.
Chống chỉ định tiêm vaccine Sputnik V cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú
Bộ Y tế lưu ý, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai thực hiện theo Quyết định số 3802/QĐ-BYT ngày 10/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Theo hướng dẫn tại Quyết định số 3802/QĐ-BYT, phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên là đối tượng phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng trong tiêm chủng; phụ nữ mang thai dưới 13 tuần là đối tượng trì hoãn tiêm chủng. Chống chỉ định tiêm vaccine Sputnik V cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú chống chỉ định với vaccine COVID-19 Sputnik V. Ảnh: SK&ĐS
Trước khi tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai, phải hỏi tuổi thai, giải thích nguy cơ/lợi ích, chỉ nên cân nhắc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần tuổi trở lên khi lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi. Phụ nữ mang thai từ 13 tuần tuổi trở lên sau khi được giải thích nếu đồng ý tiêm chủng thì cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quang Thành, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ, ngay trong ngày 10/8, sau khi có quyết định của Bộ Y tế, Bệnh viện Từ Dũ đã triển khai tiêm vaccine cho 21 bà mẹ mang thai là nhân viên của bệnh viện. Ngày 13/8, bệnh viện bắt đầu triển khai tiêm cho các bà mẹ mang thai trong cộng đồng. Đến ngày 19/8, bệnh viện đã tiêm được cho khoảng 3.000 trường hợp, tất cả đều không ghi nhận biến chứng.
Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện đầu tiên triển khai tiêm phòng vaccine COVID-19 cho thai phụ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ ngày 12/8 - 19/8, Bệnh viện đã tiêm được 2.500-3.000 mũi tiêm cho nhân viên y tế bệnh viện và các thai phụ đến khám tại đây.
Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Hoàng Thị Diễm Tuyết chia sẻ thêm, việc chứng kiến cảnh nhiều thai phụ mắc COVID-19 bị diễn tiến nặng dẫn đến thai lưu hoặc tử vong cả mẹ lẫn con đã thôi thúc các y, bác sĩ tại đây triển khai việc tiêm vaccine COVID-19 cho càng nhiều thai phụ càng nhanh, càng tốt.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết cũng lưu ý, bất cứ loại thuốc nào đưa vào cơ thể dù ở đường uống hay tiêm thì đều xảy ra tác dụng phản vệ từ mức độ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên tỷ lệ phản ứng ở phụ nữ sau tiêm rất thấp. Bằng chứng là thực tế trên khoảng 3.000 ca tiêm tại Bệnh viện Hùng Vương chưa có ca nào bị phản ứng phản vệ sau tiêm.
Các phản ứng phụ thường gặp như sốt dường như thấp hơn trong cộng đồng với sử dụng cùng một loại vaccine; các tác dụng phụ khác như mệt mỏi, đau đầu cũng ít gặp hơn… Tiêm vaccine mang lại hiệu quả rất lớn trong việc bảo bệ tính mạng cho mẹ và con. So với những phản ứng phụ này, lợi ích mang lại lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết hướng dẫn, sau tiêm nếu bị sốt thai phụ nên uống nhiều nước, đắp khăn mát, uống paracetamol để hạ sốt. Còn triệu chứng đau tại chỗ tiêm sau 5-7 ngày sẽ mất nên thai phụ có thể yên tâm.
Báo điện tử vtv.
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616