• 111
  • lang
  • lang

Xóa bỏ lao động trẻ em cần sự nỗ lực liên tục, lâu dài từ nhiều phía

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) trả lời phỏng vấn của phóng viên Vì trẻ em về chủ đề Ngày Thế giới chống lao động trẻ em năm 2024 “Hãy hành động vì cam kết chung: Chấm dứt lao động trẻ em!”.

Từ năm 2002, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã chọn ngày 12/6 hằng năm là Ngày Thế giới chống lao động trẻ em, với mục đích vận động người dân trên thế giới quan tâm đến vấn đề lao động trẻ em và cùng nhau hành động để xóa bỏ tình trạng này.

Chủ đề Ngày Thế giới chống lao động trẻ em năm 2024 là “Hãy hành động vì cam kết chung: Chấm dứt lao động trẻ em!”. 

Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu giảm tỷ lệ lao động trẻ em từ 5-17 tuổi xuống dưới 4,9% vào năm 2025 và 4,5% vào năm 2030.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) xung quanh vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH).

PV: - Xin bà cho biết những nguyên nhân chính dẫn đến lao động trẻ em trái pháp luật tại Việt Nam?

Bà Nguyễn Thị Nga: Trước hết phải khẳng định: Lao động trẻ em là xâm phạm quyền trẻ em và ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Nếu trẻ lao động trước tuổi sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, các em không được tiếp cận quyền giáo dục, quyền được chăm sóc sức khỏe… dẫn tới chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai không đảm bảo.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em phải lao động trái pháp luật. Trong đó, nghèo đói và nhận thức về đảm bảo đầy đủ quyền trẻ em là 2 lý do chính dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật khi sử dụng trẻ em lao động. 

Việt Nam đang thực hiện mục tiêu giảm thiểu, tiến tới chấm dứt lao động trẻ em trái pháp luật. Để hoàn thành mục tiêu này cần có nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực phục vụ công tác trẻ em.

Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 có chủ đề: “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” nhằm tăng cường sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ngành, gia đình và xã hội trong việc bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em, tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện.

- Thời gian qua, Việt Nam đã có những chương trình, dự án hay những hoạt động nào nhằm xóa bỏ lao động trẻ em trái pháp luật, thưa bà?

- Điều 37 Hiến pháp 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

Bên cạnh đó, Luật Trẻ em cũng quy định: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động, không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em….

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật và thực hiện nhiều chính sách đồng bộ nhằm bảo vệ trẻ em và giảm thiểu lao động trẻ em.

Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 3 nhóm mục tiêu cốt lõi: Ngăn ngừa và phát hiện các trường hợp lao động trẻ em trái pháp luật, hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em tham gia lao động trái pháp luật và trẻ em có nguy cơ;

Nâng cao nhận thức về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; Nâng cao năng lực về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Chương trình cũng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ lao động trẻ em từ 5-17 tuổi xuống dưới 4,9% vào năm 2025 và 4,5% vào năm 2030.

Trẻ em vẽ tranh tuyên truyền phòng, chống lao động trẻ em.

- Xin bà cho biết một số kết quả trong công tác phòng, chống lao động trẻ em ở Việt Nam?

- Thời gian qua, nhiều giải pháp, hình thức truyền thông, giáo dục, vận động xã hội không ngừng được đổi mới và mở rộng diện bao phủ để giải quyết vấn đề nhận thức của các gia đình, cha mẹ và chính trẻ em về giáo dục, việc làm và giảm, xóa nghèo bền vững.

Các chiến dịch truyền thông được phát động ở cả trung ương và địa phương; Cộng đồng, gia đình, trẻ em và người chưa thành niên liên tục được cập nhật thông tin qua nhiều hình thức như: Báo chí và truyền thông đại chúng, mạng xã hội, các câu lạc bộ, nhóm truyền thông tại cộng đồng dân cư.

Nhờ đó, nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, trường học, các tổ chức xã hội, người sử dụng lao động, nhất là cha mẹ và trẻ em đã được cải thiện đáng kể, góp phần tích cực vào kết quả giảm trẻ em tham gia hoạt động kinh tế, trẻ em làm việc, đặc biệt là lao động trẻ em.

Đến nay, đã có 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 8 bộ, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, 13 địa phương lồng ghép kế hoạch triển khai Quyết định phê duyệt Chương trình trong kế hoạch triển khai Chương trình hành động vì trẻ em trên địa bàn.

Hệ thống pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật được hoàn thiện, phù hợp với các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn.

Đến nay, quy trình, mạng lưới phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em gắn với hệ thống bảo vệ trẻ em đã được triển khai.

Hiện nay, tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam thấp hơn 2% so với trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm thiểu lao động trẻ em đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, với đánh giá tích cực từ ILO. 

Chỉ còn 1 năm nữa để hoàn thành sáng kiến 8.7 nhằm đóng góp vào Mục tiêu Phát triển Bền vững số 8 và tiến tới xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025 mà Việt Nam là một trong 15 quốc gia tiên phong ở khu vực châu Á.

Điều này đòi hỏi phải có nỗ lực liên tục và lâu dài từ nhiều phía, bao gồm Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cộng đồng, gia đình và chính trẻ em.

Chỉ có sự hợp tác chặt chẽ và cam kết mạnh mẽ, Việt Nam mới có thể đạt được mục tiêu bảo vệ trẻ em và đảm bảo tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ.

Bởi trẻ em có quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động, không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại theo quy định của pháp luật.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn tham khảo:

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/xoa-bo-lao-dong-tre-em-can-su-no-luc-lien-tuc-lau-dai-tu-nhieu-phia-20240627130903547.htm

____
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:       https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111       https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:     Tongdai111.vn

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.