• 111
  • lang
  • lang

1 triệu máy tính cho học sinh nghèo học trực tuyến

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì lễ phát động chương trình 'Sóng và máy tính cho em' theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với đầu cầu 63 tỉnh thành vào tối 12-9.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ phát động - Ảnh: VGP

Chương trình Sóng và máy tính cho em được Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo phát động, Bộ Thông tin và truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo thực hiện với mục đích hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch COVID-19 (thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg) để các em có điều kiện học tập trực tuyến hiệu quả.

Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và đào tạo, tính đến ngày 12-9, cả nước có 26/63 tỉnh, TP đang dạy, học trực tuyến, trong đó có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến. 

Tổng số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp. Tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh, TP đang học trực tuyến và cần được hỗ trợ ước khoảng 1,5 triệu học sinh.

Chương trình Sóng và máy tính cho em đặt mục tiêu bảo đảm việc phủ sóng di động toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 và thực hiện học trực tuyến; phủ sóng toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc. Trong năm 2021, huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc; trước mắt ưu tiên cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 và thực hiện học trực tuyến...

Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây là phương thức học tập mới, mang tính tình thế nhưng phù hợp trong điều kiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội để học sinh, nhất là các cháu ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hộ khó khăn có điều kiện học tập, bình đẳng trong tiếp cận kiến thức. 

Tuy nhiên, đây là phương thức học tập mới đòi hỏi các nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý, thầy cô giáo phải điều chỉnh phương pháp giảng dạy, nội dung, giáo trình, thời lượng và khối lượng kiến thức phù hợp để các cháu tiếp thu một cách tốt nhất, đặc biệt đối với các cháu bước vào lớp 1 và cuối các cấp học.

Ngay tại lễ phát động, các ngành thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo; ngân hàng; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; các tỉnh, TP, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đã ủng hộ hơn 1 triệu máy tính với trị giá hơn 2.500 tỉ đồng; đầu tư 3.000 tỉ đồng để phủ sóng, hưởng ứng chương trình Sóng và máy tính cho em.

Trước sự kiện phát động ngày 12-9, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đã phối hợp với công đoàn giáo dục Việt Nam phát động cuộc quyên góp, ủng hộ máy tính cho học sinh khó khăn để học tập trực tuyến. 

Ở nhiều địa phương, việc phát động này được đông đảo cán bộ, giáo viên, phụ huynh hưởng ứng ngay trong tuần đầu thực hiện. Cụ thể ở Hà Nội, trong một tuần, 2.345 máy tính, điện thoại thông minh đã được quyên góp hỗ trợ học sinh khó khăn học trực tuyến.

THANH HÀ - VĨNH HÀ - Báo Tuổi trẻ.

-------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061