• 111
  • lang
  • lang

10 sự thật về mua bán người mà bạn cần biết (phần 1)

Theo Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision Vietnam), tội ác mua bán người, hành vi biến người khác thành nô lệ vẫn tồn tại, trở thành một sự thật đáng buồn trong thế giới phát triển và toàn cầu hoá hiện nay. Mua bán người có thể gọi là một ngành công nghiệp bẩn, phức tạp có liên quan đến nguồn tiền khổng lồ, được tồn tại bởi sự dung túng và lơ là của cộng đồng có tội ác này xảy ra.

Không ít người sẵn sàng chi trả cho kẻ môi giới để được sang bên kia biên giới làm việc mưu sinh bằng những công việc không giấy tờ như giúp việc nhà, làm việc trong nhà máy, công việc đồng áng, hoặc những công việc không giống như hứa hẹn với thời gian dài, mức lương thấp và điều kiện vật chất không an toàn. Những nạn nhân có thể là trẻ em, trẻ vị thành niên hay người trưởng thành dưới 30 tuổi. Phần lớn họ đều không có kỹ năng làm việc nhất định, xuất thân từ gia đình khó khăn, thiếu thốn, vùng sâu vùng xa

Theo thống kê hàng năm, có ít nhất 800.000 người đã bị mua bán qua biên giới. Và trong đó ít nhất một phần ba số nạn nhân đến từ Đông Nam Á, đi qua các nước Đông Nam Á hoặc bị đưa đến khu vực Đông Nam Á. Vì thế, khu vực biên giới có nhiều lỗ hổng giữa các quốc gia ở tiểu vùng sông Mekong đã trở thành điểm nóng nhất của tội ác mua bán người. Phạm vi rộng lớn về mặt địa lý của khu vực tiểu vùng sông Mekong gây nhiều khó khăn cho những nỗ lực ngăn chặn việc mua bán người. Những yếu tố trên khiến thực trạng của tội ác này xảy ra tinh vi hơn, dễ bị che giấu hơn và ít được hiểu rõ hơn.

Để mọi người có được góc nhìn mới và hiểu hơn về những trải nghiệm không may mắn khi là nạn nhân của mua bán người, hãy cùng tìm hiểu "10 sự thật về mua bán người mà bạn cần biết" được thực hiện bởi Tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision). Đây là kết quả của nỗ lực vạch trần sự tàn ác trong mỗi bước mua bán người mà ngành công nghiệp bẩn này đang che giấu.

1. Trẻ em gái/ phụ nữ cũng bị mua bán để làm những công việc khác ngoài mại dâm

Bởi vì khả năng gây bức xúc dư luận và sự lạm dụng đau lòng của những câu chuyện bé gái/ phụ nữ khi bị mua bán vào nhà chứa, nên truyền thông sẽ thường lấy những nội dung đó để thu hút độc giả. Trong khi đó, nhiều nạn nhân nữ bị cưỡng ép lao động, bị đối xử như nô lệ tại các nhà máy, khi giúp việc tại nhà riêng, hay trên thuyền đánh cá, nơi trồng trọt, cũng là những sự thật cần được chú ý nhiều hơn bởi cộng đồng. Vì thực tế, tỷ lệ nạn nhân nữ bị mua bán vì mục đích khác ngoài mại dâm chiếm đa số và đang mang lại nguồn tiền khổng lồ cho những kẻ làm chủ đứng sau.

Việc gửi trẻ em gái đến một gia đình khác có điều kiện hơn để làm người giúp việc, lao động 12 tiếng/ ngày tại những nhà máy cần nhân công giá rẻ hay trẻ em gái bị buộc trở thành ăn xin, bán hàng rong là những câu chuyện phổ biến tại nhiều thành phố tại các nước châu Á. Điều đáng buồn là cha mẹ của các em biết và chấp nhận hình thức lao động mưu sinh như vậy. Các em bị tước mất quyền được sống với gia đình, quyền được học tập, vui chơi

Illustration by Hanna Barczyk
 

2. Việc mua bán người có tồn tại dưới nhiều hình thức và đang được chấp nhận một cách sai trái 

Những ranh giới để phân biệt các hành vi lạm dụng vẫn đang khá mờ mịt giữa lao động trẻ em, lao động nhập cư, bóc lột lao động, lao động bất hợp pháp và mua bán lao động, khiến nhiều chủ đề không dành được sự chú ý đáng có.

Nạn nhân của mua bán người dưới hình thức lạm dụng lao động có mặt ở nhiều ngành nghề quen thuộc như: phục vụ nhà hàng khách sạn, quét dọn đường phố, ăn xin, giúp việc gia đình, công việc đồng áng và công nhân nhà máy. 

Không ít trường hợp người giúp việc gia đình bị bóc lột lao động khi phải làm việc hơn 12 tiếng/ ngày liên tục nhiều năm liền và không nhận được sự chú ý của các cơ quan chức năng khi người chủ gia đình viện cớ họ hàng lên hỗ trợ gia đình.

Nhiều trường hợp thê thảm hơn khi các trẻ em nữ/ người phụ nữ làm giúp việc bị cưỡng bức, bị bạo lực tình dục bởi chính người chủ thuê họ. Tuy nhiên những nỗ lực, quy trình bảo vệ người giúp việc gia đình vẫn diễn ra chậm, ít có sự tiến triển đáng kể. Những sự thật trên sẽ bị lấp liếm bằng nhiều câu chuyện trong mơ về cuộc sống có tiền, cơ hội đổi đời từ những người có ý định mua bán người lao động khi đang cố gắng dụ dỗ nạn nhân từ các vùng hẻo lánh rời gia đình. Nạn nhân không tự nhận thức được họ sẽ phải đánh đổi bằng một cuộc sống xa gia đình, mức lương thấp, trẻ em sẽ không được học hành, không được bảo vệ. Bên cạnh đó họ không hề biết rằng pháp luật cấm các hình thức trao đổi, mua bán người lao động như một loại hàng hoá vì không đảm bảo được an toàn lao động và mức lương tương xứng cho lao động phổ thông. Trong khi đó, chính những kẻ có hành vi mua bán người và chính quyền địa phương cũng chưa nhận thức được đây được xem là hành vi mua bán người. 

3. Những công việc bất chính càng thúc đẩy nhu cầu mua bán người

Nhiều công việc trái pháp luật, nguy hiểm, phải chịu sự tủi nhục đang thu hút nhiều người lao động cần việc làm. Và chính sự bất chấp này càng làm giàu thêm cho những đường dây mua bán người. Giữa những nước thuộc tiểu vùng sông Mekong, có khu vực biên giới dễ dàng qua lại theo đường thuỷ hoặc đường bộ, và người dân dễ dàng học tập văn hoá cũng như ngôn ngữ của nhau. Lợi dụng sự tiện lợi này, nhiều nhà máy cố tình bóc lột sức lao động và sự thiếu hiểu biết của những người đang cần việc làm đến từ những nước cận kề, biến trẻ em thành nhân công giá rẻ trong điều kiện làm việc hết sức tồi tệ. Nhiều trường hợp những ngành nghề nguy hiểm khó tìm được nhân công, người sử dụng lao động sẽ chuyển sang tìm kiếm lao động bị mua bán bất hợp pháp.

Có nhiều cách để những người sử dụng lao động bất hợp pháp có thể kiểm soát người lao động phổ thông theo cách họ muốn: giữ giấy tờ tuỳ thân, canh gác, phải sống xa cộng đồng, không cho học tiếng ở nước sở tại, đe doạ việc bị giam giữ bởi chính quyền nếu cố trốn đi. Vì thế không ít trường hợp người lao động bị bóc lột trong nhiều năm liền nhưng vẫn tin tưởng rằng họ sẽ giàu lên một ngày nào đó, sau khi đã trả hết chi phí nhập cư để có được công việc này.

Nhóm người nghèo, khó khăn, không được tiếp cận giáo dục, dân tộc thiểu số thường là những con mồi của kẻ có ý định bóc lột sức lao động, vì họ dễ bị lạm dụng, bị lừa dối, bị đối xử tồi tệ, bị tước đi những quyền con người cơ bản do bản thân họ không đủ hiểu biết.

Illustration: Soham Sen | ThePrint

 

4. Người vượt biên/ di cư bất hợp pháp hiện không được xem là nạn nhân của mua bán người

Khái niệm về mua bán người thường bị định nghĩa không chính xác và hiểu sai. Giả định về nạn nhân của mua bán người phải là người bị bắt cóc và bán sang bên kia biên giới là những mô tả chưa đầy đủ, chưa đúng về nguyên nhân phức tạp của hành vi mua bán người.

Thực tế, hầu hết hành vi mua bán người đều có thể xảy ra dưới hình thức di cư, nhập cư, khi người môi giới có sự đồng ý từ nạn nhân. Và chỉ khi nạn nhân bị ép buộc, bị lừa bằng hành vi bóc lột lao động hoặc tước đi quyền lợi của họ, thì trong trường hợp này hành vi mua bán người mới được thiết lập. Bên cạnh đó, khi nạn nhân không bị mua bán qua biên giới các nước mà chỉ bị đưa đi đến các tỉnh khác quê nhà của họ, cũng đã được xem là hành vi mua bán người.

Trong khi việc mua bán người qua biên giới là vi phạm pháp luật, nhưng hành vi đưa người vượt biên bất hợp pháp vẫn chưa bị truy tố theo luật mua bán người. Mua bán người là tội ác chống lại một cá nhân, còn vượt biên bất hợp pháp là tội ác chống lại cả một quốc gia. Vượt biên là hành vi đòi hỏi phải vượt qua biên giới quốc gia trong khi mua bán người có thể xảy ra chỉ trong đất nước đó. 

Tuy nhiên, vì những kẻ môi giới vượt biên cung cấp dịch vụ vận chuyển bất hợp pháp và làm giàu nhờ tiến hành nhập cư trái phép cho người có nhu cầu, điều này khiến những người nhập cảnh trái phép dễ bị đẩy vào tình thế bị bóc lột sức lao động. Những kẻ môi giới cũng có khả năng cung người nhập cư trái phép cho kẻ buôn người hoặc trở thành tội phạm mua bán người. Nhiều chuyên gia gợi ý rằng những kẻ mua bán người, kẻ vận chuyển, quan chức liên quan nhận hối lộ, hoặc những người tham gia tao điều kiện chứa chấp đường dây mua bán/ vượt biên, người đều nên bị truy tố theo luật mua bán người chứ không phải luật. 

Và người duy nhất không nên bị xem là tội phậm và đối xử như tội phạm chính là nạn nhân. Vì bất kỳ quyết định nào của nạn nhân mua bán người từng lựa chọn đều khiến họ rơi vào cảnh bị nô dịch và kiểm soát, và câu chuyện trên hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền được bảo vệ và hỗ trợ của họ.

 

5. Nạn nhân của mua bán người thường tự cứu lấy bản thân họ

Những nạn nhân của mua bán người thường hay được miêu tả là người yếu đuối, không có khả năng giúp đỡ bản thân thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên thực tế, rất nhiều nạn nhân đã tự trốn khỏi địa ngục, truy tố, lên tiếng chống lại bọn tội phạm mua bán người. Không những thế, họ vẫn sở hữu sức mạnh đủ để họ bước tiếp một cách tự tin, tự do tiến lên phía trước.

Trong số những nạn nhân mua bán người, không ít người không chỉ vượt qua những tổn thương của việc bị lạm dụng, mà họ còn tham gia đồng hành cùng các hoạt động phòng chống mua bán người. Họ chính là nhóm người hoạt động năng nổ, mạnh mẽ trong việc nâng cao nhận thức về tội ác này và có những hành động mang đến sức ảnh hưởng tích cực.

Những người phụ nữ là nạn nhân của mua bán người cho đường dây mại dâm đã dũng cảm chia sẻ câu chuyện đau lòng của họ, bất chấp những định kiến về đạo đức, giới tính. Họ nỗ lực tuyên truyền với niềm tin rằng sẽ không còn ai ngoài kia phải trải nghiệm cuộc sống đáng sợ ấy giống như họ đã từng. 

Tuy nhiên qua những câu chuyện truyền cảm hứng đó, họ cũng tiết lộ rằng các cơ quan chức năng và cộng đồng còn thiếu sót trong hoạt động bảo vệ công dân khỏi nạn buôn người. Vì những cơ hội trốn thoát khỏi hiểm cảnh đa số đều do nạn nhân nắm bắt đúng thời điểm. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại những nạn nhân trở về gia đình nhưng không được tham gia chương trình hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng hoặc tạo điều kiện sinh kế, hay thậm chí không được ghi nhận trong báo cáo của cơ quan chính quyền.

 

Mời đón đọc các phần tiếp theo của "10 sự thật về mua bán người mà bạn cần biết". 

-----------------

Nguồn tham khảo

https://www.wvi.org/sites/default/files/10Things_0_1.pdf 

https://baodantoc.vn/tuong-lai-nao-cho-nan-nhan-cua-toi-pham-mua-ban-nguoi-3402.htm

-----------------

Ra nước ngoài làm việc luôn là một quyết định lớn và cần được chuẩn bị thấu đáo, cẩn trọng. Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) - Dự án được tài trợ bởi Bộ Nội vụ, Vương quốc Anh - thông qua trang thông tin "Nghĩ trước bước sau”, trang Facebook và Kênh Zalo của Tổng đài 111 cung cấp cho bạn thông tin để tìm hiểu thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Xem các tập phim của series “Nghĩ trước bước sau” và cập nhật các bài viết trên các kênh truyền thông của Tổng đài 111 nằm trong chiến dịch “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” để cập nhật kiến thức, theo dõi tin tức chính thống về lao động và việc làm ở nước ngoài, đặc biệt là tại Anh cho người Việt Nam.  

Facebook Nghĩ trước bước sau: https://www.facebook.com/nghitruocbuocsau

Xem phim Nghĩ trước bước sau: https://www.shorturl.at/bJOVW

Tổng đài quốc gia 111: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte

Tài khoản Zalo chính thức của Tổng Đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616