Một nghiên cứu tại ĐH Ludwig Maximilian Munich, Đức cho thấy trẻ độ tuổi đi học từ 3-10 tuổi trong những ngày phải ở nhà và học tại nhà trong mùa dịch có sự gia tăng stress và lo lắng, và lên đến 14 nguồn stress đặc trưng. Trong đó, việc ở nhà và không được gặp bạn bè là nguồn stress chiếm tỷ trọng lớn nhất cho trẻ ở độ tuổi này.
Quả thật, việc học online, xa thầy cô, bạn bè là một thử thách lớn cho trẻ. Và lúc này cha mẹ chính là người bạn, người thầy trong vai trò mới này. Vậy điều gì cha mẹ nên làm để việc học online của trẻ được hiệu quả và hứng thú hơn.
1. Bước1: Chuẩn bị cho trẻ cả môi trường và tâm lý
Đây là điều cần làm vì việc học của trẻ lúc này không như bình thường, cha mẹ cần dành ít nhất 3 ngày trước khi trẻ đến ngày học đầu tiên để dành cho bước chuẩn bị này. Nó gồm những gì?
● Môi trường học tại nhà: nên là 1 chiếc bàn và ghế cố định cho việc học, không nên để trẻ bạ đâu ngồi đó vì điều này làm tâm lý trẻ không sẵn sàng cho việc học. Cùng trẻ thiết kế khu vực học với chỗ để sách, vở, và dụng cụ học tập. Có thể trang trí 1 thời khóa biểu gây hứng thú và 1 bảng chấm sao mỗi ngày nếu trẻ làm tốt hay làm chưa tốt. Chỗ học nên có đủ ánh sáng, tránh tiếng ồn TV, nhà ăn. Mọi việc chuẩn bị đều khuyến khích trẻ cùng làm với bạn từ việc chọn chỗ đến bao tập vở.
● Dành thời gian để trẻ bày tỏ những suy nghĩ và lo lắng về ngày nhập học, học online là gì, con gặp cô ra sao, bạn bè như thế nào... Hãy dành những buổi tối cùng con nói chuyện hay đọc sách về việc học online, và luôn cho trẻ thấy rằng việc trẻ lo lắng hay cảm giác lúng túng là bình thường vì cha mẹ cũng như con cũng phải lần đầu làm việc ở nhà online. Cho trẻ hiểu nó không có gì là xấu hổ nếu con không biết phải làm sao. Nhưng dù thế nào cha mẹ vẫn luôn ủng hộ con và tin rằng con làm được.
● Dành thời gian tìm hiểu lịch học của con từ nhà trường và biết cách đánh giá học tập của con từ thầy cô và nhà trường như thế nào. Cả cách thông thường và cách chính thức. VD, cô giáo sẽ kiểm tra bài cũ con ra sao? Hỏi đáp hay bắt các con viết. Đó là dạng thông thường. Chính thức là các con sẽ thi như thế nào? Tìm hiểu bước này là quan trọng cho bước thứ 2.
2. Bước 2: Để trẻ không một mình.
Điều này không có nghĩa là lúc nào bạn cũng chăm chăm ngồi kế trẻ. Với các bé nhỏ hơn 8 tuổi hoặc bé mới vào lớp 1 bạn có thể ngồi hỗ trợ trẻ, nhưng các bé lớn hơn không cần thiết vì các bé đã phần nào quen với thầy cô. Tuy nhiên, bạn cũng nên dành 1-2 tuần đầu ngồi cùng trẻ để hiểu hơn cách học và làm việc của con.
● Dành thời gian để trao đổi với trẻ những khó khăn trẻ gặp lúc học để kịp thời hỗ trợ. VD, cô nói con không nghe. Có thể âm thanh không đủ lớn chứ không phải là bé không chú ý.
● Những nghiên cứu cho thấy trẻ có thể gặp khó khăn về tập đọc và làm toán khi học online. Cha mẹ nên dành thời gian thêm phần này như hướng dẫn con cách đọc và làm bài tập toán.
● Dành vài tuần đầu cùng con cũng để giúp bạn hiểu thêm về những gì con cần trong việc học online như:
+ Liệu con đang học những môn nào?
+ Liệu con cần chuẩn bị cho các bài kiểm tra như thế nào?
+ Giáo viên có đặt ra bất kỳ đánh giá không chính thức nào mà
con cần phải thực hiện? VD, bài tập nhóm
+ Con có biết tải sách và tài liệu mà chúng cần không hay sách và tài liệu nào tôi cần mua?
+ Con có giờ nghỉ giải lao không?
+ Có cam kết nào mà con phải tuân theo?
Những điều này chỉ để bạn hiểu con đang có những khó khăn gì, và cần hỗ trợ ra sao?
3. Bước 3: Giúp trẻ có lối sống và sinh hoạt lành mạnh
Học online sẽ chiếm 1 thời gian trên màn hình của con. Nếu con phải học lâu dài trên máy tính, mà thời gian nghĩ giải lao không đủ. Bạn có thể hướng dẫn bé quy tắc 20-10, tức là sau 20 phút trẻ nhìn màn hình thì con hãy nhìn ra chỗ góc xa và đếm 1-10 rồi vào học tiếp để mắt trẻ không quá mệt mỏi và trẻ cũng tập trung được tốt hơn
● Giúp trẻ ăn uống đúng bữa, bữa ăn nên tránh ít nhất 1 tiếng trước giờ học để trẻ cảm thấy thoải mái trong lúc học hơn.
● Nên để sẵn chai nước và nói với trẻ con khát thì cứ lấy uống không cần xin phép cô giáo.
● Dành thời gian vận động hoặc giúp trẻ đi dạo quanh nhà là cần thiết vì việc học online có thể làm trẻ phải ngồi quá lâu trở nên ít vận động, cơ thể trẻ dễ mệt và khó tiếp thu bài.
4. Bước 4: Làm bạn của con
● Cha mẹ luôn là nguồn động viên và luôn dành thời gian để trò chuyện để hiểu cảm nhận và khó khăn trẻ đang mắc phải.
● Tránh mắng chửi trẻ vô cớ hay cha mẹ cải vã đặc biệt lúc bé đang online cùng thầy cô và bạn bè.
● Hiểu rằng ai cũng gặp khó khăn và trẻ cũng vậy, và cho trẻ hiểu điều này và không có gì xấu hổ khi con nghe bài không hiểu hay không biết làm bài. Đơn giản là chúng ta sẽ cùng tìm cách giải quyết nó, và cho trẻ thấy bạn yêu và quan tâm đến trẻ như thế nào.
Notes
Helping your child to learn at home. 2020. Cambridge Assessment International Education.
Help your child beat exam stress. 2020. NHS.
Christner N, et al. Children's psychological well-being and problem behavior during the COVID-19 pandemic: An online study during the lockdown period in Germany. PLoS One. 2021 Jun 23;16(6):e0253473.
---
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061