Khi phải đối mặt với bạo lực học đường, không khó để thấy được rằng một số trẻ sẽ hồi phục nhanh hơn hoặc đối mặt với hậu quả tốt hơn một số trẻ khác. Vậy điều gì đã giúp các con vượt qua được tốt hơn các bạn? Theo nhiều nghiên cứu, ở nhóm trẻ thường là nạn nhân của bạo lực sẽ có một số đặc điểm tính cách như mức độ tự tin thấp, lòng tự trọng bị tổn thương, thiếu sự quyết đoán, khó kết bạn và thiếu các kỹ năng xã hội.
Ngược lại, nếu trẻ có sự tự tin ổn định, quyết đoán, có chủ kiến, kỹ năng xã hội tốt và có những mối quan hệ bạn bè tích cực, thường sẽ không trở thành mục tiêu của những kẻ bắt nạt hoặc sẽ biết cách đối mặt với bạo lực nếu không may xảy ra. Ngoài ra, những tính cách trên sẽ giúp trẻ vượt qua được những sự cố bị bắt nạt bạo lực tốt hơn. Mời theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về 4 đặc điểm tính cách hữu ích cho các em.
Dạy trẻ về sự quyết đoán, có chủ kiến
Những chương trình dạy về các kỹ năng tăng tính quyết đoán, khẳng định chủ kiến có thể giúp giảm tỷ lệ trở thành nạn nhân của BLHĐ. Nhưng với nhiều trẻ, sự quyết đoán cần phải được hướng dẫn và học tập do bản chất các em không đủ quyết đoán. Các em có thể gặp khó khăn khi phải lên tiếng về quyền lợi của bản thân, nhất là khi phải đối mặt với bạo lực hoặc các hành vi xúc phạm khác.
Nếu cha mẹ nghĩ con trẻ trong gia đình gặp vấn đề này, hãy bắt đầu trao đổi với con, giúp con phân biệt về việc bảo vệ chủ kiến của bản thân so với việc trở nên cáu gắt khi tranh luận: việc trẻ nên cáu gắt, áp đặt là khi ai đó muốn ép đối phương phải làm theo những gì họ muốn mà không quan tâm đến ý kiến của đối phương. Trong khi đó, người có chủ kiến, quyết đoán là người dám nói lên suy nghĩ của bản thân và tự tin bảo vệ lập luận của mình, chống lại sự bất công. Nhóm người này sẽ cố gắng giữ trạng thái bình tĩnh, thái độ tôn trọng và dùng từ ngữ tôn trọng đối phương nhưng không kém phần tự tin. Họ sẽ cố tránh to tiếng, la hét, đặc biệt khi phải đối mặt với kẻ bắt nạt.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cho con tự do đưa ra lựa chọn ở một vài tình huống nhất định, để cho con biết việc từ chối, nói không với những lời đề nghị làm con khó chịu, bối rối là chuyện hết sức bình thường. Con có quyền đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân. Con không có nghĩa vụ phải làm vui lòng ai khác.
Bên cạnh đó, trẻ cũng cần được biết rằng việc trở nên quyết đoán, có chủ kiến không có nghĩa là trẻ không nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh khi cần thiết. Khi bị bắt nạt, bất cứ ai cũng cần sự giúp đỡ, dù là nhỏ nhất. Cha mẹ hãy cho con trẻ biết không có gì phải xấu hổ khi tìm kiếm sự giúp đỡ, yêu cầu giúp đỡ từ người khác. Mà ngược lại, hành động kêu gọi sự trợ giúp này là hết sức dũng cảm, đúng đắn vì các con có thể tự nhận ra rằng việc đối mặt với bắt nạt khá khó khăn và đầy thử thách.
Xây dựng tình bạn tích cực
Bạn bè là một trong những mối quan hệ quan trọng đối với con trẻ, đặc biệt là khi bị bắt nạt. Có một số trường hợp kẻ bắt nạt thường nhắm vào những trẻ ít bạn bè hoặc thậm chí tách biệt. Nhưng nếu con trẻ có ít nhất một người bạn tốt, trẻ sẽ có ít nguy cơ bị BLHĐ. Hoặc nếu không may trẻ trở thành tầm ngắm của kẻ bắt nạt, bạn của trẻ có thể sẽ bên cạnh, bênh vực trẻ nhiều hơn những người xung quanh.
Bạn bè cũng là nhân tố quan trọng trong việc giúp trẻ đối mặt với việc bị bắt nạt. Bạn bè có thể bên cạnh, an ủi, động viên trẻ, trò chuyện, tâm sự và lắng nghe nỗi lòng của trẻ. Nhiều con số nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ có xu hướng tâm sự với bạn bè trang lứa hơn cha mẹ nếu trẻ bị bắt nạt. Do đó, một tình bạn chân thành, bền chặt ngoài việc có thể bảo vệ trẻ, cũng có thể giúp trẻ vượt qua hậu quả của việc bị bắt nạt.
Là phụ huynh, cha mẹ nên giúp con trẻ trong việc kết bạn, phát triển tình bạn mới và củng cố lại tình bạn trẻ đang có: cho phép các con học cùng nhau, tham gia các hoạt động chung, trò chuyện, tôn trọng bạn của trẻ. Với những trẻ gặp khó khăn trong việc kết bạn càng cần cha mẹ khuyến khích tham gia các hoạt động mà trẻ thích. Do thông qua các hoạt động đó, trẻ có khả năng gặp được những người bạn cùng sở thích và bắt đầu những tình bạn mới.
Cha mẹ hãy cho trẻ biết rằng những tình bạn tích cực sẽ giúp bảo vệ trẻ, cùng trẻ đối mặt với việc bị bắt nạt. Ngoài ra, bạn bè cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ và thành tích học tập. Tuy nhiên, bạn bè chất lượng hơn là số lượng. Đừng gây áp lực rằng trẻ phải có nhiều bạn. Mà thay vào đó, hãy nhấn mạnh vào việc những tình bạn tích cực, có ảnh hưởng tốt cho các bạn trẻ.
Mời tiếp tục theo dõi phần 2 tại đây
-------------
Nguồn tham khảo: https://www.verywellfamily.com/help-kids-cope-with-bullying-460711
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616