• 111
  • lang
  • lang

4 đặc điểm tính cách có thể giúp trẻ đối mặt tốt hơn với BLHĐ (Phần 2)

Ở nhóm trẻ thường là nạn nhân của bạo lực sẽ có một số đặc điểm tính cách như mức độ tự tin thấp, lòng tự trọng bị tổn thương, thiếu sự quyết đoán, khó kết bạn và thiếu các kỹ năng xã hội. Ngược lại, nếu trẻ có sự tự tin ổn định, quyết đoán, có chủ kiến, kỹ năng xã hội tốt và có những mối quan hệ bạn bè tích cực, thường sẽ không trở thành mục tiêu của những kẻ bắt nạt hoặc sẽ biết cách đối mặt với bạo lực nếu không may xảy ra. Mời theo dõi phần 2 của bài viết.
 

Xây dựng lòng tự tôn

Một trong những phương pháp tốt nhất để giúp trẻ ngăn chặn được việc bị bắt nạt chính là cải thiện lòng tự tôn và tăng cường cho trẻ mức độ tin tưởng vào bản thân. Những đứa trẻ có lòng tự tôn không những tự tin hơn vào bản thân mà còn đối mặt tốt hơn với việc bị bắt nạt.

Khi trẻ có lòng tự tôn cao tức là trẻ có cảm giác tích cực về chính bản thân trẻ. Trẻ hiểu rõ và tin vào quan điểm của bản thân, không ngại bày tỏ nếu không đồng tình với ý kiến trái ngược. Trẻ biết thừa nhận sai lầm nhưng cũng sẽ phát biểu để bảo vệ lẽ phải. Trẻ cũng sẽ lắng nghe lời khuyên của người khác nhưng đồng thời đưa ra quyết định của chính bản thân. Trẻ nhận thức được giá trị của bản thân, yêu bản thân, nhưng cũng tôn trọng và yêu quý mọi người xung quanh. Trẻ hiểu được sự khác biệt ý kiến là gì nhưng vẫn đối đáp với những người khác quan điểm một cách tử tế và bình tĩnh. Trẻ biết giới hạn của bản thân, biết từ chối và không ngại nói không với những yêu cầu không cùng quan điểm. Những kẻ bắt nạt sẽ chần chừ và e ngại khi phải đối mặt với những người có lòng tự tôn cao, tích cực. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra liên hệ giữa lòng tự tôn thấp và khả năng dễ trở thành nạn nhân của bắt nạt.

Một trong những bước giúp trẻ xây dựng nên lòng tự tôn chính là cha mẹ cho trẻ thấy sự yêu thương vô điều kiện từ cha mẹ, gia đình. Khi trẻ biết được khi trẻ có gặp rắc rối, xấu xí, không khoẻ mạnh, cư xử chưa phải phép, thất bại, điểm kém, cãi nhau với bạn bè, cha mẹ vẫn luôn ở bên cạnh và yêu quý chúng. Điều này giúp trẻ dễ dàng chấp nhận sai lầm hoặc thất bại của bản thân mà không cảm thấy bản thân là một kẻ thua cuộc. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể giúp trẻ hiểu rõ hơn và điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và từ đó đưa ra những lời khuyên để các con có thể nỗ lực ở điểm mạnh nhiều hơn hoặc cải thiện điểm yếu. Ngoài ra, việc cha mẹ khuyến khích trẻ tích cực tham gia các hoạt động mà con ưa thích như chạy, chơi thể thao, vẽ, múa, tập đàn… đều là cách giúp trẻ tăng cường sự tự tin và yêu quý bản thân. Đây là hành động khuyến khích trẻ phát triển những điểm mạnh và sở thích của bản thân.


Nâng cao các kỹ năng xã hội 

Theo một số bài nghiên cứu, việc thiếu hụt các kỹ năng xã hội cần thiết cũng là một trong những lý do trẻ trở thành mục tiêu của việc bắt nạt. Vì kẻ bắt nạt nhận ra trẻ không có kỹ năng tự vệ, không có khả năng giao tiếp với những người xung quanh, cô lập bản thân và có thể sẽ không cầu cứu người khác.

Để bắt đầu, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ cách bắt đầu và duy trì nội dung trò chuyện. Khi trẻ cảm thấy thoải mái khi trao đổi, trò chuyện với người khác, điều này sẽ giúp việc phát triển các mối quan hệ cá nhân thuận lợi hơn như tình bạn. Xây dựng được tình bạn vững chãi sẽ giúp trẻ không bị cô lập, lạc lõng. Cha mẹ cũng có thể gợi ý trẻ nếu có cảm tình với người bạn nào, hãy chủ động tiến đến làm quen bằng câu xin chào. Việc này có thể khó khăn lúc đầu nhưng rất cần thiết để các con học được cách bắt chuyện. Khi trẻ quen với bước bắt chuyện, cha mẹ có thể hướng dẫn tiếp cách trò chuyện và duy trì cuộc hội thoại: bằng cách đặt câu hỏi, thay nhau chơi nhập vai. Tuy nhiên, cha mẹ cũng dặn dò trẻ cần phải lịch sự, tử tế, dùng từ ngữ tôn trọng, không gây gổ với bạn. 

Việc dạy và hướng dẫn trẻ về kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giữ thái độ lịch sự, giải quyết tình huống, kỹ năng kết bạn, nâng cao lòng tự tôn và sự tự tin của bản thân, kiểm soát bản thân là những giải pháp mang tính dài lâu trong việc ngăn chặn hậu quả, giúp con trẻ có thể đối mặt với việc bắt nạt hoặc hồi phục một cách tích cực sau sự cố bị bắt nạt. Ngoài việc trợ giúp về tinh thần, những đặc điểm trên cũng hỗ trợ cải thiện thành tích học tập, mang đến tình bạn mới. Do đó, khi trẻ không bị hoặc không còn bị bắt nạt, thì việc cải thiện những ký năng, đặc điểm trên vẫn hữu ích với trẻ và cha mẹ.

 

Không khi nào là quá muộn để giúp trẻ học hỏi, xây dựng những kỹ năng xã hội và cảm xúc quan trọng cho bản thân. Cần thời gian để trẻ có thể hiểu rõ và phát huy những gì trẻ học được, và sự thay đổi ở trẻ sẽ thể hiện rõ rệt sau thời gian nhất định. Không trẻ nào giống nhau, do đó cha mẹ hãy linh hoạt trong việc giáo dục và hỗ trợ trẻ.

-------------

Nguồn tham khảo:   https://www.verywellfamily.com/help-kids-cope-with-bullying-460711

https://www.compassion.vn/post/the-nao-la-tu-tin-vao-ban-than 

http://bit.ly/theselfcompassion

-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy: 
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111: 
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616