Trong thời đại số hiện nay, việc thúc đẩy trải nghiệm trực tuyến tích cực cho thanh thiếu niên trên các nền tảng mạng xã hội trở thành mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ.
Nhằm hỗ trợ các bậc phụ huynh nuôi dưỡng những trải nghiệm trực tuyến an toàn, bổ ích cho con, Meta chia sẻ một số lời khuyên giúp cha mẹ trao đổi hiệu quả hơn với con về việc sử dụng Internet và mạng xã hội một cách lành mạnh.
1. Trò chuyện sớm và thường xuyên với con về việc sử dụng mạng xã hội
Các bậc phụ huynh nên thường xuyên trò chuyện với con về cách sử dụng mạng xã hội cũng như những công nghệ kết nối trên Internet tương tự, nhưng đừng biến những cuộc trò chuyện này trở thành những bài giảng hoặc chất vấn một cách nghiêm túc. Các bậc cha mẹ nên lắng nghe và cho con cảm giác được tôn trọng ý kiến khi trao đổi về chủ đề này.
Các cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái có thể ngắn gọn và ngẫu nhiên, nhưng nên xuất hiện thường xuyên. Cha mẹ có thể hỏi con về sở thích và các hoạt động, ứng dụng mà con thích sử dụng, cách con giao tiếp với bạn bè, hoặc nhu cầu trong khi sử dụng Internet của con và hỗ trợ từ cha mẹ nếu con cần.
2. Trao đổi với con về việc thiết lập công cụ giám sát dành cho cha mẹ
Không chỉ nuôi dạy trẻ, cha mẹ còn phải giúp con trưởng thành một cách lành mạnh. Nếu các bậc phụ huynh có mong muốn thiết lập các công cụ giám sát trên thiết bị điện tử của con mình, Meta khuyến khích bạn trò chuyện với con trước khi tiến hành để có thể chia sẻ rõ ràng ý định của mình và thiết lập các quy tắc giám sát cơ bản cùng con.
Cho dù cha mẹ có sử dụng các công cụ giám sát trên các thiết bị của con hay không, mục tiêu của nên là dạy cho con các kỹ năng tư duy phản biện và phương tiện thông tin mà con cần để tiếp tục có những trải nghiệm trực tuyến bổ ích.
Hiện nay, có rất nhiều các loại công cụ giám sát khác nhau trên các thiết bị và ứng dụng. Cha mẹ nên trao đổi và cùng con xác định công cụ phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình.
3. Thảo luận về an toàn trực tuyến và hỗ trợ khi cần thiết
Độ tuổi thanh thiếu niên hiện nay đang sử dụng mạng xã hội và Internet với tần suất cao, do đó, thế hệ này cũng có ý thức và hiểu biết nhất định về an toàn trên không gian mạng. Cha mẹ có thể trao đổi để nắm bắt mức độ hiểu biết của con về quyền riêng tư và bảo mật, và con đang giữ an toàn cho bản thân như thế nào trên không gian mạng.
Với các bạn trẻ nhanh nhạy về công nghệ, cha mẹ có thể nhờ con hướng dẫn cách cải thiện an toàn và bảo mật trên tài khoản của mình như một cách để kiểm tra kiến thức của con về vấn đề này.
Nếu con mới được tiếp cận công nghệ, cha mẹ có thể bàn luận các chủ đề sau với con:
- Khám phá các công cụ an toàn và bảo mật có sẵn và trao đổi về thời điểm mà con nên sử dụng những công cụ này.
- Thảo luận về cách bảo vệ thông tin trực tuyến hiệu quả với mật khẩu mạnh và hồ sơ cá nhân ở chế độ riêng tư.
4. Sử dụng Internet lành mạnh: Tìm sự cân bằng giữa hoạt động trực tuyến và thực tế
Hành động thường quan trọng hơn lời nói. Thay vì yêu cầu con trẻ không sử dụng điện thoại trong những khoảng thời gian sum họp gia đình, cha mẹ nên làm gương cho con thông qua hành động của chính mình. Cha mẹ có thể trò chuyện với con về thời gian sử dụng thiết bị điện tử và Internet trong tuần so với cuối tuần hoặc các khoảng thời gian rảnh rỗi.
Trên các nền tảng mạng xã hội, Meta đã phát triển các công cụ hỗ trợ người dùng quản lý hiệu quả thời gian trực tuyến của mình, như tính năng giới hạn thời gian hàng ngày trên ứng dụng, công cụ giới hạn thời gian hoặc tạo ra các khoảng nghỉ giải lao trên Instagram thông qua Trung tâm Hỗ trợ dành cho Gia đình, và chế độ yên lặng trên Instagram giúp quản lý thời gian và tập trung.
5. Khuyến khích con giao tiếp trực tuyến lành mạnh với bạn bè, gia đình
Khi trẻ càng lớn, nhu cầu sử dụng các nền tảng mạng xã hội để kết nối với bạn bè, người thân dần tăng lên. Vì vậy, cha mẹ nên trò chuyện để tăng nhận thức của con về dấu vết kỹ thuật số của mỗi người, cũng như khuyến khích con chia sẻ những thông tin tích cực trên các nền tảng số vì một khi đã đăng trực tuyến, những thông tin này sẽ tồn tại trong thời gian dài.
Trên các nền tảng nhắn tin của Meta, cha mẹ có thể tham khảo Công cụ giao tiếp dành cho gia đình trên Instagram, hướng dẫn trò chuyện với thanh thiếu niên về tương tác trực tuyến lành mạnh hoặc cách quản lý các mối quan hệ trực tuyến. Đối với các gia đình có trẻ nhỏ, cha mẹ có thể tham khảo phiên bản Messenger Kids và các tài liệu hướng dẫn sử dụng Messenger.
6. Bạo lực trực tuyến
Các bậc phụ huynh không nên phản ứng quá mức nếu con đề cập đến vấn đề con gặp phải trên nền tảng trực tuyến, bao gồm bạo lực trực tuyến, lời lẽ thù địch hoặc nội dung đáng lo ngại. Phản ứng thái quá từ cha mẹ có thể khiến các em e ngại trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ và lời khuyên.
Cha mẹ có thể trò chuyện với con về các công cụ mà con có thể sử dụng, cũng như các hành động nhằm bảo vệ sự an toàn trực tuyến, sức khỏe tinh thần, và cách đối mặt với các hành vi, nội dung hoặc tương tác tiêu cực.
7. Khuyến khích con khám phá sở thích và học cách biểu đạt bản thân một cách vui vẻ, tích cực
Mạng xã hội có thể là một phương tiện tích cực giúp con khám phá sở thích hoặc cùng nhau tạo ra những khoảnh khắc đáng nhớ như một buổi nấu ăn, một bài nhảy hoặc một hoạt động vui nhộn qua hình ảnh và video.
Nguồn tham khảo:
https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/7-loi-khuyen-danh-cho-cha-me-de-giup-con-su-dung-mang-xa-hoi-lanh-manh-20240223183750773.htm
----
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.