Tham dự Hội thảo có ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TBXH); bà Masako – Cố vấn trưởng Dự án “Tăng cường hoạt động đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”; Lãnh đạo Sở LĐ-TBXH tỉnh An Giang; đại diện Cục Cảnh sát hình sự- Bộ Công an, Cục phòng chống ma túy – Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội – Bộ LĐ-TBXH cùng Lãnh đạo các Trung tâm Công tác xã hội 40 tỉnh/thành phố.
Đường dây nóng về phòng chống mua, bán người dần đi vào cuộc sống
Theo báo cáo tại Hội thảo, từ tháng 1/2019- 6/2019, Đường dây nóng phòng chống mua bán người tiếp nhận 764 cuộc gọi, giảm 485 cuộc so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 607 cuộc gọi cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng và phòng chống mua bán người, 141 cuộc gọi tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, 16 cuộc gọi chuyển tuyến giải cứu và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người.
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em phát biểu khai mạc Hội thảo
Đối tượng gọi đến Tổng đài phần lớn là người dân (57,8%), người thân, bạn bè của nạn nhân bị mua bán, nạn nhân của mua bán người. Giới tính gọi đến chủ yếu là nam giới (61,3% nam và 38,7% nữ).
Số lượng cuộc gọi nhiều nhất đến từ khu vực miền núi Phía Bắc, chiếm tỉ lệ 32,7% trong tổng số cuộc gọi đến đường dây nóng. Thứ hai là các tỉnh đồng bằng Sông Hồng với 22,3%. Tiếp đến là các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với 16,4%; vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long với 15,7%; khu vực Nam Trung bộ 6,8%. Các tỉnh khu vực Tây Nguyên có số cuộc gọi tới đường dây nóng chỉ chiếm 5,9% và 1 cuộc gọi từ nước ngoài chiếm 0,1% .
Nội dung cuộc gọi đến Đường dây nóng chiếm phần lớn là cuộc gọi cung cấp thông tin về chức năng hoạt động nhiệm vụ của đường dây nóng. Bên cạnh đó là các cuộc gọi cung cấp thông tin về tình hình buôn bán người tại Việt Nam và các vấn đề khác như di cư, xuất khẩu lao động hoặc việc làm. Bên cạnh đó, Đường dây nóng cũng đã tiếp nhận những cuộc gọi tư vấn liên quan đến vấn đề phòng chống mua bán người. Trong đó, nội dung tư vấn chủ yếu tập trung vào các vấn đề xung quanh việc phòng chống mua bán người, tư vấn tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ tài chính cho đối tượng là nạn nhân của mua bán người, hỗ trợ tư vấn tìm kiếm nơi tạm lánh, hỗ trợ tư vấn pháp lý, tư vấn tâm lý cho nạn nhân và gia đình…
Quang cảnh Hội thảo
Cùng với đó, số lượng cuộc gọi chuyển tuyến của 06 tháng đầu năm 2019 là 16 trường hợp. Trong đó, có 03 trường hợp chuyển tuyến sang các tổ chức phi chính phủ, 02 trường hợp chuyển tuyến sang Công an; 11 trường hợp chuyển tuyến đến cán bộ thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Nội dung các ca chuyển tuyến liên quan đến giải cứu nạn nhân; thông báo và tìm kiếm người mất tích và can thiệp hỗ trợ nạn nhân trở về.
Hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán
Một trong những ca điển hình mà Tổng đài 111 tiếp nhận trong 6 tháng đầu năm 2019 được chia sẻ tại Hội thảo đã gây được sự quan tâm của các đại biểu. Cụ thể, 25/5/2019, Tổng đài 111 tiếp nhận cuộc gọi của chị họ của nạn nhân là Y.R dân tộc Ba Na và anh V.H.L (chủ nhà nơi chị Y.R làm giúp việc), thông báo về việc chị A.T (sinh năm 1996) ở thôn Playiklech- xã Ngọc Bay- Tp Kon Tum - tỉnh Kon Tum bị bắt lên tàu đánh cá Đức Minh số hiệu KG95475TS. Sự việc xảy ra vào sáng ngày 24/5 khi nạn nhân ra bến xe miền Đông về Kon Tum viếng đám ma người thân. Thời điểm người nhà nạn nhân gọi đến Tổng đài thì tàu trên vùng biển Thổ Chu – Đảo Phú Quốc – Kiên Giang. Nạn nhân bị đánh đập, bỏ đói và bắt làm việc. Nạn nhân vẫn dùng được điện thoại nhưng điện thoại không có mạng và không có hệ thống định vị. Ngày 27/5 chủ thuyền gọi gia đình đòi tiền chuộc mới thả nạn nhân về. Tổng đài đã hướng dẫn gia đình làm đơn trình báo công an tỉnh Kon Tum, tỉnh Kiên Giang, bộ đội biên phòng Kiên Giang. Tổng đài thực hiện kết nối chuyển tuyến sang Cục Cảnh sát hình sự Bộ công an và Tổ chức Rồng Xanh. 08/6 tổ chức Rồng Xanh đã phối hợp với Bộ đội biên phòng giải cứu thành công nạn nhân cùng 4 nạn nhân khác, các nạn nhân đã trở về gia đình an toàn. Hiện tại Bộ đội biên phòng đang phối hợp với công an tỉnh Kiên Giang để xử lý tàu Đức Minh về tội mua bán người trái phép.
Trong bối cảnh tại Việt Nam, số nạn nhân mua bán người ngày càng gia tăng theo đà phát triển của nền kinh tế, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ phái cử Chuyên gia cố vấn về hoạt động phòng, chống mua bán người và triển khai Dự án Thiết lập đường dây nóng phòng, chống mua bán người tại Việt Nam (Giai đoạn I từ năm 2012-2016). Nhằm tăng cường hợp tác liên bộ và năng lực của đường dây nóng, và mở rộng dịch vụ đường dây nóng trên toàn quốc, JICA tiếp tục hỗ trợ Dự án “Tăng cường hoạt động đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”, giai đoạn II (từ tháng 11-2018 đến tháng 11-2021). Theo đó, giai đoạn II của Dự án, JICA sẽ hỗ trợ trang thiết bị cần thiết để đưa vào vận hành Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người tại Tổng đài trung ương ở Hà Nội (khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ), và các Trung tâm vùng tại An Giang (khu vực phía Nam) và Đà Nẵng (khu vực miền Trung-Tây Nguyên); nâng cao năng lực cho các tư vấn viên và đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành giữa các tổng đài của Đường dây nóng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Hội Liên hiệp Phụ nữ trong việc hỗ trợ các nạn nhân và tăng cường hoạt động quảng bá cho số điện thoại mới của đường dây nóng là 111..
|