• 111
  • lang
  • lang

8 phương pháp để học tập hiệu quả tại nhà cho trẻ trong mùa COVID-19

     Học tập tại nhà là một nhiệm vụ thiết yếu nhưng đầy thử thách đối với trẻ và cha mẹ khi dành thời gian trong nhà suốt thời kỳ COVID-19. Duy trì việc học tại nhà góp phần hạn chế được sự ảnh hưởng của virus đến trẻ và trẻ được thực hiện quyền, nghĩa vụ học tập của mình. Bên cạnh đó, học tập còn giúp trẻ sử dụng năng lượng tích cực, hình thành thói quen tập trung, và theo kịp tiến độ bài giảng của thầy cô. Tuy nhiên để có thể học tập tại nhà hiệu quả cần áp dụng một số phương pháp cụ thể và luôn cần cha mẹ hỗ trợ trẻ thay vì để trẻ nỗ lực một mình.  

1. Hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử có kết nối mạng:

     Hãy cân nhắc hạn chế trẻ sử dụng các ứng dụng không liên quan đến việc học trên các thiết bị điện tử trừ khi trẻ đã hoàn thành việc học trong ngày. Điều này giúp trẻ không bị phân tâm bởi các ứng dụng, trò chơi hoặc video. Đồng thời, nếu có đủ điều kiện, hãy để trẻ được tham gia học trực tuyến cùng thầy cô và bạn bè.

2. Xây dựng thời khoá biểu tích cực

     Cha mẹ nên dành thời gian cùng trẻ xây dựng một thời khoá biểu mới cho các hoạt động học tập hàng ngày xen kẽ với các hoạt động nghỉ ngơi thư giãn. Trẻ cần được hiểu rằng việc thay đổi những hoạt động hàng ngày là nhằm hạn chế sự lây lan của virus nhưng không gián đoạn quá trình học tập của trẻ. Quan trọng hơn, thời gian thức dậy và đi ngủ của trẻ nên được duy trì như khi còn đi học ở trường để đảm bảo trẻ có tinh thần học tập.

3. Có một khu vực riêng cho việc học tập

     Trẻ em sẽ tập trung hơn vào việc học khi ở trong một môi trường yên tĩnh, thoải mái cùng các dụng cụ học tập cần thiết. Do trẻ sẽ học gần như mỗi ngày, cha mẹ nên cân nhắc sắp xếp một nơi đảm bảo các điều kiện ánh sáng và hạn chế các yếu tố gây mất tập trung.

4. Hãy giám sát khi trẻ dùng các thiết bị điện tử 

     Việc quan sát và bên cạnh trẻ trong quá trình học bằng thiết bị điện tử rất quan trọng. Cha mẹ cần chú ý xem trẻ có ghi chú bài vở hoặc bị sao lãng hay không. Sau mỗi bài học, trẻ có thể ôn lại kiến thức bằng việc trả lời các câu hỏi từ cha mẹ. Hành động quan sát này còn có thể giúp cha mẹ phát hiện một vài trục trặc kỹ thuật gây khó khăn cho việc học tập của trẻ. Ngoài ra, việc đảm bảo trẻ thực sự đang tiếp thu bài học sẽ hiệu quả hơn khi có cha mẹ ở bên. 

5. Kết hợp cách học truyền thống

      Dành nhiều thời gian nhìn màn hình các thiết bị điện tử có thể gây ảnh hưởng xấu đến mắt và não bộ. Do đó, ngoài những giờ học trực tuyến cần thiết, cha mẹ nên khuyến khích trẻ đọc sách báo giấy, trao đổi trực tiếp mặt đối mặt với trẻ hoặc để trẻ viết, vẽ ra nếu trẻ muốn. Việc học từ xa sẽ khá lạ lẫm với nhiều trẻ và cha mẹ, nên đừng ngần ngại cùng nhau thử nhiều phương pháp để có cách học hiệu quả. 

6. Đừng ngại tham khảo các phụ huynh khác

     Đồng hành cùng con trẻ trong thời gian này không chỉ có riêng gia đình bạn. Khi gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời khoá biểu học tập cho con, cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của những phụ huynh khác. Hãy chia sẻ những lo lắng hoặc lời khuyên hữu ích với những cha mẹ cùng cảnh ngộ. Đồng thời, cha mẹ cũng có thể liên hệ với thầy cô và trường học khi cần giúp đỡ.

7. Lên kế hoạch thật tốt và hãy thực hiện 

      Việc lên kế hoạch trước sẽ giúp cha mẹ và trẻ em bớt áp lực. Trò chuyện một cách cởi mở cùng con về lịch học tập có thể giúp các con lên kế hoạch lâu dài: xác định những việc ưu tiên, đặt ra mục tiêu học tập, những bài tập cần hoàn thành và thời hạn cụ thể. Khi trẻ đến trường, việc tiếp thu kiến thức và hoàn thành bài tập có thể không khó khăn như lúc phải học từ xa. Do đó, cha mẹ cần hỗ trợ trẻ củng cố các kiến thức và động viên các con đối mặt với khó khăn một cách tích cực. 

8. Làm rõ với trẻ việc giãn cách tại nhà không phải là một kỳ nghỉ

     Hãy nhắc nhở trẻ rằng việc học tại nhà trong thời gian giãn cách không phải là một kỳ nghỉ dài. Các hoạt động như làm bài tập, đọc sách giáo khoa, nộp bài luận và thậm chí làm bài kiểm tra vẫn có thể được thực hiện. Ngoài ra, cha mẹ có thể cố gắng kết hợp bài học cùng với một số sở thích của trẻ để tăng hứng thú học tập. Bên cạnh đó, sau khi trẻ đã hoàn thành xong việc học tập trong ngày, cha mẹ hãy tận dụng thời gian bên trẻ để cùng nhau giải trí, thư giãn và tập thể dục. Luôn có những cách thức phù hợp để cả gia đình có thể giải toả tâm lý và duy trì sức khoẻ. 

      Với nhiều trẻ, việc sắp xếp các hoạt động học tập trong một ngày ở nhà với sự hướng dẫn từ xa từ thầy cô còn lạ lẫm và khó khăn. Điều này có thể khiến trẻ trì hoãn việc học hoặc chuyển sự chú ý sang các hoạt động giải trí. Để giúp trẻ lấy lại sự tập trung cho việc học và học tập có hiệu quả, cha mẹ hãy cùng đồng hành với trẻ nhé.

-----------------------

Nguồn tham khảo:

https://thanhnien.vn/giao-duc/nghi-hoc-do-dich-covid-19-giup-con-hoc-o-nha-hieu-qua-1204215.html

https://tuoitre.vn/giup-con-tu-hoc-mua-dich-covid-19-20200324093239817.htm 

https://nyulangone.org/news/schools-out-parents-guide-meeting-challenge-during-covid-19-pandemic

https://www.researchgate.net/publication/339290099_So_tay_Nang_cao_suc_khoe_tinh_than_trong_mua_dich

https://www.childrenandscreens.com/media/press-releases/covid-19-and-at-home-learning/

-------------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy: 

- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111

- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111

- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111: 

+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte

+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616