• 111
  • lang
  • lang

8.000 trẻ em bị xâm hại trong 5 năm, 90% do người thân quen

          Sáng 27/4, UB Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Báo cáo giám sát được lập sau nửa năm các đoàn giám sát làm việc tích cực với nhiều Bộ, ngành, địa phương. Kết quả giám sát sẽ được trình Quốc hội xem xét, ra nghị quyết giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 9 khai mạc ngày 20/5 tới đây.

Số liệu chưa phản ánh đúng thực tế

          Báo cáo giám sát thể hiện, giai đoạn từ 1/1/2015 đến 30/6/2019 có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với hơn 8.700 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có hơn 6.400 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; hơn 100 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; hơn 1.300 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác.

          Theo các con số của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, từ năm 2011 đến hết tháng 6 năm 2019, toàn quốc có hơn 15.300 trẻ em bị xâm hại được tố cáo, phát hiện, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật (bình quân 150 em bị xâm hại/tháng; 5 em bị xâm hại/ngày).

           Trong các vụ xâm hại theo thống kê 5 năm trở lại đây thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Nhiều địa phương, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90% như: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Nai...

           Nhận định tình hình chung, Đoàn giám sát nhận định, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em. Công tác theo dõi, thống kê tình hình trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến, số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế.

           Đáng chú ý, ngoài các hình thức trẻ em bị xâm hại nêu trên, theo báo cáo của Chính phủ, còn hơn 790.500 trẻ em lao động trái pháp luật; gần 157.000 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13.500 trẻ 15 tuổi tảo hôn.

Bị xâm hại ngay tại môi trường “an toàn nhất”!

Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung nêu nhiều số liệu phản ánh tình hình trẻ em bị xâm hại thời gian qua.

          Qua giám sát tại một số địa phương, nhận định từ Đoàn giám sát là đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ có xu hướng gia tăng, chiếm trên dưới 90%, như: tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau, Phú Thọ, thành phố Hà Nội. Đáng lưu ý, ở nhiều địa phương có vụ bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái; có trường hợp xâm hại tình dục dẫn đến trẻ mang thai, đẻ con; có trường hợp giết con mang tính chất dã man, mất nhân tính.

          Đoàn giám sát nhấn mạnh, gia đình vốn được xem là môi trường an toàn nhất với trẻ em, song vừa qua xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em ngay tại gia đình. Nhiều địa phương, trẻ em bị xâm hại bởi chính người ruột thịt, người thân thích chiếm tỷ lệ cao, như: Hà Tĩnh 67,6%, Hà Nội 51,9%, Bà Rịa Vũng Tàu 33%...

          Theo thống kê của Tổng đài 111 (trong tổng số các cuộc gọi đến), số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88%.

Những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn với trẻ

           Về hậu quả, báo cáo nêu nhiều con số thể hiện mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài về thể chất, tinh thần đối với trẻ em và gia đình:  337 trẻ bị tử vong (trong đó 191 trẻ bị giết, 146 trẻ bị các hình thức xâm hại khác dẫn đến tử vong). 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục. 193 trẻ bị rối loạn tâm thần, 375 trẻ bị thương tật, 180 trẻ phải bỏ học.

          Các trẻ em khác bị xâm hại đều phải gánh chịu những tổn hại về thể chất, tinh thần với những mức độ khác nhau. Việc giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em, theo đánh giá của Đoàn giám sát đã được xử lý nghiêm. Cơ quan điều tra đã khởi tố 7.119 vụ với 7.211 bị can. Tỷ lệ giải quyết án của Viện kiểm sát đạt 98,5% số vụ và 98,7% số bị can. Tòa án đã đưa ra xét xử 6.892 vụ với 7.686 bị cáo; việc áp dụng hình phạt cơ bản nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe. Dự báo tình hình xâm hại trẻ em thời gian tới, Đoàn giám sát phân tích, mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, internet, mạng xã hội, việc di dân tự do, sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức xã hội trong một bộ phận người dân, tình trạng lạm dụng rượu, bia, chất kích thích mạnh khác chưa được ngăn chặn hiệu quả; cùng với đó, còn số lượng lớn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có cha mẹ ly hôn, cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn với trẻ. Trong bối cảnh đó, Đoàn giám sát dự báo, tình hình trẻ em bị xâm hại thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng.

-----

Nguồn: -Phương Thảo -