Lòng tự tôn lành mạnh là một trong những yếu tố thiết yếu để con trẻ phát triển được sức khoẻ tinh thần hiệu quả. Những mối quan hệ bạn bè, hành vi và cảm xúc đều có vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ có nền tảng để giải quyết những bất đồng, khó khăn và thách thức ở tương lai.
Xây dựng được lòng tự tôn lành mạnh, tích cực cũng là một cách duy trì sức khoẻ tinh thần tốt. Việc trẻ thường xuyên được trau dồi sự tự tin sẽ hỗ trợ cho các hành vi giao tiếp xã hội và có tác dụng như một lá chắn trước những tình huống tiêu cực.
Lợi ích của lòng tự tôn lành mạnh sẽ được thể hiện rõ khi trẻ đang phải trải qua biến cố đại dịch COVID-19, đại dịch gây ra nhiều áp lực, nỗi lo sợ, mất phương hướng… Mời cha mẹ cùng theo dõi một số mẹo giúp trẻ xây dựng lòng tự tôn lành mạnh hàng ngày,
1/ Giúp trẻ hiểu đúng lòng tự tôn lành mạnh nghĩa là gì
Cơ bản, lòng tự tôn chính là cách con trẻ nhìn nhận bản thân chúng, nghĩ gì về bản thân, đánh giá về khả năng làm mọi thứ của bản thân. Đồng thời, lòng tự tôn cũng giúp trẻ xác định được trẻ được yêu quý như thế nào? Bởi những ai? Trẻ được hỗ trợ, bảo vệ và khuyến khích hay bị đánh giá bởi những người quan trọng đối với trẻ như là cha mẹ, thầy cô.
Tự tin, tự trọng không có nghĩa là suy nghĩ rằng cả thế giới này đều xoay quanh bản thân mình, hoặc bản thân mình luôn quan trọng hơn những người khác. Tương tự như thế, trẻ có thể hiểu lòng tự tôn lành mạnh không đồng nghĩa với việc kiêu ngạo, hay tự ái hoặc có đặc quyền hơn người. Việc giúp trẻ cân bằng lòng tự tôn lành mạnh với các kỹ năng sống khác như biết đồng cảm, tử tế, ứng xử đúng mực, biết khoan dung, biết ơn cũng rất là quan trọng với cha mẹ.
2/ Cho trẻ thấy tình yêu vô điều kiện của bạn hàng ngày
Việc trẻ có thể thấy được cha mẹ yêu thương chúng hàng ngày sẽ giúp các con cảm thấy an toàn và gần gũi với cha mẹ hơn, và điều này rất quan trọng trong việc trẻ nhìn nhận về bản thân mình. Khi trẻ nhận được tình yêu vô điều kiện của cha mẹ hàng ngày, trẻ đang xây dựng được nền móng vững chắc, mạnh khoẻ cho những mối quan hệ trong tương lai của trẻ sau này.
Những hành động thân thiết như ôm ấp, hôn tạm biệt, cùng ôm nhau và đọc sách, xoa đầu trẻ… đều là cách cha mẹ cho trẻ thấy tình yêu thương với trẻ. Khi trẻ lớn hơn, nền tảng được yêu thương sẽ hỗ trợ trẻ xây dựng những mối quan hệ lành mạnh.
3/ Cùng chơi đùa, thư giãn với các con
Khi cha mẹ dành thời gian với con trẻ, trẻ sẽ hiểu rằng cha mẹ thích được ở chung với các con và điều này sẽ giúp xây dựng mối quan hệ tình thân thêm vững chắc. Có rất nhiều lợi ích trong việc cha mẹ và con cái dành nhiều thời gian thư giãn bên nhau: trẻ sẽ được củng cố sự tự tin, khả năng khiến bản thân trở nên thú vị, hài hước, vui vẻ, tích cực và hạn chế suy nghĩ tiêu cực, lo lắng. Xây dựng lòng tự tin cho trẻ sẽ giúp trẻ có thể xác định được những thử thách trong học tập, khiến trẻ chủ động tìm phương án xử lý.
4/ Cho trẻ cùng chia sẻ trách nhiệm trong công việc nhà và một vài vấn đề khác
Việc tự chịu trách nhiệm cho những công việc phù hợp với độ tuổi của trẻ sẽ giúp trẻ hình thành nên ý niệm mục đích và thành tựu. Dù các con chưa thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hãy cho các con biết rằng cha mẹ cám ơn các con đã biết thử và cố gắng thực hiện. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dành cho trẻ những lời khen ngợi khi trẻ hoàn thành được bất cứ việc gì trẻ đã cố gắng và trấn an trẻ rằng từ từ trẻ sẽ có khả năng làm được tốt hơn, nhanh hơn, kể cả các công việc nhà hàng ngày.
Khi trẻ được tham gia xử lý một số việc nhỏ trong nhà, trẻ cũng sẽ có cảm giác được quản lý cuộc sống của bản thân và tham gia đóng góp công sức cho gia đình. Dần dần, nhờ việc trẻ đã quen với việc có thể tự chịu trách nhiệm hoàn thành những công việc nhỏ, sự tự tin và kiên cường của trẻ cũng sẽ đồng thời được nâng cao.
5/ Khuyến khích sự tự lập
Thời điểm trẻ học cấp 1 là khoảng thời gian trẻ học nhanh nhất về sự tự lập. Cho đến thời điểm học cấp 2, đã có nhiều trẻ muốn dành thời gian một mình tại nhà, hoặc tự đi học và biết giúp đỡ các em mình trong gia đình.
Việc cha mẹ cho trẻ không gian và cơ hội được trưởng thành và độc lập hơn rất quan trọng, như việc để trẻ tự xoay sở cách nói chuyện với giáo viên về những vấn đề trẻ gặp phải, tự sắp xếp cách học tập sao cho hiệu quả tuân theo thời khoá biểu, tự chuẩn bị đồng phục đá bóng… Những bậc phụ huynh luôn theo dõi con cái sát sao, chăm sóc từng tí một sẽ làm chậm quá trình trưởng thành của trẻ, khiến trẻ thiếu đi năng lực tự thân vận động và có thể gây một vài ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự tôn của trẻ, và trẻ cũng đang dần đánh mất sự tự chủ của bản thân.
Phụ huynh hãy lưu ý rằng, học kỳ mới trong năm 2021 này hẳn sẽ có một vài điều thay đổi từ trường lớp về cách học tập hoặc quy định mới. Cha mẹ đừng quên khuyến khích trẻ hãy cố gắng nỗ lực thích ứng với sự thay đổi này, và mạnh dạn đặt câu hỏi khi gặp phải thử thách, trước khi nhờ cha mẹ can thiệp. Bằng những hành động này, trẻ sẽ dần học được cách tự lập tích cực, cho đến lòng tự trọng lành mạnh.
Mời theo dõi phần tiếp theo
-------------
Nguồn tham khảo: https://www.verywellfamily.com/ways-to-build-strong-self-esteem-in-your-child-3953464
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616