• 111
  • lang
  • lang

9 cách giúp trẻ xây dựng lòng tự tôn lành mạnh (Phần 2)

6/ Tránh những lời lẽ, hành vi xúc phạm con trẻ 

Khi con trẻ có khiến cha mẹ cực kỳ bực mình, hay con cư xử vượt quá giới hạn, hãy chắc chắn rằng bạn có khả năng tách biệt những hành vi đó ra khỏi trẻ. Điều này có nghĩa là bạn hiểu được rằng là một con người, sẽ có lúc cảm xúc trẻ khó kiểm soát, và sẽ khiến bạn giận dữ, bị kích động. Việc trải nghiệm những giây phút như vậy có thể chấp nhận được nhưng hãy có gắng tỉnh táo nhất có thể, cố gắng đừng gọi trẻ bằng những biệt danh mang tính miệt thị nhằm sỉ nhục trẻ.

Tuy thực tế những điều trên không hề dễ thực hiện, nhưng cha mẹ hãy cố gắng dành cho trẻ sự tôn trọng tối thiểu, đừng la hét. Khi cha mẹ đang cố gắng thực hiện các biện pháp kỷ luật, đừng để lẫn lộn cảm xúc. Nếu được, hãy thử để trẻ nhận hệ quả tự nhiên nhiều nhất có thể, cùng trò chuyện cùng trẻ với giọng điệu thật bình tĩnh, thân thiện.


7/ Hãy tạo ra những bài học kinh nghiệm để trẻ có thể học tập 

Cha mẹ cần lưu ý rằng trẻ nào cũng có thể phạm lỗi, bất cứ lỗi gì vì trẻ cũng là con người bình thường, không hề hoàn hảo. Trẻ cần được học cách biết tự nhìn lại những sai lầm để thay đổi và trưởng thành.

Các phụ huynh hãy cố gắng kiên nhẫn với con trẻ khi chúng phạm phải sai lầm. Nếu cha mẹ có cảm giác con trẻ sẽ không cư xử đúng mực tại trường lớp, hoặc con có vấn đề về thái độ, hãy cố gắng xoay chuyển tình hình thành một cơ hội để con trẻ học được bài học. Cách làm này có thể giúp con trẻ học được cách xây dựng lòng tự tin, giúp con hiểu được rằng phạm sai lầm không phải là quá đáng sợ, nếu như con nhìn nhận nó theo một cách tích cực.


8/ Quản lý cách và thời lượng dùng các thiết bị công nghệ điện tử 

Trong bối cảnh hiện nay, hầu hết tất cả mọi người, bao gồm các con và cha mẹ, đều kết nối ở một mức độ nhất định với các thiết bị của mình: điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay… Các thiết bị này cho phép người dùng nhắn tin, đăng tải thông tin lên các trang mạng xã hội, tiến hành kinh doanh trực tuyến, làm bài tập về nhà, kiểm tra email hàng ngày.  

Sự kết nối mật thiết này vừa mang đến nhiều sự tiện ích nhưng cũng có những nhược điểm nhất định. Thiết bị công nghệ mang đến sự tiện lợi cho người dùng, giúp người dùng giải quyết các công việc hiệu quả hơn, kết nối, xây dựng, duy trì những mối quan hệ thân thiết từ xa đặc biệt trong giai đoạn COVID-19. Tuy nhiên khi người dùng không biết kiểm soát và sắp xếp thời lượng, cách dùng hợp lý, các thiết bị công nghệ có thể gây ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình và nhu cầu giao tiếp giữa các thành viên. 

Khi dành quá nhiều thời gian giải trí với các thiết bị điện tử, con trẻ hoặc thậm chí là cha mẹ sẽ lười biếng vận động, tham gia các hoạt động thể thao. Do đó, cả gia đình cần thống nhất các hoạt động trực tuyến nào là cần thiết cho học tập, công việc và cái gì là giải trí. Cha mẹ hãy cố gắng cân bằng thời lượng trẻ dành thời gian với các thiết bị điện tử và thời gian hoạt động ngoài trời cùng các thành viên trong gia đình như đọc sách, đạp xe, đi bộ, hoặc chơi trò chơi cùng nhau.

9/ Hãy để con trẻ tự do sáng tạo và thể hiện thành quả của chính mình

Cha mẹ có thể khuyến khích con trẻ trưng bày, trang trí thành quả học tập, bài vẽ, hoặc những ý tưởng của con xung quanh ngôi nhà. Khi con trẻ có bài tập về sự sáng tạo và trẻ muốn chia sẻ suy nghĩ về chúng, cha mẹ hãy cố gắng dành thời gian lắng nghe và đặt những câu hỏi như: các con muốn người xem/ người đọc nghĩ gì, cảm nhận như thế nào? Con hài lòng nhất phần nào trong tác phẩm của con?  

Phụ huynh hãy thường xuyên cho trẻ cơ hội thể hiện những gì trẻ đang đầu tư công sức, nói cho trẻ biết rằng những thứ trẻ đang cố gắng làm đều xứng đáng nhận được sự chú ý. Những sự khuyến khích cần thiết sẽ giúp trẻ hiểu được rằng suy nghĩ và nỗ lực của con đều đáng giá, có người sẵn sàng lắng nghe và ủng hộ con. Đồng thời, việc này cũng giúp trẻ tăng thêm tự tin, là một liều trợ lực giúp trẻ tiếp tục làm việc, học tập chăm chỉ hơn.

Cùng đồng hành với trẻ trong quá trình trẻ học tập cách xây dựng lòng tự tôn lành mạnh là một trong những hoạt động rất có ý nghĩa với cha mẹ và các con. Bất cứ kế hoạch giáo dục cho trẻ nào cũng sẽ cần nỗ lực từ phụ huynh, do đó hãy chịu khó cố gắng nhiều hơn trong  những giai đoạn trẻ còn nhỏ hoặc chưa quen thuộc.

Đồng thời, cha mẹ cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào việc trẻ sẽ trở nên cực kỳ hoàn hảo, xuất sắc hoặc kỳ vọng vào chính bản thân cha mẹ luôn thể hiện thật tốt. Sẽ có những lúc bất cứ ai trong chúng ta đều phạm sai lầm, cha mẹ cũng vậy và trẻ cũng thế. Miễn là cha mẹ luôn cố gắng thể hiện tình cảm cho nhau và cho các thành viên trong gia đình một cách tích cực, chân thành, đủ để giúp các con xây dựng được lòng tự tôn lành mạnh.

 

-------------

Nguồn tham khảo: https://www.verywellfamily.com/ways-to-build-strong-self-esteem-in-your-child-3953464
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616