PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Chủ nhiệm Bộ môn Nhi - Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho biết trở lại trường học trực tiếp là rất cần thiết nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, tâm lý. Để trở lại trường an toàn, cần phải tiêm phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 tuổi.
Biện pháp phòng tránh
Theo PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, tỉ lệ tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên tại TP HCM hiện đã đạt hơn 90%. Tuy nhiên, vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn việc lây nhiễm, cũng như ý thức của người dân còn hạn chế nên nguy cơ trẻ mắc Covid-19 vẫn còn cao. Do đó, nếu quay lại trường học, cần dạy trẻ nhiều biện pháp phòng bệnh.
Đầu tiên là tập cho trẻ đeo khẩu trang thích hợp, đúng cách. Tập thói quen giữ khoảng cách với người khác ít nhất là 1 m. "Nhiều nghiên cứu ở Mỹ cho thấy khoảng cách 1 m là đã hạn chế lây nhiễm. Virus SARS-CoV-2 không thể lây cho người khác nếu F0 cách 50 m. Tuy nhiên, sẽ lây cho 500 người nếu tất cả đứng sát nhau và trong không gian kín như hội trường" - PGS Nguyên thông tin.
Rửa tay ít nhất 20 giây với xà phòng hay dung dịch có trên 60% cồn. Thầy cô nên nhắc nhở trẻ rửa tay trước khi vào lớp, giờ ra chơi, trước khi ăn trưa… Thường xuyên vệ sinh trường, lớp sạch sẽ, thông thoáng. Sắp xếp giờ học, giờ ra chơi, giờ tan trường lệch nhau nhằm tránh ùn tắc, tiếp xúc quá nhiều người.
"Hiện cả thế giới và Việt Nam đã xác định phải sống chung với Covid-19 nên phải chủ động phòng chống và bình tĩnh trong xử lý nếu có ca dương tính. Trong trường hợp thầy cô, học sinh có các biểu hiện hay tiếp xúc với người nghi mắc Covid-19 thì ở nhà, làm xét nghiệm nhanh. Nếu dương tính, cần báo y tế địa phương, nhà trường và thực hiện tất cả các bước của F0 tại nhà. Đừng vì nhân viên, học sinh bị nhiễm là đóng cửa cả trường" - PGS Nguyên đề xuất.
Việc xét nghiệm định kỳ cho tất cả học sinh và nhân viên của trường tùy tình hình dịch bệnh và chủng ngừa của nhân viên, học sinh cũng như kinh phí của nhà trường, có thể thực hiện 1 lần/tuần hoặc 2 lần/tuần.
Trước mắt tổ chức học một buổi
Thông tin huyện Cần Giờ có đề xuất cho trẻ trở lại trường sau ngày 4-10, PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên cho rằng hiện có thể áp dụng. Bởi Cần Giờ thưa dân và biệt lập với các địa phương khác. Riêng các quận, huyện còn lại và TP Thủ Đức cần có lộ trình nhằm bảo đảm an toàn.
BS Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Nhiễm kiêm Trưởng Đơn vị Điều trị Covid-19 Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho biết hiện tình hình dịch Covid-19 ở TP HCM với số ca mắc còn cao, len lỏi trong dân cư khiến khả năng lây lan vẫn còn. Do đó, nếu thành phố mở cửa các hoạt động, trong đó có trường học, thì cần phải mở từng bước, kiểm soát từ từ. Khu vực nào có khả năng kiểm soát được thì mở chứ không mở cửa đại trà.
Theo BS Đỗ Châu Việt, thành phố có thể thí điểm và tổ chức cho trẻ trở lại trường theo từng khu vực. Trước mắt, có thể thí điểm tại 3 địa phương kiểm soát được dịch đầu tiên là quận 7, huyện Cần Giờ và Củ Chi.
Tuy nhiên, đối với các khu vực này, khi trẻ trở lại trường, cần phải bảo đảm giãn cách, lớp học không quá đông, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K. Giáo viên, phụ huynh cần theo dõi, kiểm soát để kịp thời phát hiện những trẻ có nguy cơ cao để ngăn chặn nguồn lây ngay từ đầu. Bước đầu chỉ nên tổ chức học một buổi sau đó ra về, chưa nên cho trẻ học bán trú vào thời điểm này.
HẢI YẾN
-----
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616