• 111
  • lang
  • lang

Báo cáo Hoạt động 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

1.Số lượng cuộc gọi:

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 171.019 cuộc gọi đến (giảm 223.439 cuộc so với cùng kỳ năm 2020), tiếp nhận 967 lượt thông báo qua ứng dụng app và zalo, trong đó có 15.028 ca tư vấn (tăng 625 cuộc so với cùng kỳ năm trước) và 706 ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em (tăng 299 ca so với cùng kỳ năm trước). Số cuộc gọi giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước là do trong tháng 5 và tháng 6 năm 2020 Tổng đài 111 thực hiện nhiệm vụ giải đáp thông tin thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nên số cuộc gọi đến Tổng đài tăng đột biến.        

2. Nội dung chi tiết các cuộc gọi

2.1. Thông tin người gọi

Độ tuổi người gọi: Người từ 18 tuổi trở lên có 11.495 cuộc gọi (chiếm 76,5%) tăng 5% so với 06 tháng đầu năm 2020. Số cuộc gọi của trẻ em từ 11-14 tuổi có 1.868 cuộc (chiếm 12,4%) giảm 2,9%; trẻ em từ 15 đến dưới 16 tuổi có 669 cuộc (chiếm 4,5%) giảm 0,4%; trẻ em từ 0-10 tuổi có 618 cuộc (chiếm 4,1%) giảm 1,4%; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có 377 cuộc (chiếm 2,5%) giảm 2,9% so với 6 tháng đầu năm 2020.

Giới tính người gọi: Số cuộc gọi của nam giới là 7.671 cuộc (chiếm 51%) tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, nữ giới là 7.357 cuộc (chiếm 49%).

Dân tộc: Dân tộc Kinh chiếm 98,4%, dân tộc thiểu số chiếm 1,6% tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

2.2. Độ tuổi, giới tính của trẻ em được người gọi quan tâm

Độ tuổi của trẻ em được người gọi quan tâm nhiều nhất là nhóm từ 11-14 tuổi (26,7%), giảm 3,3%% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp đến là nhóm trẻ em 7-10 tuổi (22,1%) giảm 1,9% so với cùng kỳ 2020; trẻ em từ 4-6 tuổi (17%) tăng 1,6% so với cùng kỳ 2020; trẻ em từ 0-3 tuổi (15,5%) tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2020; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (9,9%); trẻ em từ 15 - dưới 16 tuổi (8,8%).

Giới tính trẻ em được người gọi quan tâm: Trẻ em gái là 57,4%; trẻ em trai là 42,6% tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước

2.3. Loại hình cuộc gọi

Loại cuộc gọi hỏi đáp thông tin có 8.474 ca, giảm 2.104 ca so với cùng kỳ 2020, tư vấn chuyên sâu có 5.848 ca, tăng 2.430 ca và hỗ trợ, can thiệp có 706 ca, tăng 299 ca so với cùng kỳ 2020.

6 tháng đầu năm 2021, tỉ lệ cuộc gọi tư vấn chuyên sâu tăng mạnh ở nội dung liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em (52,3% so với 39,1% trong 6 tháng 2020); tư vấn về pháp luật (28,2%), sức khỏe tâm lý (2,5%), quan hệ ứng xử (12%), sức khỏe sinh sản (1,4%), sức khỏe thể chất (3,5%).

2.4. Nội dung, vấn đề nổi bật trong 06 tháng đầu năm

Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số trẻ em phải cách ly tại gia đình hoặc ở các địa bàn phải giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly tập trung tiếp tục tăng lên, trong đó nhiều em nhỏ phải xa cha mẹ, gia đình, rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Tổng đài 111 đã phối hợp với các chuyên gia tâm lý, các sở LĐTBXH triển khai hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn chăm sóc cho trẻ em trong các khu cách ly tập trung thông qua hình thức trực tuyến, tổ chức hướng dẫn, tư vấn về an toàn cho trẻ em; chăm sóc, ổn định tâm lý, phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý những sang chấn tâm lý của trẻ em trong bối cảnh cách ly, giãn cách xã hội; hỗ trợ, can thiệp, xử lý khẩn cấp để bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em.

Phụ huynh trao đổi về cách đảm bảo an toàn và tổ chức các hoạt động học tập, giải trí cho trẻ em trong bối cảnh các em nghỉ hè sớm và không được ra ngoài do dịch Covid-19. Một số phụ huynh hỏi về chính sách hỗ trợ cho trẻ em ở trong khu cách li tập trung.

Do một số địa phương tiến hành giãn cách xã hội hoặc cán bộ địa phương tham gia trong công tác phòng chống dịch Covid-19 nên công tác can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em ở một số nơi gặp khó khăn (thời gian xác minh sự việc kéo dài, không tiếp cận được ngay với trẻ em).

Trong tháng 4 năm 2021 có một số vụ việc xâm hại trẻ em có tính chất nghiêm trọng, thậm chí nạn nhân tuổi còn rất nhỏ. Điển hình là trường hợp bé gái 5 tuổi ở Bà Rịa – Vũng Tàu bị xâm hại dẫn đến tử vong; bé gái 2 tuổi ở Bình Thuận bị xâm hại tình dục. Người dân phản ánh về thái độ không đúng mực của công an địa phương khi người dân đi trình báo về vụ việc trẻ em bị xâm hại. Điển hình là trường hợp người dân ở quận Hai Bà Trưng – Hà Nội đưa con gái 15 tuổi đến công an quận trình báo về việc bị xâm hại tình dục và tung video lên mạng thì cán bộ trực ban nói với người dân là sự việc lâu rồi trình báo làm gì và phán xét người bố không biết dạy con, dẫn đến người bố bức xúc đã về nhà đánh con.

Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội dẫn đến vấn đề bạo lực và xâm hại tình dục qua môi trường mạng có chiều hướng gia tăng. Nhiều trẻ em gọi tới Tổng đài chia sẻ với tâm trạng lo lắng, hoảng sợ khi các em bị đe dọa, bị tung ảnh nóng hoặc bị xâm hại bởi những đối tượng mà mình mới quen qua mạng. Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ngày càng được người dân quan tâm. Hàng ngày người dân gửi thông báo đến Tổng đài về các kênh, clip có chứa các nội dung độc hại, ảnh hưởng xấu đến trẻ em, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, xử lý

Hoạt động hỗ trợ tài chính cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn từ chương trình hợp tác với tổ chức Good Neighbors International được triển khai mạnh, trong 6 tháng đầu năm đã có 54 trẻ em được hỗ trợ với tổng số tiền 188.500.000 đồng từ tổ chức này.

Người dân bức xúc trước tình trạng trẻ em bị sử dụng vào mục đích ăn xin ở các thành phố lớn không được giải quyết triệt để.

2.5. Ca hỗ trợ, can thiệp (706 ca)

Trong 706 ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em có 362 ca bạo lực trẻ em, chiếm 51,27% (cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 167 ca tương đương 3,36%); 122 ca xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 17,28% (tăng hơn cùng kỳ năm trước 13 ca, giảm về tỉ lệ là 17,28%); 86 ca trẻ em bị bóc lột, chiếm 12,18% (tăng 59 ca so với cùng kỳ năm 2020 tương đương 5,55%); 39 ca hỗ trợ tài chính cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (tăng 35 ca so với cùng kỳ 2020 tương đương 4,54%); 29 ca hỗ trợ chính sách và khó khăn liên quan đến pháp luật (tăng 26 ca so với 6 tháng đầu năm 2020 tương đương 3,37%); 06 ca trẻ em bị mua bán (giảm 10 ca so với cùng kỳ năm 2020 tương đương 3,08%); 24 ca trẻ em bị bỏ rơi, sao nhãng, bỏ mặc (giảm 5 ca so với cùng kỳ năm 2020 tương đương 3,72%)...

2.5.1. Đối tượng trẻ em cần hỗ trợ, can thiệp

Trong số 362 ca bạo lực trẻ em thì có 330 ca trẻ em bị bạo lực về thể chất, chiếm 91,2%; 31 ca trẻ em bị bạo lực tinh thần, chiếm 18,6%, 01 ca trẻ em chứng kiến bạo lực chiếm 0,3%. Tỉ lệ trẻ em bị bạo lực từ chính trong gia đình là cao nhất, chiếm 78,7% (trong đó người bố là người gây ra bạo lực nhiều nhất đối với trẻ em, chiếm 38,1%, tiếp đó là mẹ, chiếm 21,3%, các đối tượng còn lại là ông bà, bố/mẹ kế, anh chị em, họ hàng chiếm 19,3%). Tỉ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020, đây là điều đáng báo động về phương pháp giáo dục của cha mẹ/người chăm sóc đối với trẻ em. Thứ hai là trẻ em bị bạo lực từ môi trường cộng đồng như hàng xóm, người lạ…chiếm 12,7%. Trẻ em bị bạo lực trong trường học với 8,6% (từ chính giáo viên, cán bộ nhà trường chiếm 3,7%; từ bạn bè/người yêu của trẻ chiếm 4,9%).

Trong 122 ca hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị XHTD có 71 ca hiếp dâm trẻ em, chiếm 58,2% (tăng 16 ca so với cùng kỳ năm trước), 51 ca dâm ô trẻ em, chiếm 25,4% (tăng 21 ca so với cùng kỳ năm 2020); 19 ca giao cấu với trẻ em chiếm 15,6% (giảm 5 ca); 01 ca cưỡng dâm trẻ em chiếm 0,8%. Tỉ lệ trẻ em bị XHTD bởi bạn bè/người yêu là cao nhất, chiếm 31,1% (giảm 1,9% so với cùng kỳ 2020). Trẻ em bị XHTD bởi hàng xóm, chiếm 22,1% (tăng 2,8%), trẻ em bị XHTD bởi người lạ chiếm 21,3% (giảm 5,3%), trẻ em bị XHTD bởi người thân trong gia đình vẫn tương đối cao, chiếm 23,8% (tăng 5,4% so với cùng kỳ 2020, trong đó bố đẻ có 06 trường hợp chiếm 4,9%; bố dượng có 09 trường hợp chiếm 7,4%).

2.5.2. Các vụ việc xảy ra ở các tỉnh/thành phố:

Các vụ việc cần hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em xảy ra ở tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước. Trong đó Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 2 thành phố có số vụ việc trẻ em cần hỗ trợ, can thiệp cao nhất toàn quốc: Hà Nội 141 ca, chiếm 20%; Tp.HCM 102 ca, chiếm 14,4% tổng số ca can thiệp của Tổng đài trong 6 tháng đầu năm 2021. Lai Châu và Quảng Trị là hai tỉnh có số vụ việc ít nhất trong cả nước, mỗi tỉnh có 1 ca.

 2.5.3. Tình trạng hỗ trợ, can thiệp

 (i) Ca đã chuyển hồ sơ cho địa phương: 706 ca

 + Số ca đã giải quyết: 648 ca chiếm 91,78%

 + Số ca đang trong quá trình giải quyết:  58 ca chiếm 8,22%

(ii)  Các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em:

+ Trợ giúp tâm lý: 408 ca

+ Trợ giúp xã hội: 10 ca

+ Trợ giúp pháp lý: 356 ca

+ Trợ giúp y tế: 15 ca

+ Trợ giúp tài chính : 18 ca

+ Trợ giúp giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp: 11 ca

+ Giải cứu nạn nhân: 02 ca

Trong số 362 ca bạo lực trẻ em, có 315 trường hợp được nhận dịch vụ hỗ trợ, 47 trường hợp không nhận được hỗ trợ. Có 93/112 ca trẻ em bị XHTD được nhận dịch vụ hỗ trợ, 19 trường hợp không nhận được hỗ trợ. Lý do trẻ em không được nhận hỗ trợ là: gia đình từ chối nhận hỗ trợ, gia đình không hợp tác, trẻ em chuyển đi nơi khác không liên lạc được, địa phương đợi kết quả điều tra từ công an hoặc xác minh không có vụ việc.

Khó khăn trong quá trình hỗ trợ, can thiệp

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, một số địa phương tiến hành giãn cách xã hội hoặc cán bộ địa phương tham gia trong công tác phòng chống dịch Covid- dẫn đến một số vụ việc kết nối, can thiệp cho trẻ em bị chậm trễ. Việc xác minh, tiếp xúc với trẻ em và gia đình gặp khó khăn hay việc trẻ em cần di chuyển để được thăm khám, đánh giá về tâm lý bị trì hoãn.

Nhóm trẻ em ăn xin thường xuyên di chuyển trên nhiều địa bàn, nhân viên tư vấn phải kết nối với nhiều xã/phường khác nhau, cán bộ trẻ em tại xã/phường đến thì các em đã di chuyển sang địa bàn khác dẫn đến thời gian kết nối bị kéo dài và gây bức xúc cho người dân.

Cán bộ địa phương chưa nắm được hoặc chưa làm đúng quy trình can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP: trường hợp em gái 14 tuổi ở Quảng Ngãi bị một người đàn ông dụ dỗ đưa ra Phú Thọ, trong khi Bộ đội biên phòng đang phối hợp với Công an huyện Thanh Thủy, Phú Thọ điều tra sự việc, Tổng đài đề nghị UBND phối hợp với Phòng LĐTBXH huyện Thanh Thủy sắp xếp chỗ ở tạm thời an toàn hoặc đưa trẻ vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để chờ gia đình ra đón thì Lãnh đạo Phòng LĐTBXH huyện cho rằng trước khi công an vào cuộc điều tra sự việc thì trẻ vẫn ở nhà đối tượng an toàn nên không cần sắp xếp chỗ ở khác cho trẻ.

-------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616