• 111
  • lang
  • lang

Bảo đảm cuộc sống cho trẻ nhằm giảm nguy cơ kết hôn trẻ em trong giai đoạn COVID-19 (Phần 1)

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những khó khăn khác nhau đến cuộc sống của nhiều hộ gia đình: mất việc, giảm thu nhập… Những hệ quả này vô tình đẩy con em của nhiều gia đình vào tình cảnh hiểm nghèo: phải đi ăn xin, đi lao động, kết hôn. Trước khi đại dịch xảy ra, đã có khoảng 385 triệu trẻ em phải sống trong hoàn cảnh cực kỳ khắc nghiệt, nghèo khó khi không thể đảm bảo nhu cầu cơ bản, thực phẩm, sức khoẻ hay giáo dục. Do đại dịch, ước tính sẽ có thêm khoảng 66 triệu trẻ em phải đối mặt với cuộc sống thiếu thốn, nghèo khó.

Theo số liệu từ Tổ chức World Vision, trong khoảng 2.2 tỷ trẻ em, cứ 3 em lại có 1 em đang phải sống trong điều kiện khó khăn, và cứ 5 người phụ nữ thì có 1 người phải kết hôn khi còn ở độ tuổi trẻ em. Có khoảng 650 triệu cô dâu trẻ em theo thống kê của trang GirlsNotBrides.org.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc kết hôn trẻ em vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Những định kiến của xã hội, truyền thống cổ hủ, tài chính eo hẹp, hệ thống pháp luật lỏng lẻo, khoảng cách về nhận thức… đều có thể là nguyên nhân khiến trẻ em gái phải kết hôn khi chưa đủ tuổi trưởng thành. Báo cáo từ Tổ chức World Vision cho biết trẻ em gái đến từ gia đình nghèo khó có tỷ lệ kết hôn trước 18 tuổi cao gấp 3 lần so với các em đến từ gia đình khá giả hơn.

Ngoài ra việc lầm tưởng khi có thể cứu vớt tài chính gia đình trong ngắn hạn bằng cách gả bớt đi trẻ em gái trong nhà và quan niệm cổ hủ có thể đảm bảo tương lai của trẻ bằng một cuộc hôn nhân, khiến nhiều cha mẹ tiếp tay làm khó khăn hơn cuộc sống của nhiều trẻ em gái.

Thế giới từng chứng kiến sau dịch Ebola diễn ra năm 2013, tỷ lệ trẻ em gái được trở lại trường học giảm mạnh và tỷ lệ kết hôn trẻ em tăng lên, cũng do 2 quan niệm đề cập ở trên: niềm tin cải thiện tài chính gia đình ngắn hạn và ít thành viên cần phải nuôi hơn. Hơn 1 triệu trẻ em gái có nguy cơ mang thai trước 18 tuổi do các biện pháp cách ly, khó tiếp cận được các dịch vụ y tế, sức khoẻ sinh sản, không thuận lợi nhận sự giúp đỡ của các tổ chức khác.

Nhờ những kinh nghiệm đối mặt với nhiều đại dịch, Tổ chức World Vision đã thành lập mô hình S4T (Saving for Transformation groups, tạm dịch Tiết kiệm nhóm) nhằm hỗ trợ trang trải cuộc sống của những thành viên khó khăn và ngăn chặn kết hôn trẻ em. Mô hình này đã hoạt động hiệu quả trong việc giúp bảo vệ phụ nữ và trẻ em đang trong tình trạng dễ bị tổn thương khỏi đói nghèo và giúp tăng khả năng chống lại áp lực và các biến động bất ngờ. 

Mô hình S4T cũng là nơi cung cấp thông tin, tập huấn cho phụ huynh, các thành viên về nguy cơ của kết hôn trẻ em, khuyến khích giang tay giúp đỡ với những trường hợp có nguy cơ cao và với trẻ em đã kết hôn. Trẻ em gái và các thành viên nữ có thể thảo luận một cách tự do, thẳng thắn về những vấn đề có ảnh hưởng đến bản thân họ và cộng đồng mà họ quan tâm.

Mời theo dõi phần tiếp theo

-------------

Nguồn tham khảo:

https://www.wvi.org/sites/default/files/2020-10/Child%20Marriage%20and%20Livelhoods%20case%20studies.pdf

https://www.girlsnotbrides.org/covid-19-and-child-marriage/

https://blogs.worldbank.org/developmenttalk/child-marriage-unspoken-consequence-covid-19

-------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616