• 111
  • lang
  • lang

Bạo hành trẻ em, nỗi đau của tất cả chúng ta

Chúng ta đều không thể kìm lòng trước những nỗi đau tột cùng mà các nạn nhân, những đứa trẻ vô tội, đã trải qua. Vì sao những điều khủng khiếp trên xảy ra ngày càng nhiều với mức độ tàn khốc đến vậy?!

Qua nhiều năm nghiên cứu về tội phạm, trực tiếp tham gia xét xử những vụ án liên quan đến trẻ em nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy đau đớn như lthời gian qua khi chứng kiến hàng loạt vụ tội phạm tấn công vào trẻ em và những vụ bạo lực trong phạm vi gia đình. Điều gì đang xảy ra đối với xã hội của chúng ta?

Chúng ta đều không thể kìm lòng trước những nỗi đau tột cùng mà các nạn nhân, những đứa trẻ vô tội, đã trải qua. Thật khủng khiếp!

Cặp đôi này đã bị khởi tố trong vụ bạo hành cháu bé 8 tuổi đến chết

 

Chưa dừng lại đó, những vụ con đầu độc cha, cha giết con lại tiếp diễn làm nhức nhối toàn xã hội. Đã đến lúc các chủ thể phòng chống tội phạm nghiêm túc đánh giá nguyên nhân của tình trạng này, đồng thời đề ra các biện pháp kịp thời ngăn chặn những sự việc tương tự.

Sẽ có rất nhiều nguyên nhân nhưng chúng ta cần tập trung phân tích các nguyên nhân về tình trạng ly hôn tăng, những đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường thiếu cha hoặc mẹ, hoặc cả hai nhưng các biện pháp đảm bảo quyền lợi cho các bé, cho người không nuôi dưỡng chưa được thực thi.

Đâu đó vẫn còn quan niệm “thương cho roi cho vọt” dẫn tới bạo lực trong gia đình. Hoặc có những đứa trẻ sinh ra khi cha mẹ của bé chưa chuẩn bị tâm lý đầy đủ, đứa trẻ sinh ra ngoài ý muốn, không trở thành niềm hạnh phúc của cha mẹ mà đôi khi là “chướng ngại vật”, nhất là khi ly hôn.

Tình trạng trên cũng có nguyên nhân từ nền tảng giáo dục, văn hóa thấp nên có tâm lý ghen ghét với quá khứ của vợ/chồng/người tình và trút giận lên những đứa trẻ, như là một cách trả thù hoặc mong muốn không có đứa trẻ để khỏi vướng bận.

Chúng ta cũng nghiêm túc nhìn nhận là các tổ chức, đoàn thể tại địa phương chưa thực hiện tốt vai trò chủ động phát hiện những bất thường trong các gia đình mà trẻ em có nguy cơ bị xâm hại. Tâm lý “chuyện nội bộ gia đình không can thiệp” vẫn còn phổ biến.

Tình trạng cha mẹ bạo lực, xung đột và đánh mắng con sẽ dồn nén thành tâm lý con hận thù chính cha mẹ của mình.

Cũng phải nhìn nhận là thời gian qua, trẻ không được đến trường quá dài, bị chính người trong nhà dùng bạo lực mà không có điều kiện phản kháng, tố giác.

Giá trị thiêng liêng về quyền bất khả xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác chưa thật sự in sâu vào ý thức của mỗi con người.

Hệ thống tiếp nhận tố giác những sự việc có dấu hiệu bạo lực gia đình chưa phát huy và hình phạt chưa đủ để răn đe người có ý định phạm tội...

Từ các nguyên nhân cơ bản trên, chúng ta nên kích hoạt lại hệ thống phản ánh trực tiếp các vụ việc có dấu hiệu bạo lực trong và ngoài gia đình. Chế tài đối với những cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm khi xử lý thông tin.

Với trẻ, chúng ta cần tăng cường giáo dục ngay từ bậc mầm non về cách thức tố giác khi bị xâm hại, bạo lực (trẻ nhớ rõ số tổng đài phản ánh hay cách tâm sự với những người xung quanh khi bị tấn công).

Ở phạm vi từng khu phố, khu căn hộ, việc tuyên truyền về trách nhiệm chăm sóc trẻ em, kịp thời tố giác các vụ bạo lực với trẻ nên đưa vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của ban điều hành khu phố, ban quản trị tòa nhà. Các đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội sinh viên, học sinh trong địa bàn cần được huy động tối đa để hình thành những nhóm chuyên trách trong công tác phổ biến pháp luật liên quan bảo vệ trẻ em, đồng thời sâu sát kịp thời phát hiện những dấu hiệu bạo lực gia đình.

Về hình phạt, Bộ luật Hình sự cần bổ sung nguyên tắc áp dụng hình phạt cho người phạm tội với nạn nhân là trẻ em. Hiện tại, phạm tội với người dưới 16 tuổi được quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, chưa đủ mang tính răn đe mà cần được thiết kế chế định riêng.

Về lâu dài, đầu tư về giáo dục, văn hóa của người dân, tăng cường giáo dục pháp luật bảo vệ trẻ em nói riêng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người nói chung là nội dung cần được ưu tiên trong các chương trình đạo đức ở bậc phổ thông và giáo dục pháp luật ở bậc học cao hơn. Xây dựng hệ thống chủ thể phòng ngừa tội phạm chuyên nghiệp từ trung ương đến địa phương, các hoạt động cần đi vào thực chất, có chế tài rõ ràng đối với các chủ thể khi có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em hoặc bạo lực gia đình.

TS NGUYỄN HUỲNH BẢO KHÁNH

-------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616