• 111
  • lang
  • lang

Bệnh viện dã chiến đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh với hơn 2.523 bệnh nhân trẻ em "sạch" Covid-19.

Bệnh viện dã chiến số 4 (khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) sau 100 ngày hoạt động, điều trị hơn 16.000 F0, đã hết bệnh nhân, dừng hoạt động từ ngày 15/10, sớm nửa tháng so kế hoạch.

Ngày 15/10 

là ngày đầu tiên Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 4 không còn F0. Những bệnh nhân cuối cùng đã được xuất viện sáng qua. Hàng nghìn chiếc giường ghế bố, bàn ghế, quạt máy, xô chậu cùng thiết bị y tế, thời gian qua dùng điều trị bệnh nhân Covid, đã được chuyển lại về Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - đơn vị được giao quản lý bệnh viện dã chiến số 4.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết theo kế hoạch, dự kiến bệnh viện giải thể vào cuối tháng 11. Tuy nhiên, hiện tình hình dịch đã ổn định, bệnh viện hết bệnh nhân nên tạm thời dừng hoạt động. Các đoàn y tế chi viện từ các tỉnh phía bắc như Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, đoàn tỉnh Phú Thọ... đã rút quân.

Bệnh viện dã chiến số 4 vẫn giữ lại khu cấp cứu 20 giường oxy, và một block nhà thu dung bệnh nhân nhẹ với quy mô 200 giường. Khoảng 20 bác sĩ, điều dưỡng cùng nhóm hậu cần của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vẫn túc trực tại đây.

"Chúng tôi luôn sẵn sàng cho tình huống dịch bùng trở lại, có bệnh nhân mới", bác sĩ Tiến khẳng định.

Tổng cộng đã có 798 lượt nhân sự được điều động tham gia vận hành bệnh viện dã chiến số 4, bao gồm phần lớn là nhân viên y tế từ các bệnh viện Nhi đồng Thành phố, quận, Bình Tân, Đại học Y Dược TPHCM, các đơn vị chi viện từ miền Bắc như Y học Cổ truyền Trung ương, đoàn y tế tỉnh Phú Thọ cùng 262 dân quân điều động từ Bộ Tư Lệnh TP HCM.

Bệnh viện còn tiếp nhận các nhóm tình nguyện viên F0 để cùng nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân được toàn diện hơn, tốt hơn, đặc biệt nhóm bệnh nhân nặng, bệnh nhân lớn tuổi, neo đơn. Bệnh nhân xuất viện đều được các chuyến xe miễn phí đưa về.

Trước đó, ngày 6/6, nhận nhiệm vụ từ Ban Chỉ đạo chống dịch TP HCM, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã khảo sát và lên kế hoạch vận hành bệnh viện dã chiến. Cơ sở vật chất được giao là khu nhà tái định cư, bao gồm 20 block nhà trải rộng trên diện tích hơn 30 hecta, chia thành 4 khu A, B, C, D. Trong đó, mỗi block nhà gồm 4 tầng, không có thang máy, bao gồm 40 phòng với sức chứa 180-210 bệnh nhân. Khu nhà này xây xong nhưng không sử dụng đã hơn 10 năm. Do đó, trước khi nhận bệnh nhân, bệnh viện phải sửa chữa lại các block nhà, hoàn thiện hệ thống điện nước, lắp đặt camera giám sát và hệ thống loa. Các block nhà được bàn giao đến đâu, bệnh viện tiếp nhận, thu dung bệnh nhân đến đó.

Các phác đồ chuyên môn cũng được y bác sĩ cập nhật liên tục theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế TP HCM. Bệnh viện chủ động phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện để thu dung sớm các trường hợp F0 lớn tuổi, có bệnh nền, có nguy cơ cao chuyển nặng; sàng lọc và theo dõi sát để phát hiện kịp thời dấu hiệu diễn tiến để điều trị sớm các thuốc kháng đông, kháng viêm, kháng virus (molnupivarir, remdesivir). Để cấp cứu kịp thời cho người bệnh trong tình huống trở nặng đột ngột, bệnh viện thành lập sớm hệ thống phòng cấp cứu và khu hồi sức cấp cứu, từ ngày 4/8, với tổng số 185 giường có oxy.

Nhân viên y tế đoàn chi viện tỉnh Phú Thọ rời bệnh viện dã chiến số 4 từ cuối tháng 9. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

 

Chính thức nhận bệnh nhân từ ngày 7/7, chỉ sau một tuần, bệnh viện đã đạt tổng công suất điều trị với 4.000 F0. Ở đỉnh dịch, ngày 16/7, bệnh viện có tới 4.089 bệnh nhân điều trị cùng lúc. Trong đó 176 bệnh nhân nặng cần hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn bằng oxy gọng kính, oxy mặt nạ, HFNC (thở máy không xâm lấn), CPAP (thở áp lực dương liên tục), thở máy, sử dụng vận mạch.

Sau hơn ba tháng hoạt động, tổng số F0 thu dung là 16.129 người. Trong đó có 2.523 trẻ em dưới 16 tuổi là, 706 F0 trên 65 tuổi, có 551 trường hợp trở nặng phải chuyển lên các bệnh viện tầng trên (chiếm 3,4%) và 61 trường hợp tử vong, (chiếm 0,38%).

Suốt 100 ngày bệnh viện mở cửa, đã có 53 nhân viên (gồm 20 nhân viên y tế và 33 dân quân) bị phơi nhiễm Covid-19, chiếm tỷ lệ 6,6%. Tất cả đều được điều trị, quan tâm chăm sóc và khỏi bệnh, khoẻ mạnh. Bên cạnh đó, bệnh viện đã triển khai 5 đợt tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho nhân viên y tế, dân quân và thân nhân với tổng cộng 642 mũi tiêm, đảm bảo 100% nhân sự được tiêm đủ hai mũi.

Theo lộ trình thu hẹp, giải thể các bệnh viện Covid-19 của Sở Y tế thành phố, từ nay đến tháng 12/2021, hơn 80 bệnh viện tầng 1 và 2 sẽ đóng cửa, hoặc chuyển đổi về công năng ban đầu. Các bệnh viện tầng 3 điều trị cho F0 nặng vẫn giữ nguyên. Riêng 3 bệnh viện dã chiến số 13, 14, 16 có trung tâm hồi sức (ICU) sẽ biến đổi thành bệnh viện dã chiến 3 tầng.

Thư Anh

-----

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616